Người Việt ở Mỹ bỏ phiếu cho ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi các điểm bầu cử ở Mỹ mở cửa, rất nhiều người Việt ở xứ cờ hoa cũng đi bỏ phiếu để lựa chọn ứng viên mà họ tin là phù hợp nhất với những nhu cầu thiết thân của bản thân và gia đình.

Ngày 5/11, cử tri trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu để lựa chọn ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo, cũng như những người sẽ đại diện cho họ trong cơ quan lập pháp. Từ quyền phá thai đến kinh tế, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa đưa ra tầm nhìn hoàn toàn khác biệt cho nước Mỹ.

Chị Linh Barker sống cùng chồng con ở thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina. Chị đang làm việc tại Phòng IT và Data Innovation của ngân hàng Deutsche Bank. Chia sẻ với PV Tiền Phong, người phụ nữ 40 tuổi cho biết chị không quan tâm nhiều đến chính trị, nhưng chị sẽ thực hiện nghĩa vụ công dân của mình vào ngày bầu cử.

Banner ủng hộ ứng viên Donald Trump được căng trong vườn nhà dân ở thành phố Manchester, bang New Hamphire, Mỹ. Ảnh: Tâm Ngô
Banner ủng hộ ứng viên Donald Trump được căng trong vườn nhà dân ở thành phố Manchester, bang New Hamphire, Mỹ. Ảnh: Tâm Ngô

Cũng như 4 năm trước, chị Linh vẫn bỏ phiếu cho ứng viên Trump. Chị cho biết, chị ủng hộ tuyên ngôn “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump và lập trường của ông về tôn giáo. Theo chị, việc ông nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn các giá trị và chuẩn mực truyền thống sẽ giúp duy trì một xã hội ổn định và giữ gìn đạo đức. “Khi xã hội ổn định và đạo đức con người nâng cao, chúng ta sẽ không cần nhiều công cụ pháp luật để quản lý xã hội và tất nhiên kinh tế, trị an cũng sẽ được nâng cao”, chị nhận xét.

Chị Linh nói rằng, trong xã hội ngày nay, nhiều người ủng hộ những phong trào đòi giải phóng tình dục, quan hệ đồng giới..., nhưng chị ủng hộ một nhà lãnh đạo có đức tin, bảo vệ các giá trị truyền thống và tính toàn vẹn của cộng đồng. “Việc ủng hộ ứng viên Trump không chỉ là ủng hộ cá nhân ông mà là ủng hộ thúc đẩy một xã hội tôn trọng các giá trị truyền thống và đạo đức”, chị nói.

Đối với các hãng hàng không, ngân hàng, hãng sản xuất xe điện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hãng truyền thông, nhà hàng và tập đoàn công nghệ, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể dẫn đến thay đổi rõ rệt về những quy định mà họ phải chấp hành, những thương vụ sáp nhập mà họ sẽ được phép triển khai và các khoản thuế mà họ sẽ phải trả.

Trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/10, những lá phiếu đầu tiên được bỏ và kiểm là ở bang New Hamphire. Trong ảnh: Phiếu bầu được kiểm lúc rạng sáng 5/11 tại Balsams Grand Resort, thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire. Ảnh: AFP
Trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/10, những lá phiếu đầu tiên được bỏ và kiểm là ở bang New Hamphire. Trong ảnh: Phiếu bầu được kiểm lúc rạng sáng 5/11 tại Balsams Grand Resort, thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire. Ảnh: AFP

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp, áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, cắt giảm quy định và thủ tục hành chính, hạn chế nhập cư. Đây là những điều mà ông hứa sẽ thúc đẩy một lần nữa nếu tái đắc cử.

Ngược lại, Phó Tổng thống Harris ủng hộ tăng thuế đối với các tập đoàn từ mức 21% thời chính quyền Trump lên 28%. Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng nếu đắc cử, bà Harris sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống Joe Biden.

Chị Trang Tina Stacy là một doanh nhân, đang cùng chồng kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ làm đẹp ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Chị Trang nhận định, cuộc bầu cử năm nay sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống cá nhân và gia đình chị, vì thế đương nhiên chị phải trực tiếp đi bỏ phiếu.

“Tôi và chồng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vì chúng tôi tin rằng chính sách của ông ấy sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn trầm trọng. Tôi nghĩ rằng bà Harris vẫn sẽ tiếp tục những chính sách như những năm qua của chính quyền Biden. Tôi mong muốn chính quyền tiếp theo sẽ giải quyết được vấn đề nhập cư, kinh tế, y tế và người vô gia cư”, chị Trang nói với PV Tiền Phong.

Xu hướng chung

Trên khắp nước Mỹ, người Mỹ gốc Việt được đánh giá là thiên về cánh hữu hơn so với những cử tri người Mỹ gốc Á khác. Một nghiên cứu năm 2023 do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy, 51% cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký có xu hướng nghiêng về đảng Cộng hòa, trong khi 42% nghiêng về đảng Dân chủ.

Người Mỹ gốc Việt là nhóm cử tri người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (AAPI) duy nhất nghiêng về đảng Cộng hòa. Họ cũng tích cực tham gia chính trị, với 91% cử tri người Mỹ gốc Việt có kế hoạch bỏ phiếu trong năm nay, theo kết quả khảo sát AAPI năm 2024.

Trong một cuộc bầu cử mà ông Trump nhận được sự ủng hộ từ những cử tri không phải người da trắng, xu hướng này có thể là lời nhắc nhở rằng đảng Dân chủ không thể coi thường sự ủng hộ của các cộng đồng đa dạng. Người Mỹ gốc Á là nhóm dân số tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, trong đó người Mỹ gốc Việt tăng khoảng 32% trong giai đoạn 2010-2020.

Theo dữ liệu của Trung tâm Pew, phần lớn người Mỹ gốc Việt trên 50 tuổi tự nhận mình là người của đảng Cộng hòa, trong khi hầu hết người trẻ tuổi thiên về đảng Dân chủ. Theo các cuộc phỏng vấn do Foreign Policy thực hiện, người Mỹ gốc Việt cho biết họ coi kinh tế là lĩnh vực hàng đầu trong mùa bầu cử năm nay, đặc biệt là vấn đề lạm phát và chi phí cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

“Bà Harris sẽ chiến thắng”

Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Dong Ngo, cư dân khu vực vịnh San Francisco, bang California, quê của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris, nói rằng, số lượng luật, quy định về bầu cử của Mỹ rất nhiều, rất chi tiết, nhưng nhiều cử tri gốc Việt không nắm cặn kẽ; và phần lớn người Mỹ gốc Việt ủng hộ đảng Cộng hòa vì cảm thấy dễ hiểu, dễ gần tư tưởng của đảng này hơn. Đa số thành viên đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa bảo thủ tài khóa, chủ nghĩa bảo thủ xã hội; các phe phái nội bộ theo chủ nghĩa trung dung, chủ nghĩa tự do cá nhân, chủ nghĩa bảo thủ mới, chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Trong khi đó, đảng Dân chủ là một cấu trúc đa dạng về ý thức hệ, trong đó thành phần tiến bộ chiếm đa số. “Tôi tin chắc rằng, bà Harris sẽ chiến thắng, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ”, anh Dong Ngo nói. Theo anh, chỉ cần thắng ở bang Pennsylvania, nơi có 19 phiếu đại cử tri, bà sẽ thắng chung cuộc.

Thái An

Theo Thu Loan (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.