Đak Đoa ưu tiên dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã tập trung mở các lớp dạy nghề cho người nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS).

Qua đó giúp người dân áp dụng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống.

Sau khi được truyền đạt kiến thức tại lớp học nghề trồng lúa năng suất cao do huyện Đak Đoa mở, anh Găm (làng Đak Mong, xã Đak Krong) được thực hành ngay trên phần ruộng của gia đình.

Anh Găm cho biết: Tham gia lớp học, anh được giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết từng nội dung gắn liền thực hành ngay trên đồng ruộng nên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo. Sau khi học xong, anh nhận thấy việc sử dụng giống lúa chất lượng cao cũng như áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến cho cây lúa rất hiệu quả, đem lại năng suất, chất lượng cao.

Người dân thôn Đak Mong (xã Đak Krong) thực hành nghề trồng lúa chất lượng cao. Ảnh: Đ.Y

Người dân thôn Đak Mong (xã Đak Krong) thực hành nghề trồng lúa chất lượng cao. Ảnh: Đ.Y

“Lâu nay, mình cứ nghĩ gieo nhiều lúa, có nhiều cây thì thu hoạch được nhiều hơn. Nhưng khi tham gia lớp học nghề trồng lúa, mình hiểu rõ lợi ích kinh tế từ việc gieo sạ theo hàng, giảm số lượng lúa giống, không cần sạ nhiều. Mình đã làm theo và đạt kết quả cao”-anh Găm bộc bạch.

Trong thời gian học, các học viên còn được tham quan một số mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với chuỗi tiêu thụ tại các xã lân cận. Ông Kram-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đak Mong-cho hay: “Hiện nay, trà lúa của lớp đào tạo nghề thực hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng hiệu quả mang lại đã khá rõ khi lượng giống gieo sạ giảm, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm và công chăm sóc cũng giảm”.

Xã Đak Krong hiện còn 65 hộ nghèo và 150 hộ cận nghèo. Đây là trăn trở rất lớn của chính quyền địa phương. Bà Vũ Thị Mai-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Đak Krong-thông tin: Từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được huyện phân bổ, với sự hỗ trợ của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, xã đã tổ chức tập huấn, đào tạo các mô hình trồng lúa, nuôi bò cho người lao động địa phương.

Người dân làng Tuơh Klah (xã Glar) học nghề nuôi và phòng bệnh cho heo. Ảnh: Đ.Y

Người dân làng Tuơh Klah (xã Glar) học nghề nuôi và phòng bệnh cho heo. Ảnh: Đ.Y

Nguồn thu nhập chính của gia đình chị Mlom (hộ nghèo ở làng Tuơh Klah, xã Glar) trông chờ vào 1 sào lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ ngày tham gia lớp học nghề nuôi và phòng bệnh cho heo, việc chăn nuôi của gia đình thuận lợi hơn. “Khi đã có kỹ năng, kiến thức về thú y, tôi mua 5 con heo để nuôi. Nhờ có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đàn heo phát triển tốt”-chị Mlom nói.

Bà Giang H’Huom-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Ngoài lớp học nghề nuôi và phòng bệnh cho heo, thời gian qua, xã còn mở các lớp nghề như: hàn, cắt may cơ bản cho 70 lao động trên địa bàn xã. Trong khoảng thời gian 1,5-2 tháng, học viên được trang bị kiến thức lý thuyết và hướng dẫn thực hành.

Theo bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện: Hàng năm, trên cơ sở phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn, Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các lớp học nghề được mở tại địa phương để người học không phải đi xa. Thời gian học cũng bố trí linh hoạt vào buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật giúp bà con có thời gian tham gia học.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Đào tạo nghề không chỉ định hướng cho người dân lựa chọn nghề nghiệp mà còn tập trung dạy kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Các lớp học nghề còn hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để bà con vừa được cập nhật kiến thức mới, vừa áp dụng vào thực tế. Trên cơ sở đó, địa phương có hướng hỗ trợ sinh kế phù hợp cho người nghèo, DTTS và giúp bà con phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế.

“Năm 2024, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 49 lớp cho hơn 1.600 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp, DTTS trong huyện với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.