Những ngày hè năm ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, thời tiết Tây Nguyên khá ổn định. Mùa hè mưa nhiều và khí trời lạnh hơn bây giờ. Bấy giờ, tôi công tác ở huyện Chư Păh cũ. Bước ra khỏi khu nhà ở giáo viên chừng vài trăm bước là đã đến rừng.

1. Thủa ấy, rừng cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thứ trong cuộc sống thường ngày như: chặt cây làm cột, làm bàn ghế tạm, cắt lá tranh lợp mái nhà, lượm mót củi, hái măng, hái nấm...

Cuối tháng 5, sau những cơn mưa đầu mùa, đất đã đủ ẩm và những cây mít lại vào mùa ra quả. Bà con các thôn làng đã tra xong lúa trên rẫy và những luống khoai trên đất vườn nhà cũng vừa lên xanh. Mùa này, cánh giáo viên dạy vùng xa như chúng tôi đã có những bữa cơm tươm tất hơn mấy tháng giữa mùa khô. Tuy là cơm độn nhưng thức ăn thì có đọt rau lang luộc, mít non làm nộm với đậu phộng rang, nấm mối xào, măng le xào…

Trung tâm huyện Ia Grai hôm nay (ảnh nguồn internet)

Trung tâm huyện Ia Grai hôm nay (ảnh nguồn internet)

Hè về, các cô giáo lại tất bật mọi việc, đặc biệt là tổng kết lớp và chuẩn bị cho chuyến về quê dịp nghỉ hè. Hầu hết quê các cô ở các tỉnh phía Bắc. Từ cuối tháng 4, các cô đã đi mua vải, mua cốt chăn bông ở cửa hàng mậu dịch (nhờ để dành tem phiếu); gửi mua mật ong rừng…, rồi sau bữa cơm tối lại hí húi gói gói, xếp xếp. Trước ngày đi là chuẩn bị lương thực ăn đường.

Còn nhớ bấy giờ, các cô hầu như đều đi tàu lửa từ ga Diêu Trì; hành lý mang theo là những chiếc rương gỗ hoặc ba lô đầy ắp tình cảm của những người con đi xa về thăm quê hương, gia đình.

2. Những năm ấy, giáo viên được tiếng là nghỉ 3 tháng hè nhưng thực tế chỉ nghỉ hơn 1 tháng. Từ khoảng giữa tháng 7, các thầy cô đã tập trung học bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ hè.

Thời gian này, các cơ quan thuộc huyện tuy đã dời trụ sở làm việc xuống thị trấn Ia Kha nhưng các lớp học bồi dưỡng hè đều tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện tại xã Ia Grai, cách trung tâm huyện hơn 15 km. Học sinh nghỉ hè nên trống phòng ở tập thể, rất thuận lợi cho việc đón hàng trăm giáo viên về đây học tập, ăn nghỉ tại chỗ.

Tháng 7, trời mưa suốt ngày đêm, mưa dầm đến nỗi đường đất đóng rong; thềm nhà, thân cây cũng bám đầy rêu xanh. Con đường 664 từ Pleiku vào huyện còn là đường đất, mưa tạo thành rãnh sống trâu, trơn như mỡ. Mùa này, không một chiếc xe đò nào ra vào được, ngoại trừ xe máy kéo hoặc xe tải 3 cầu.

Sau kỳ nghỉ hè, cánh giáo viên ngoài Bắc vào, từ Bình Định lên và Pleiku vào đều phải cuốc bộ. Trước ngày tập trung, người ta thường bắt gặp những tốp bộ hành trùm ni lông che mưa, vai mang ba lô, tay xách túi, lếch thếch bước đi trên con đường từ thị xã Pleiku vào huyện. Đó là giáo viên lên huyện học hè.

Tập trung xong, việc đầu tiên là nộp phiếu lương thực, phiếu thực phẩm và nộp củi cho nhà bếp. Tem phiếu thì đã có sẵn, riêng củi phải vào rừng khiêng, vác về. Các thầy thì vác cả cây củi dài về, còn các cô “tay yếu chân mềm” nên gom củi nhỏ thành bó rồi buộc lại làm đòn xóc gánh. Khu rừng gần trường cũng sẵn củi nên chỉ mất nửa buổi là nhà bếp đã gom đủ củi đun nấu cho khoảng chục ngày.

Trong 1 tháng liền, cứ ngày 2 buổi, hàng trăm giáo viên đều lên hội trường tiếp thu bài chính trị do báo cáo viên của huyện và tỉnh về giảng. Sau đó là đến phần bồi dưỡng chuyên môn khoảng nửa tháng. Và cuối cùng là nội dung quan trọng mà giáo viên nào cũng hết sức quan tâm: công bố quyết định thuyên chuyển công tác, tất nhiên là trong phạm vi huyện.

Sau hơn 1 tháng, khóa học bế giảng, giáo viên lại lục tục cuốc bộ dưới mưa ra thị xã Pleiku để về nhà nghỉ thêm chừng mươi ngày rồi sau đó lên trường chuẩn bị cho công tác sửa chữa trường lớp, khai giảng năm học mới.

Và năm nào cũng vậy, cứ gần đến nghỉ hè thì các thầy-cô giáo lại tất bật lo toan cho chuyến về phép rồi trở vào tập trung học bồi dưỡng. Điệp khúc ấy cứ lặp lại cho đến mấy năm sau các lớp học bồi dưỡng hè mới chuyển xuống thị trấn huyện, đỡ đi lại vất vả hơn những năm trước.

Gần 50 năm trôi qua, bây giờ, Tây Nguyên mưa không còn nhiều như trước và sản vật rừng cũng ít đi nhưng đời sống của cán bộ, giáo viên có những cải thiện, đi lên theo nhịp đổi mới chung của cả nước. Lớp học bồi dưỡng hè ngắn hơn và giáo viên đi lại bằng xe máy, xe ô tô.

Còn chúng tôi, đến nay, tất cả đều đã nghỉ hưu nhưng chắc hẳn trong ký ức của mỗi người sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm nhiều vui hơn buồn của một thời gian khó.

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Quốc Nhật Minh nhận học bổng từ Đại học Greenwich

Nguyễn Quốc Nhật Minh nhận học bổng từ Đại học Greenwich

(GLO)- Chiều 13-10, sau khi đạt giải ba tại chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 24, em Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai) đã được Đại học Greenwich (nước Anh) trao tặng học bổng 100% trị giá trên 452 triệu đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên dự Chung kết Đường lên đỉnh Olympia tại điểm cầu Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên dự Chung kết Đường lên đỉnh Olympia tại điểm cầu Gia Lai

(GLO)- Hòa chung không khí rộn ràng của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 tại điểm cầu Gia Lai, sáng 13-10, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có mặt để đón xem và cỗ vũ cho em Nguyễn Quốc Nhật Minh.

Tiếp sức cho “nhà leo núi Olympia" Nguyễn Quốc Nhật Minh

Tiếp sức cho “nhà leo núi Olympia" Nguyễn Quốc Nhật Minh

  • (GLO)- Để tiếp sức cho “nhà leo núi” Nguyễn Quốc Nhật Minh ở chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24, ngoài điểm cầu tại TP. Pleiku, nhiều người con Gia Lai đang học tập và làm việc ở khắp cả nước cũng đón đợi khoảnh khắc thi đấu của em qua sóng truyền hình trực tiếp.
Các thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong) trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Ảnh: N.M

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang phối hợp với một số trường học trên địa bàn ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ trở thành sân chơi bổ ích giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện giao lưu, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống.