Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Và, bao nỗi nhớ thương của người thân ở lại miền Nam, bị chính quyền họ Ngô đàn áp, bắt bớ, tù đày muốn tỏ bày, hơn thế bà con muốn gửi “tâm thư” đến Đảng, Chính phủ về quyết tâm của những người miền Nam yêu nước.

Sau chiến thắng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7-1954), quyết định lấy sông Hiền Lương-vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong 2 năm và 1 khu phi quân sự sẽ được thiết lập ở đôi bờ giới tuyến ấy. Như vậy, từ chỗ ghi nhận thắng lợi của Nhân dân ta sau gần 1 thế kỷ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược để giành độc lập, khu phi quân sự-vĩ tuyến 17 trở thành điểm khởi đầu của cuộc trường chinh ròng rã 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).

Cầu Hiền Lương ngày nay. Ảnh: Đăng Đức

Cầu Hiền Lương ngày nay. Ảnh: Đăng Đức

Sau nhiều ngày tranh luận bất thành về giới tuyến phân chia 2 miền, rồi cũng đến lúc các bên tham gia hội nghị Genève cũng đi đến thống nhất chọn vĩ tuyến 17 để làm giới tuyến-khu phi quân sự và tuyên bố rõ: “Hội nghị chứng nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ” (theo “Khu phi quân sự-vĩ tuyến 17” của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu). Hiệp định Genève ghi: “...Việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ... Cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng bảy năm 1956... kể từ ngày 20 tháng bảy 1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó” (theo “Khu phi quân sự-vĩ tuyến 17”).

Tuy nhiên, những điều ghi trong Hiệp định Genève đã bị chính quyền miền Nam và đế quốc Mỹ cố tình không thực hiện, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành tiền đồn chống cộng của chúng, chia cắt lâu dài đất nước ta, gây nên cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo và khốc liệt kéo dài hơn 2 thập kỷ. Trong những năm đầu sau Hiệp định Genève, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên trì đấu tranh nhằm buộc đối phương thực hiện Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng không thành. Để người dân 2 miền Nam-Bắc có điều kiện giao lưu, qua lại khu phi quân sự thăm hỏi, giao lưu, sẻ chia tình cảm, Đảng và Chính phủ ta chủ trương đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực hiện việc tự do trao đổi thư từ, đi lại, buôn bán kinh doanh giữa người dân 2 miền. Chúng ta đã biết, sau Hiệp định Genève, ngoài gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, Pháp chuyển vào Nam 132.000 quân và phía ta có 130.000 người tập kết ra Bắc gồm bộ đội, cán bộ và gia đình của họ. Do đó, nhu cầu trao đổi thư từ, tình cảm, tin tức cho nhau trở nên bức thiết, nhất là khi việc kiểm soát giới tuyến có hiệu lực.

Dù rất khó khăn, nhưng do sự kiên trì đấu tranh của phía Chính phủ ta buộc chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đi đến thống nhất chủ trương để cho người dân trao đổi bưu thiếp (không được viết thư, mà chỉ ghi bưu thiếp trên mẫu in sẵn) gia đình, người thân giữa 2 vùng giới tuyến; nhưng có quy định cụ thể khuôn khổ, màu sắc, dung lượng và nội dung của bưu thiếp cho 2 miền... Có điều lạ là dù có văn bản thỏa thuận giữa 2 bên chính quyền cấp cao, nhưng cấp dưới phía chính quyền họ Ngô không thực hiện, gây bao điều tắc trách trong việc chuyển nhận bưu thiếp của bà con trao đổi cho nhau giữa 2 bờ giới tuyến-vĩ tuyến 17.

Trong những “bưu thiếp” đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam, nội dung dù ngắn gọn đến mấy cũng chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương bản xứ muốn nói, muốn tỏ lòng, hướng về phương Bắc. Và, bao nỗi nhớ thương của người thân ở lại miền Nam, bị chính quyền họ Ngô đàn áp, bắt bớ, tù đày muốn tỏ bày cùng người thân, hơn thế bà con muốn gửi “tâm thư” đến Đảng, Chính phủ về quyết tâm của những người miền Nam yêu nước hy vọng một ngày không xa sẽ có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Và cuối cùng, nếu kẻ thù không thi hành Hiệp định, là phải kháng chiến đến thắng lợi, đất nước hết cảnh chia cắt, gia đình đoàn tụ... Thế nhưng, với sự o ép, kiểm duyệt của chính quyền, bao điều muốn bày tỏ, nhắn nhủ ấy trong bưu thiếp bị tịch thu, bao “bưu thiếp” từ Nam ra Bắc bị hủy bỏ, không đến tay người nhận.

Mặt trước và sau của tấm bưu thiếp (nguồn: Nhà sưu tập tem Trần Trọng Khải cung cấp, người viết bài chụp lại).

Mặt trước và sau của tấm bưu thiếp (nguồn: Nhà sưu tập tem Trần Trọng Khải cung cấp, người viết bài chụp lại).

Việc chuyển bưu thiếp từ Bắc vào Nam trong thời gian này được phía ta thực hiện liên tục, còn từ Nam ra Bắc thì không được duy trì thường xuyên theo quy định đã được các bên liên quan ký kết. Vài con số dưới đây chứng minh điều chúng tôi nói ở trên: Chẳng hạn, thời gian tính từ ngày 7 đến 27-7-1955, trong khi miền Bắc ngày nào cũng chuyển bưu thiếp vào Nam, thì cảnh sát ở đồn Xuân Hòa (Quảng Trị) chỉ chuyển cho Công an đồn Hiền Lương của ta 2 chuyến-kiện bưu thiếp, cụ thể: Từ ngày 10-6 đến 19-7, bà con từ miền Bắc gửi vào Nam cho người thân 51.340 bưu thiếp; trong khi đó, miền Nam gửi ra có 1.127 bưu thiếp; không phải bà con phía Nam không luôn hướng về Bắc bằng những tâm sự, tình cảm yêu thương nhung nhớ về gia đình, người thân mà bởi sự kiểm duyệt gắt gao, tạo bao ách tắc, khó khăn trong việc viết và vận chuyển bưu thiếp từ Nam ra Bắc. Theo số liệu thống kê, từ ngày 15-5-1955 đến 31-3-1956, từ miền Bắc chuyển vào Nam là 331.047 bưu thiếp; trong khi đó, từ miền Nam chuyển ra Bắc có 111.022 bưu thiếp (theo “Khu phi quân sự-vĩ tuyến 17”).

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Chính phủ ta với chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc ra đời và đảm bảo hình thức trao đổi bưu thiếp của bà con thân nhân giữa 2 miền Bắc-Nam sau khi quy định vùng giới tuyến có hiệu lực theo Hiệp định Genève, phần nào đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân 2 miền những năm đầu sau Hiệp định. Đây cũng được coi là thắng lợi bước đầu của người dân cả nước trong nỗ lực tái lập quan hệ bình thường giữa 2 miền, dù rằng hình thức trao đổi bưu thiếp còn nhiều hạn chế bởi phía chính quyền Ngô Đình Diệm đã bất tuân như phân tích ở trên. Đã thế, cùng với những tấm bưu thiếp của người thân, gia đình gửi cho nhau, bọn mật thám, gián điệp, chính quyền ngụy lợi dụng để đưa những bưu thiếp có nội dung xấu do chúng “sáng tác” nhằm bôi nhọ chế độ ta ở miền Bắc, kích động người dân rời bỏ quê hương; ca ngợi chế độ họ Ngô ở miền Nam dân chủ, tự do... Điều ấy nói lên sự thâm hiểm của bọn tay sai bán nước.

Tuy chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trao đổi tin tức, tình cảm của người dân 2 miền, nhưng việc trao đổi bưu thiếp-những “lá thư” khắc khoải đôi bờ ấy đã góp một phần duy trì mối quan hệ và cũng qua hình thức trao đổi bưu thiếp này, phía chúng ta ít nhiều cũng đã nắm được thông tin về tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm và đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền Nam, từ đó có những đối sách, những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của miền Nam nói chung, khu phi quân sự những năm tiếp theo nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.