Vụ rơi trực thăng quân sự tại Nhật Bản: Khẩn trương cứu hộ và điều tra nguyên nhân vụ việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tính đến sáng ngày 22/4, công tác tìm kiếm 7 nạn nhân mất tích vẫn đang được khẩn trương tiến hành.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, liên quan đến vụ 2 trực thăng của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) gặp nạn khi đang tham gia diễn tập ở khu vực quần đảo Izu, phía Nam Tokyo, tính đến sáng ngày 22/4, công tác tìm kiếm 7 nạn nhân mất tích vẫn đang được khẩn trương tiến hành

Trả lời trước báo giới chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết, đây là một vụ tai nạn đáng tiếc và việc thu thập, phân tích thông tin sẽ được tích cực triển khai để làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Ông Kihara cũng nhấn mạnh, đã chỉ đạo siết chặt việc quản lý an toàn của các chuyến bay huấn luyện và hiện Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã tạm dừng các chuyến bay huấn luyện đối với khoảng 80 máy bay mà lực lượng này sở hữu.

Tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tham gia tìm kiếm 2 trực thăng gặp nạn tại vùng biển phía đông đảo Torishima thuộc quần đảo Izu, ngày 21/4/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tham gia tìm kiếm 2 trực thăng gặp nạn tại vùng biển phía đông đảo Torishima thuộc quần đảo Izu, ngày 21/4/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cùng ngày, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản Ryo Sakai cho biết, một ủy ban điều tra đặc biệt nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được thành lập. Ông Sakai cũng đã hủy tham dự một hội nghị quốc tế của người đứng đầu lực lượng hải quân 29 quốc gia được tổ chức tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để tập trung chỉ đạo cứu hộ cứu nạn.

Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng ngày 22/4 cho biết, một số chi tiết của máy bay như cánh quạt và mũ bảo hộ của các thành viên phi hành đoàn đã được trục vớt ở vùng biển xung quanh khu vực xảy ra sự cố. Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) đã được tìm thấy và đang được phục hồi để phân tích thông tin. Đáng chú ý, vị trí thu được của cả hai FDR ở khá gần nhau nên khả năng cao là hai máy bay đã va chạm với nhau trong quá trình huấn luyện.

Theo Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, 2 trực thăng đã gặp sự cố khi đang thực hiện công tác huấn luyện tác chiến phát hiện tàu ngầm vào ban đêm trên vùng biển phía Đông đảo Torishima thuộc quần đảo Izu cách Tokyo khoảng 600km về phía Nam.Hiện tại có khoảng 10 tàu và 5 máy bay của Lực lượng phòng vệ cùng 1 tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản vẫn đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích còn lại. Với độ sâu tại khu vực xảy ra sự cố là 5.500m, công tác trục vớt máy bay được xem là gặp nhiều khó khăn kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Trực thăng SH-60K là loại trực thăng tuần tra được biên chế trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 2005, có chiều dài 20m, chiều rộng 16m với tốc độ tối đa là 260km/h và phi hành đoàn gồm 4 người. SH-60K chủ yếu hoạt động từ các tàu hộ tống và được trang bị các thiết bị đặc biệt giúp phát hiện hoạt động của tàu ngầm đối phương.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.