Ký ức những người “thợ chiếu bóng” ở chiến khu Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Dẫu không trực tiếp cầm súng, song với những người “thợ chiếu bóng” thời chiến, việc đưa các thước phim tài liệu cách mạng đến với đồng bào, chiến sĩ cũng là nhiệm vụ cao cả. Để rồi, sau hơn nửa thế kỷ ngồi ôn lại kỷ niệm, trong họ vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm của một thời đầy gian khó mà rất đỗi tự hào.

Thị xã An Khê đón tôi bằng cơn mưa nặng hạt trong một buổi chiều muộn. Lần theo chỉ dẫn, tôi tìm đến ngôi nhà số 91 Hoàng Văn Thụ (tổ 4, phường Tây Sơn) để gặp ông Nguyễn Minh Đồng-người “thợ chiếu bóng” của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Nở nụ cười tươi đón khách, ông Đồng hồ hởi: “Để bác đưa cháu xuống gặp đồng chí Biện Ngọc Kinh. Ông ấy và bác là đồng đội, gắn bó với nhau suốt những năm tháng làm nhiệm vụ chiếu bóng ở Căn cứ địa cách mạng Khu 10 tới tận bây giờ đấy”. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn đầy dứt khoát của ông, tôi không nghĩ ông đã ngoài thất thập.

Ông Biện Ngọc Kinh (bìa trái) và ông Nguyễn Minh Đồng (ở giữa) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm trước Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tại làng Tăng Lăng, xã Krong, huyện Kbang (ảnh nhân vật cung cấp).

Ông Biện Ngọc Kinh (bìa trái) và ông Nguyễn Minh Đồng (ở giữa) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm trước Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tại làng Tăng Lăng, xã Krong, huyện Kbang (ảnh nhân vật cung cấp).

Ký ức khó quên

Lật giở từng trang ký ức, ông Đồng kể, ông là một người con của vùng quê Phước Hưng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Năm 1966, để thoát khỏi cuộc truy quét của địch, cả gia đình ông lên An Khê định cư. 4 năm sau, trong lần vào vùng rừng Ya Hội đốn củi, ông vô tình gặp một số cán bộ cách mạng của Khu 8. Và từ đây, bước ngoặt mới trong cuộc đời đã đến với ông.

“Mấy đồng chí hỏi tôi một vài câu về thân thế, gia cảnh rồi đưa tôi vào khu căn cứ ở sâu trong rừng. Ngoài tôi còn có hơn chục thanh niên khác. Tất cả chúng tôi được phổ biến về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; được học tập nâng cao nhận thức và lý tưởng cách mạng trong vòng 10 ngày. Đợt học kết thúc, cán bộ Khu 8 đưa ra câu hỏi: “Các đồng chí thích mãi làm nô lệ hay giải phóng khỏi ách nô lệ?” và cho chúng tôi toàn ý lựa chọn ở lại hay trở về với gia đình. Tôi đã trả lời câu hỏi trên bằng cách tự nguyện viết đơn gia nhập cách mạng”-ông Đồng nhắc nhớ.

Cuối năm 1970, ông Đồng vào Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) và được phân công về Đội chiếu bóng thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là phụ chạy máy chiếu phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và chiếu phim điện ảnh, phim tư liệu phục vụ đời sống tinh thần cho người dân vùng căn cứ. “Ban ngày, chúng tôi trỉa lúa, trồng mì… Đêm xuống, mấy anh em lại hì hục vác máy đi chiếu phim phục vụ bà con; qua đó, góp phần chuyển tải quan điểm, chủ trương cách mạng của Đảng ta đến với người dân; đồng thời, biến những thước phim ấy trở thành vũ khí sắc bén trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm trên mặt trận văn hóa tư tưởng”-ông Đồng chia sẻ.

Ông Biện Ngọc Kinh (bìa trái) và ông Nguyễn Minh Đồng cùng ôn lại kỷ niệm một thời làm chiếu bóng ở căn cứ khu 10. Ảnh: Mộc Trà

Ông Biện Ngọc Kinh (bìa trái) và ông Nguyễn Minh Đồng cùng ôn lại kỷ niệm một thời làm chiếu bóng ở căn cứ khu 10. Ảnh: Mộc Trà

Ngồi cạnh bên, ông Biện Ngọc Kinh cũng bồi hồi khi nhắc về cơ duyên đến với nghề chiếu bóng. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Từ nhỏ, ông Kinh đã tích cực tham gia hoạt động du kích tại địa phương. Năm 1972, toàn địa bàn Hoài Nhơn được giải phóng. Noi gương anh trai, ông Kinh thoát ly lên Gia Lai tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngoài ông, xã Hoài Mỹ còn có 4 thanh niên khác cùng đi. “Sau 15 ngày băng rừng, vượt suối, chúng tôi được đưa đến căn cứ Krong. Lúc đầu, tôi được phân công quay máy phát điện để vận hành hệ thống thông tin liên lạc cho Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; 3 tháng sau thì chuyển sang công tác tại Đội chiếu bóng với nhiệm vụ chủ yếu là vận chuyển, lắp ráp hệ thống máy chiếu, máy nổ phục vụ chiếu phim. Tại đây, tôi đã gặp anh Đồng và cả 2 dần trở nên thân thiết”-ông Kinh kể.

Với tâm thế là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nên ông Đồng và ông Kinh luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, xông pha đến những nơi khó khăn nhất để chiếu phim phục vụ đồng bào, đồng chí. Những bộ phim tư liệu như: Đường ra trận, Anh bộ đội xe tăng, Kim Đồng, Điện Biên Phủ, Việt Nam trên đường thắng lợi… và một số bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời bấy giờ như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười… đã trở thành món ăn tinh thần quý giá cho rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng căn cứ cách mạng; góp phần củng cố niềm tin vào con đường tất thắng của cách mạng miền Nam.

“Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là lần chiếu phim phục vụ cán bộ, người dân xã Sơn Lang khai thác, vận chuyển gỗ ra miền Bắc xây Lăng Bác Hồ vào mùa xuân năm 1974. Cứ 5 giờ chiều là chúng tôi bắc loa mời bà con tới xem phim. Mỗi bộ phim chạy từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ, vậy mà ai cũng chăm chú xem từ đầu đến hết. Thời gian còn lại, đội văn công tiếp tục biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân. Cứ thế, suốt 2 tháng trời, hàng chục bộ phim đã được chiếu, thu hút đông đảo người xem vào mỗi tối. Tôi cùng đồng đội sau đó rất vinh dự khi được Khu ủy Khu 5 tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch đặc biệt ý nghĩa này”-ông Kinh tự hào khoe.

Ấm tình đồng đội

Mặc dù gắn bó với Căn cứ địa cách mạng Khu 10 không nhiều, song với ông Đồng và ông Kinh, đây là khoảng thời gian đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ. Hai con người xa lạ đã gặp nhau ở mảnh đất Krong và cùng viết nên câu chuyện đẹp về tình đồng chí, đồng đội từ thời chiến cho đến tận thời bình.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh Kinh là vóc dáng anh quá nhỏ bé so với độ tuổi 23 của mình. Vậy nên, cứ hễ làm việc nặng, tôi đều giúp anh vài phần, mặc dù tinh thần làm việc của anh rất nghiêm túc và chưa bao giờ nhờ vả đồng đội. Anh cũng là người rất biết quan tâm người khác. Nhờ anh tận tình chăm sóc mà tôi đã vượt qua được cơn sốt rét thập tử nhất sinh hồi năm 1972”-ông Đồng tâm sự.

Ngoài tham gia Đội chiếu bóng, ông Đồng và ông Kinh còn thường xuyên đồng hành trong những chuyến xuống đồng bằng nhận hàng hóa, lương thực, thực phẩm về cho đơn vị. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng. Có đợt suôn sẻ, song nhiều khi phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy. Ông Đồng hồi tưởng: “Chuyến đi khó quên nhất của chúng tôi có lẽ là đợt xuống Hoài Nhơn gùi hàng vào cuối năm 1973. Khi đến Tam Quan Bắc, anh Kinh tranh thủ ghé về thăm nhà, còn tôi và anh Nguyễn Hữu Thức-quay phim kiêm chụp ảnh của Ban Tuyên huấn-nghỉ lại đây. Khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi đang chuẩn bị ngủ thì địch pháo kích. Tôi và anh Thức bị thương ở vai và gót chân phải, được du kích xã Tam Quan Bắc đưa lên trạm xá cấp cứu”.

Bộ đội và Nhân dân khu căn cứ tỉnh vận chuyển gỗ ra miền Bắc để xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bộ đội và Nhân dân khu căn cứ tỉnh vận chuyển gỗ ra miền Bắc để xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

“Đồng đội bị thương mà tôi nào hay biết gì”-ông Kinh tiếp lời-”Mãi tới sáng hôm sau, tôi ra đến điểm dừng chân để tiếp tục hành trình thì mới giật mình khi chứng kiến khung cảnh tan hoang. Biết tin đồng đội bị thương, lòng tôi như lửa đốt nhưng vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, tôi phải tiếp tục lên đường. Tôi gùi luôn phần hàng thiết yếu của Đồng, một mình lên lại căn cứ để báo cáo tình hình cho cơ quan. Tuy nhiên, vừa đi được một đoạn, tôi lại không may trúng pháo chụp của địch và bị thương nhẹ ở vai. Sau khi tự sơ cứu, tôi cố gắng mang hàng về cho kịp kế hoạch. Hôm ấy đã là 28 Tết và Đồng phải đón năm mới xa đơn vị”.

Đầu năm 1975, ông Đồng được cấp trên phân công về nằm vùng nắm tình hình tại địa bàn xã Song An (An Khê), còn ông Kinh được cử đi học lớp sơ cấp kỹ thuật máy chiếu ở Trà My (tỉnh Quảng Nam). Hai người chia tay và động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, hẹn ngày gặp lại khi non sông thống nhất. Tháng 3-1975, ông Đồng cùng quân dân địa phương tham gia tiếp quản địa bàn, ổn định tình hình An Khê sau giải phóng; sau đó, lần lượt về công tác tại xã Song An, Huyện Đoàn An Khê rồi Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Ông cũng tham gia chuẩn bị các điều kiện để tiến hành chia tách An Khê, thành lập huyện Kông Chro vào năm 1988. Sau đó, vì sức khỏe không cho phép, ông Đồng xin nghỉ chế độ và chỉ tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh ở cơ sở.

Về phần ông Kinh, sau khi hoàn thành khóa học trở về, ông tiếp tục gắn bó với nghề chiếu bóng, rong ruổi trên khắp các miền quê, buôn làng trong tỉnh để chiếu phim. Những bộ phim liên quan đến chiến tranh được tiết giảm, thay vào đó là các bộ phim lan tỏa niềm vui chiến thắng và cổ vũ tinh thần xây dựng, kiến thiết quê hương. Đầu năm 1976, Đội chiếu bóng tách khỏi Ban Tuyên huấn để thành lập Quốc doanh chiếu bóng (thuộc Ty Văn hóa-Thông tin). Ở Pleiku, các rạp chiếu bóng tư nhân trước giải phóng như: Diệp Kính, Diên Hồng, Thăng Long… được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Nhân Dân, Thống Nhất; riêng rạp Thăng Long chuyển thành Nhà Văn hóa tỉnh, nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. “10 đội chiếu bóng ngoài phục vụ tại các rạp còn đóng quân tại các địa phương để đi chiếu phim lưu động. Tôi là Đội trưởng đội số 3, thực hiện nhiệm vụ tại rạp chiếu bóng An Khê. Khi rạp giải thể, tôi chuyển sang công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã đến năm 2004 thì nghỉ hưu”-ông Kinh cho hay.

Vì ở cùng địa phương nên ông Kinh và ông Đồng đã nhanh chóng tái ngộ sau ngày thống nhất. Hai ông cũng kết nối thành công với những đồng nghiệp chiếu bóng một thời để gặp gỡ hay tổ chức những chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa. Và mỗi dịp như thế, bao xúc cảm của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cứ thế ùa về trong từng ánh mắt, nụ cười và trong tình đồng chí, đồng đội thân thương, ấm áp.

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.