Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 1466/UBND-KGVX về tăng cường quản lý tình hình lao động, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi, thời gian qua ở các tỉnh, thành có tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với số lượng lớn người lao động. Đặc biệt, từ tháng 2-2023, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã thực hiện chấm dứt hợp đồng với 2.358 lao động, dự kiến thời gian đến sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 người. Việc cắt giảm số lượng lớn lao động của các doanh nghiệp tạo ra thách thức về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động của các tỉnh nói chung, trong đó có Gia Lai.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy

Để đảm bảo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động; tập trung phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các sở, ban ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về thị trường lao động và chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, sinh viên.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động. Đổi mới hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia; chủ động kết nối, rút ngắn được thời gian người lao động đi tìm việc… Chủ động, linh hoạt, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển thị trường lao động để giữ vững ổn định kinh tế và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở thường xuyên rà soát, thu thập thông tin cung cầu lao động để đánh giá dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để tổ chức thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung-cầu lao động; kịp thời kết nối, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Kế hoạch số 884/KH-UBND ngày 18-4-2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Người lao động xem thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh và nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà
Người lao động xem thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh và nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thị trường lao động và chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp tới mọi tầng lớp nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu về thông tin thị trường lao động; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, phối hợp cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.