Người đưa thổ cẩm Hrê ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Y Hoa (tên đầy đủ là Phạm Thị Y Hòa, 32 tuổi) là viên ngọc sáng, đã có công lớn trong việc quảng bá thổ cẩm làng Teng ra nhiều nước trên thế giới...
Cô sơn nữ Phạm Thị Y Hòa, người đưa thổ cẩm làng Teng vươn ra thế giới

Cô sơn nữ Phạm Thị Y Hòa, người đưa thổ cẩm làng Teng vươn ra thế giới

Ở Quảng Ngãi, hiện chỉ có cộng đồng làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm Hrê. Mấy năm qua, ở làng Teng, nhiều người trẻ được truyền nghề đang tạo ra những làn gió mới để hồi sinh thổ cẩm của làng. Trong lớp người trẻ ấy, Y Hoa (tên đầy đủ là Phạm Thị Y Hòa, 32 tuổi) là viên ngọc sáng, đã có công lớn trong việc quảng bá thổ cẩm làng Teng ra nhiều nước trên thế giới, là người góp công lớn đưa thổ cẩm Hrê đến Triển lãm thế giới - EXPO 2020 diễn ra tại Dubai…

Từ làng Teng đến Dubai

YHoa YHoa là tên thương mại mà chị Phạm Thị Y Hòa sử dụng trên các trang mạng, Facebook, Zalo để quảng bá, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm do chính tay chị và người dân làng Teng dệt nên. Y Hòa kể, năm 12 tuổi, chị đã bắt đầu theo mẹ, bà và các cô bác trong làng tập tành dệt thổ cẩm. Đến năm học lớp 12, chị đã trở thành người thợ dệt thổ cẩm điêu luyện. Những năm còn đi học, Y Hòa vừa học vừa dệt thổ cẩm rồi đem đến chợ trung tâm xã, huyện để bán lấy tiền đi học. Học hết phổ thông, chị mất rất nhiều năm theo đuổi ngành y và sau đó chuyển qua ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên, đến khi cầm tấm bằng thì chị cảm thấy bản thân không còn phù hợp nên quay về làng bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng nghề dệt thổ cẩm. Từ đầu năm 2018, Y Hòa chuyên tâm vào nghề dệt và sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình ra với thế giới.

Để được khách hàng đón nhận rộng rãi, bên cạnh tạo ra các dòng thổ cẩm truyền thống Hrê, Y Hòa còn tìm cách để cách tân nhiều mặt hàng có màu sắc bắt mắt, hiện đại hơn. Y Hòa mày mò để đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ quần áo, khăn, khố mà còn có túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới, đồ cách tân… Không chỉ quan tâm đến sản phẩm, Y Hòa còn chú tâm truyền thông, quảng bá, chỉn chu hình ảnh khi đăng tải các sản phẩm mới của mình. “Khi tạo ra được sản phẩm mới, tôi thường chia sẻ rộng rãi lên trang cá nhân trước để mong nhận được những ý kiến đóng góp từ bạn bè, khách hàng. Đây cũng là cách để mình làm tốt hơn, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường”, Y Hòa tâm sự.

Ban đầu, Y Hòa cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính bản thể trong gìn giữ, bảo tồn bản sắc hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, Y Hòa khẳng định: “Thổ cẩm Hrê là giá trị truyền thống, cội nguồn của chúng tôi. Vì vậy, dù cách tân đi nữa thì mục đích cuối cùng của tôi vẫn quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình”.

Nhờ có tư duy nhạy bén, bước đi phù hợp nên sản phẩm của Y Hòa luôn tạo được hiệu ứng tốt từ khách hàng. Từ đó, các mối hàng dần mở rộng không chỉ trong tỉnh Quảng Ngãi mà lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hơn nữa, cà vạt, khăn quàng, khăn trải bàn mang thương hiệu “Y Hoa” được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn để làm quà tặng, quảng bá đến nhiều nước, như Thụy Sĩ, Italy, Anh, Đức… Trong đó, sự kiện có dấu ấn lớn nhất trong chặng đường phát triển thổ cẩm Hrê của Y Hòa là lần hợp tác với các nhà thiết kế thời trang tên tuổi trong nước và thế giới để thực hiện các bộ sưu tập trưng bày, triển lãm tại EXPO 2020 diễn ra ở Dubai (cuối năm 2021, đầu năm 2022).

Y Hòa nhớ lại, mùa hè năm 2021, chị bắt đầu nhận lời các nhà thiết kế để thực hiện sản phẩm thổ cẩm làng Teng phục vụ triển lãm. Thời điểm đó, cả nước đang gồng mình trong đại dịch Covid-19, mọi hoạt động giao thương đình trệ nên Y Hòa đều làm việc với các nhà thiết kế từ xa. Công việc khó khăn, đòi hỏi tính mỹ thuật cao trong khi thời gian gấp gáp nên Y Hòa thấy rất áp lực. Tuy nhiên, do động lực để đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống dân tộc mình ra thế giới nên cô rất quyết tâm. Sau hơn 1 tháng làm việc cật lực, có thời điểm trắng đêm dệt thổ cẩm, Y Hòa đã tạo ra được 2 tấm thổ cẩm Hrê đẹp nhất cho các nhà thiết kế.

Với tâm huyết và sự khéo léo của Y Hòa, thổ cẩm làng Teng sau đó được ban tổ chức thế giới lựa chọn đưa ra trưng bày tại Trung tâm triển lãm của EXPO 2020 - Dubai. Đặc biệt, thổ cẩm do Y Hòa dệt ra được 2 nhà thiết kể nổi tiếng là Lý Quý Khánh và Chula (tên thật Diego Del Valle Cortizas, đã mất) lựa chọn góp mặt trong show trình diễn thời trang rất ấn tượng tại EXPO 2020 - Dubai… “Từ sự kiện đó, thổ cẩm làng Teng rất được quan tâm. Nhiều cơ quan báo chí tìm hiểu để viết bài, quảng bá; khách hàng nhiều nơi biết đến và hỏi thăm, đặt hàng nhiều nên hiệu ứng cực kỳ tốt”, Y Hòa vui mừng nói.

Cảm hứng từ Ca-đáp

Không chỉ với thổ cẩm, Y Hòa còn là người rất yêu bản sắc dân tộc mình. Mỗi lần nghe các nghệ nhân, các bậc cao niên trong làng nói, trình diễn mang bản sắc văn hóa người Hrê, Y Hòa đều ghi chép, quay phim để lưu trữ, nghiên cứu. “Hiện nay nhiều nét văn hóa của người Hrê dần bị mai một, chỉ có những cụ già trong làng lưu giữ, nếu một mai họ mất đi thì sẽ mất hết. Lúc đó chẳng còn ai biết đến văn hóa của người Hrê nữa. Vì vậy, khi nào có dịp thì tôi quay phim lại, lưu trữ những câu ca, làn điệu, cách thức trình diễn bản sắc văn hóa dân tộc mình”, Y Hòa cho biết.

Có lần, Y Hòa nghe ở miền núi xã Ba Tô (huyện Ba Tơ) vẫn còn cụ ông tên Đinh Quang Trị rất khéo tay, giữ được nhiều nét văn hóa bản địa, trong đó có đan lát, Y Hòa lặn lội tìm đến để học nghề, tìm hiểu, lên ý tưởng. “Lúc đó là mùa đông 2021, trời rất lạnh và tôi liên tục phải đi đến các vùng núi để tìm hiểu các loại sản phẩm đan lát của người Hrê. Qua đó, tôi thấy hầu hết sản phẩm đan lát Hrê đều có mẫu mã rất đẹp, nhưng thiếu nét riêng và chưa bắt mắt. Vì vậy, tôi quyết định tự tay tạo ra sản phẩm đan lát lấy cảm hứng từ các sản phẩm truyền thống, cách điệu hoa văn, chữ viết người Hrê. Sau đó, tôi tìm đến nhờ một số dân làng chuẩn bị nguyên liệu, vót mây tre, tôi phụ trách việc hướng dẫn bà con tạo màu, đan kết hoa văn, chữ vào sản phẩm”, Y Hòa kể.

Sản phẩm đầu tay của Y Hòa lấy cảm hứng từ cái ca-đáp, một loại giỏ đựng cơm của người Hrê để tạo ra bộ tráp phục vụ người miền xuôi. Bộ tráp được tạo ra từ khuôn mẫu chiếc ca-đáp truyền thống Hrê nhưng được đan kết theo hoa văn của dân tộc Hrê với các màu chủ đạo đen, trắng, sẫm vàng rất độc đáo. “Từ cảm hứng ca-đáp, tôi bắt đầu tạo ra chuỗi các sản phẩm như giỏ cá, rổ, gùi, nia… theo kiểu cách điệu thêm hoa văn, chữ, màu sắc mới”, Y Hòa chia sẻ.

Nhờ bàn tay, khối óc đầy sáng tạo, Y Hòa đã thổi làn gió mới vào các sản phẩm đan lát của người Hrê, trở thành món đồ bắt mắt và mang đậm bản sắc văn hóa Hrê. Đến năm 2022, Y Hòa bắt đầu tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm mây tre đan lát với rất nhiều loại hình, mẫu mã, kích cỡ. Có thời điểm giữa năm 2022, sản phẩm đan lát bán rất chạy, nhiều lô hàng khách đặt với số lượng lớn, nhờ vậy, Y Hòa góp công tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân nghèo, các nghệ nhân, cùng lưu giữ bản sắc văn hóa.

Vừa qua, sản phẩm đan lát của Y Hòa được UBND tỉnh Quảng Ngãi chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Y Hòa tiếp tục gửi sản phẩm dự thi cấp khu vực, được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực…

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.