Pleiku khẩn trương ứng phó với các điểm có nguy cơ sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, một số khu vực ở TP. Pleiku có hiện tượng sạt lở đất khiến người dân lo lắng. Trước tình hình đó, thành phố đang khẩn trương rà soát các vị trí xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở để có giải pháp xử lý kịp thời.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất

Ngày 22-9, tại vị trí nhà số 58/6 và 58/8 đường Phạm Văn Đồng (tổ 2, phường Hoa Lư) đã xảy ra sạt lở đất với chiều cao khoảng 4 m và chiều dài khoảng 50 m. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định khu vực hẻm 58 Phạm Văn Đồng còn có 3 điểm có nguy cơ sạt lở đất khác, kéo dài từ đầu nhà hàng Thiên Thanh đến khu vực thuộc Công ty Xây lắp (cũ) khiến 32 hộ dân đang sinh sống tại đây rất lo lắng.

Một điểm có nguy cơ sạt lở đất tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng (tổ 2, phường Hoa Lư). Ảnh: N.D

Một điểm có nguy cơ sạt lở đất tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng (tổ 2, phường Hoa Lư). Ảnh: N.D

Ông Phạm Văn Công (hẻm 58, tổ 2, phường Hoa Lư) cho hay: Gia đình ông sống ở con hẻm này từ năm 1987 đến nay. Những năm trước, hẻm 58 không có hiện tượng sạt lở đất vì đất đỏ bazan có độ kết dính cao, có tường đá và nhất là có nhiều cây cối, thảm thực vật bao phủ. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân lén lút đổ xà bần, rác thải lấn dần ra khu vực phía sau nhà và đồi. Khi có mưa lớn kéo dài dẫn đến hiện tượng sạt lở đất, đá.

“Tôi cũng như một số hộ ở hẻm 58 đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục hiện tượng sạt lở đất, đá trong mùa mưa bão giúp người dân yên tâm sinh sống, tránh thiệt hại về người và tài sản”-ông Công nói.

Đoạn sạt lở đất tại tổ 2, phường Hoa Lư, TP.Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp

Đoạn sạt lở đất tại tổ 2, phường Hoa Lư, TP.Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Lưu Ngọc Đang (cùng hẻm 58) thì cho biết: “Tôi sinh sống ở hẻm này từ năm 1976 đến nay. Trước đây, không có hiện tượng sạt lở đất từ đồi cao xuống. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây thì có hiện tượng này. Theo tôi, nguyên nhân là do nhiều hộ khu vực trên đồi đổ đất, rác lấn chiếm và làm hầm cầu tạo sự thay đổi kết cấu địa chất nên mỗi khi mưa lớn dẫn đến sạt lở xuống khu vực phía dưới này.

Chúng tôi đã nhắc nhở các hộ không nên đổ rác, đất đá ra sau đồi nữa nhưng không chuyển biến. Tôi mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục hiện tượng này để bà con yên tâm sinh sống”.

Khẩn trương ứng phó

Khu vực hẻm 58 Phạm Văn Đồng hiện có khoảng 150 hộ, trong đó, gần 40 hộ ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất từ hướng đường Tô Vĩnh Diện. Ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-cho biết: Đối với 2 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất vào ngày 22-9 tạm thời di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong đêm. Hiện nay, do thời tiết chưa ổn định nên chúng tôi phải giữ lại hiện trường để cảnh báo người dân, tránh xảy ra nguy hiểm khi lưu thông trên tuyến đường này.

Vết sạt trượt đất kéo dài gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Đồng Lai

Vết sạt trượt đất kéo dài gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Đồng Lai

Bên cạnh đó, UBND phường báo cáo đề xuất TP. Pleiku có hướng hỗ trợ người dân bị thiệt hại cũng như sớm có giải pháp khắc phục hiện tượng sạt lở đất tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng. Chính quyền địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó tại chỗ khi có hiện tượng sạt lở xảy ra.

Còn ông Trần Tấn Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku thì thông tin: Trước mắt, không để người dân sinh sống tại khu vực đang sạt lở, còn các hộ khu vực phía sau đường Tô Vĩnh Diện thì giao UBND phường Hoa Lư tuyên truyền, vận động khắc phục tạm thời và di dời đến nơi an toàn. Trường hợp nào cố tình ở lại thì thực hiện cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Về lâu dài, thành phố đang tiến hành khảo sát toàn bộ khu vực để xây dựng bờ kè bằng bê tông cốt thép nhằm tránh tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại cho người dân.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Pleiku, trên địa bàn thành phố có 8 xã, phường với khoảng 23 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ngày 23-9, UBND TP. Pleiku đã có Công văn số 3119/UBND-TH về việc kiểm tra, xử lý sạt lở đất. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các Phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính Kế hoạch, Kinh tế và UBND phường Hoa Lư kiểm tra, tham mưu UBND TP. Pleiku xử lý tình trạng sạt lở đất tại hẻm 58 và 3 vị trí nguy cơ sạt lở dọc hẻm 58 Phạm Văn Đồng.

Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các xã, phường kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất khác trên địa bàn toàn thành phố như: khu vực xung quanh sườn đồi, vực sâu, suối, dòng chảy thoát nước, khu vực đường Tô Vĩnh Diện, Bùi Đình Túy, Nguyễn Thiếp…

Đồi đất từ đường Tô Vĩnh Diện nhìn xuống hẻm 58 có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: N.D
Đồi đất từ đường Tô Vĩnh Diện nhìn xuống hẻm 58 có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: N.D

Từ đó, tham mưu UBND TP. Pleiku phương án xử lý hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành và Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phương án xử lý. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý tình hình trật tự xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất; Phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu UBND thành phố cấp kinh phí hỗ trợ UBND phường Hoa Lư triển khai di dời các hộ dân và thi công khắc phục sạt lở theo quy định.

Cùng với đó, UBND phường Hoa Lư tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, xây dựng phương án ứng phó và di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động người dân không đi lại qua khu vực sạt lở, thực hiện cưỡng chế di dời khi cần thiết. Bố trí địa điểm cư trú an toàn cho các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, cân đối ngân sách địa phương đảm bảo sinh hoạt và ăn uống cho các hộ dân trong thời gian di dời…

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Với nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo nói riêng, các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung.