Pleiku: Hướng đến thương hiệu chợ phiên nông sản an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, chợ phiên nông sản an toàn TP. Pleiku đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một thương hiệu, hoạt động này cần được mở rộng hơn về quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức. 
Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức không chỉ nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp-ngành kinh tế chủ lực của tỉnh-mà còn là hoạt động đầy ý nghĩa hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
 Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: L.L
Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: L.L
Với ý nghĩa đó, trong tháng 10-2018, TP. Pleiku đã 2 lần tổ chức chợ phiên nông sản an toàn tại đường Lê Lai với gần 20 gian hàng bày bán nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao như: rau củ mang thương hiệu Hương Đất An Phú, thịt heo CP Linh Nhi, nem chả Thúy, thực phẩm chế biến Nguyên Vũ, thịt gà Giai Lợi, cà phê Bé Thơm, giá đỗ LD… Bên cạnh đó còn có nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, xuất khẩu đi nước ngoài và được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng như: măng ép Năm Đô, hạt điều Hải Bình…  
Chợ phiên nông sản an toàn đã thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Mua một túi cà chua với giá 15.000 đồng tại chợ phiên, anh Đặng Hoàng Bảo Huy (đường Lê Lai, TP. Pleiku) phấn khởi: “Hàng chất lượng, giá bán hợp lý nên đàn ông chúng tôi đi mua sắm khỏi phải trả giá”. Còn chị Trần Thị Ngọc Lan (đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) hào hứng: “Chợ phiên tổ chức gần nhà nên tôi đi mua sắm rất tiện. Đặc biệt, sản phẩm bán ở đây đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn nên tôi yên tâm hơn”.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng kỳ vọng chợ phiên nông sản an toàn sẽ là cơ hội để họ giới thiệu các mặt hàng đến người tiêu dùng. Chị Phùng Thị Anh Quỳnh-cơ sở nem chả Thúy (TP. Pleiku) cho rằng: “Chúng tôi tham gia chợ phiên không chỉ với mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm mà quan trọng hơn là mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm sức khỏe”. Còn bà Hoàng Thị Thủy-chủ cơ sở Năm Đô-cho biết: “Các sản phẩm cam đường Canh, cam Vinh, măng ép… của cơ sở được khách mua rất nhanh. Lần sau, chúng tôi sẽ chuẩn bị nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi sẽ đầu tư in băng rôn, trang trí gian hàng bắt mắt để thu hút nhiều khách hàng hơn”.
Mặc dù vậy, chợ phiên nông sản an toàn vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng. “Quy mô chợ phiên quá nhỏ, hàng hóa trưng bày quá đơn điệu so với tiềm lực nông sản của địa phương, thậm chí nhiều gian hàng không có kệ trưng bày, không biển hiệu...”-chị Lê Ngọc Hường (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ. Bên cạnh đó, theo một số khách tham quan, việc tổ chức chợ phiên trên đường Lê Lai là không phù hợp vì tuyến đường này chật hẹp, có lưu lượng xe qua lại đông; thời gian diễn ra chợ phiên cũng quá ngắn, nhiều khách hàng khi biết tin đến nơi thì chợ đã vãn.
Theo ông Võ Đăng Yên-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thành phố chỉ hỗ trợ hoàn toàn chi phí trong chợ phiên lần đầu. Các phiên chợ sau, thành phố chỉ có thể hỗ trợ một phần chi phí điện, mặt bằng, còn lại là xã hội hóa. Hiện thành phố đã giao cho một đơn vị chuyên về tổ chức sự kiện thực hiện việc lắp dựng gian hàng, thu dọn vệ sinh... Chi phí cho việc này được xã hội hóa từ các đơn vị tham gia chợ phiên. “Thành phố mong muốn các doanh nghiệp cùng chung tay cộng đồng trách nhiệm để chợ phiên được duy trì và ngày càng phát triển, trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng và là điểm nhấn thu hút khách du lịch”.
An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Sự xuất hiện của chợ phiên nông sản an toàn vì thế thực sự là “điểm sáng” đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người dân; đồng thời là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra của các cơ sở sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc duy trì, hướng đến thương hiệu chợ phiên nông sản an toàn là cả một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.