Phường Thắng Lợi phát triển đô thị gắn với du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị, tạo kết nối vùng trong phát triển kinh tế-xã hội, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các làng đồng bào Jrai gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi-cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phường đặc biệt chú trọng đến đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-10-2021 của Thành ủy Pleiku về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” đến năm 2030.

Đường Nguyễn Chí Thanh đang hoàn thiện sẽ là tuyến giao thông huyết mạch tạo kết nối vùng, thúc đẩy khu vực xung quanh các phường Chi Lăng, Thắng Lợi và các xã Chư Á, Diên Phú phát triển. Ảnh: Quang Tấn

Đường Nguyễn Chí Thanh đang hoàn thiện sẽ là tuyến giao thông huyết mạch tạo kết nối vùng, thúc đẩy khu vực xung quanh các phường Chi Lăng, Thắng Lợi và các xã Chư Á, Diên Phú phát triển. Ảnh: Quang Tấn

Theo đó, phường đã tập trung tuyên truyền sâu rộng ở tất cả cơ quan, ban ngành cũng như tại khu dân cư; đồng thời, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân trong việc thực hiện.

“Cụ thể, cùng với nguồn vốn của các cấp, phường đã vận động Nhân dân hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước làm đường hẻm, lắp đèn chiếu sáng, trồng cây xanh… Từ đầu năm 2020 đến nay, phường đã vận động làm được gần 3,4 km đường giao thông nông thôn, cũng như đóng góp kinh phí lắp điện chiếu sáng trên các tuyến đường (trong đó, người dân đóng gần 1,5 tỷ đồng). Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt phường ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn”-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi thông tin.

Tuy nhiên, trên địa bàn phường hiện còn nhiều tuyến đường như: Nguyễn Bá Lại, Anh Hùng Đôn, Dã Tượng, Võ Văn Tần, Lạc Long Quân, Nguyễn Tuân… được đầu tư xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Đặc biệt, hầu hết các tuyến đường này đều chưa có hệ thống thoát nước nên chỉ cần vài trận mưa lớn là bị xói mòn, bong tróc, tạo những ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chính vì sự cấp thiết ấy, thành phố đã quan tâm bố trí kinh phí gần 8 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp đường Anh Hùng Đôn và dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2023. Tuyến đường sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn là tuyến giao thông huyết mạch góp phần tạo kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển (phường Chi Lăng, xã Chư Á, Diên Phú…).

Theo đó, cùng với các tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Bá Lại, Chi Lăng, Nguyễn Bình… đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, sẽ hình thành các khu dân cư mới, tạo nên không gian đô thị ven đô gắn với các làng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar giàu bản sắc văn hóa, bao quanh là những thung lũng lúa vàng tuyệt đẹp.

Với lợi ích thiết thực đó, ngay sau khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường, các hộ dân sống trên tuyến đường này hết sức phấn khởi và đồng thuận, sẵn sàng di dời hàng rào, vật kiến trúc tạo mặt bằng sạch trước khi triển khai thi công.

Ông Khương Văn Cảnh-Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 8, phường Thắng Lợi-phấn khởi nói: “Bà con trên tuyến đường Anh Hùng Đôn đã mong mỏi từ rất lâu rồi. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối đường Lê Duẩn (quốc lộ 19) với đường Nguyễn Chí Thanh và các tuyến đường lân cận với phương tiện lưu thông, buôn bán rất đông nhưng đường khá nhỏ hẹp, lại xuống cấp, hư hỏng từ lâu.

Chính vì vậy, sau khi thành phố có chủ trương đầu tư, qua họp dân thì tất cả bà con sinh sống hai bên tuyến đường đều đồng tình tháo gỡ, di dời vật kiến trúc nhằm tạo điều kiện cho đơn vị thi công nhanh, sớm hoàn thành công trình. Không những vậy, bà con trên tuyến còn đồng thuận đóng góp tiền cùng với Nhà nước làm vỉa hè, trồng cây xanh (cây cau) nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho khu phố”.

Đường Nguyễn Bá Lại hiện đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Ảnh: Quang Tấn

Đường Nguyễn Bá Lại hiện đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, để hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như tạo kết nối, liên kết vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương, UBND phường đề nghị các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Bá Lại, Dã Tượng, Lạc Long Quân, Võ Văn Tần, Trương Định, Nguyễn Tuân, An Dương Vương… Đây là những tuyến đường quan trọng có tính kết nối vùng, góp phần tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội của phường Thắng lợi nói riêng và các địa phương lân cận.

“Song song đó, UBND phường cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, cộng đồng tại 3 làng đồng bào Jrai. Hiện các làng còn lưu giữ rất tốt nghề dệt thổ cẩm, 3 đội cồng chiêng thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa do cấp trên tổ chức, kết hợp với các món ẩm thực truyền thống đặc sắc của người Jrai sẽ là điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong thời gian tới”-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.