Phường Hội Thương đa dạng phương thức giảm nghèo thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, phường Hội Thương (TP. Pleiku) đẩy mạnh công tác giảm nghèo về thông tin nhằm giúp người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thông tin hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Chủ động cung cấp thông tin cho người dân

Để giúp người dân nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, UBND phường Hội Thương phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể đa dạng hình thức tuyên truyền qua hệ thống pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, xe loa; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tại tổ dân phố, qua mạng xã hội Zalo, Facebook cũng như trang thông tin điện tử của phường.

Năm 2024, UBND phường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại 7 tổ dân phố với hơn 1.000 lượt người tham dự; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Từ đầu năm đến nay, trang thông tin điện tử của phường đã đăng tải hơn 220 bài viết về chuyển đổi số; công tác phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; các bài viết và tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng chủ động cung cấp thông tin cho người dân bằng nhiều hình thức.

hoi-nong-dan-phuong-hoi-thuong-thong-tin-ve-nguon-von-vay-phat-trien-kinh-te-cho-hoi-vien-nong-dan-anh-mn-5599.jpg
Cán bộ Hội Nông dân phường Hội Thương thông tin về nguồn vốn vay phát triển kinh tế cho hội viên. Ảnh: P.L

Thành lập từ năm 2022, Câu lạc bộ (CLB) “Chi hội Nông dân tổ dân phố 1 không vi phạm pháp luật” trở thành kênh thông tin trợ giúp pháp lý, cung cấp kiến thức pháp luật cho hội viên.

Câu lạc bộ cũng là cầu nối gắn kết các hội viên trong Chi hội để chung tay phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Câu lạc bộ do ông Diệp Năng Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố 1 làm Chủ nhiệm.

Các thành viên CLB cam kết gia đình không vi phạm pháp luật; tích cực tuyên truyền, vận động người thân tuân thủ pháp luật và các quy định khác.

Ông Diệp Năng Hùng-Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: “Trước đây, hội viên nông dân chỉ tập trung kinh doanh, buôn bán, không thường xuyên tìm hiểu kiến thức pháp luật, các chính sách mới liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Câu lạc bộ đã giúp hội viên nông dân tiếp cận và nâng cao hiểu biết pháp luật và không vi phạm pháp luật. Nhờ nắm vững kiến thức, hội viên nông dân mạnh dạn nêu ý kiến, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Buổi sinh hoạt mới đây được CLB triển khai vào chiều 6-10. Tại buổi sinh hoạt, 24 thành viên được Chủ nhiệm CLB phổ biến một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Luật Nghĩa vụ quân sự; thông tin những chương trình hỗ trợ vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật do UBND phường, Hội Nông dân phường phối hợp tổ chức.

Buổi sinh hoạt có sự tham dự của cán bộ Tư pháp, Hội Nông dân phường, tổ tiết kiệm và vay vốn để giải đáp thắc mắc của hội viên về chính sách, các điều khoản thi hành của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình.

Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các thành viên Chi hội về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vốn vay cũng được CLB tổng hợp, giải đáp cặn kẽ.

Ông Nguyễn Văn Quý-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương-cho hay: “Để cung cấp thông tin cho hội viên, ngoài mô hình CLB, Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những chính sách, đề án vay vốn thông qua các cuộc họp giao ban; nhóm Zalo, trang Facebook của Hội.

Việc đa dạng hình thức tuyên truyền giúp người dân nắm được thông tin, thay đổi nhận thức để vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

doan-vien-thanh-nien-phuong-hoi-thuong-tuyen-truyen-cho-nguoi-dan-ve-dich-vu-thanh-toan-khong-tien-mat-anh-mn-764.jpg
Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) tuyên truyền cho người dân về dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Ảnh: P.L

Với sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy trong sử dụng công nghệ, Đoàn phường Hội Thương cũng có nhiều hình thức truyền tải thông tin đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Hàng ngày, Đoàn phường đều đăng tải các tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu trong chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” và những chương trình, hoạt động trọng tâm của Đoàn-Hội lên trang Facebook Đoàn phường. Trang Facebook cũng đăng tải các quy định pháp luật; tuyên truyền, chỉ rõ các thủ đoạn lừa đảo để giúp đoàn viên, thanh niên cảnh giác.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp giao ban, nhóm Zalo, Đoàn phường đã kịp thời thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để giúp đoàn viên, thanh niên nắm bắt, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Đoàn phường còn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học tập, nhân rộng như: mô hình kinh doanh cà phê TRS1 của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (đường Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư); mô hình kinh doanh hoa lan của anh Trần Trung Nghĩa (tổ 2, phường Hội Thương)…

Đoàn viên Đào Thanh Đạt cho hay: “Thông qua các kênh tuyên truyền của Đoàn phường, tôi nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến thanh niên. Tôi được học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của các thanh niên khác, có thêm động lực để khởi nghiệp”.

Anh Nguyễn Sỹ Nguyên-Bí thư Đoàn phường Hội Thương-cho biết: Để đoàn viên, thanh niên tiếp cận thông tin chính thống, Đoàn phường đa dạng hình thức truyền thông, tạo sự hấp dẫn để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia và lắng nghe. Bên cạnh đó, Đoàn phường còn thành lập các CLB, đội, nhóm theo sở thích để cung cấp thông tin phù hợp cho từng đối tượng.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thời gian qua, UBND phường Hội Thương đã chủ động phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Đồng thời, kịp thời giới thiệu, tôn vinh những tấm gương, mô hình thoát nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin cho người dân, UBND phường cùng các đoàn thể chủ động nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo để kết nối với một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hình thức giúp đỡ phù hợp như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; trao sinh kế...

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Hội Thương đã hỗ trợ sửa chữa nhà ở, vốn kinh doanh, mua sắm phương tiện sản xuất cho 4 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền 31 triệu đồng.

doan-vien-thanh-nien-phuong-hoi-thuong-tham-quan-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-hieu-qua-de-hoc-tap-nhan-rong-6785.jpg
Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) tham quan mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học tập, nhân rộng. Ảnh: P.L

Được sự kết nối của UBND phường, chị Nguyễn Thị Diệu (24/12/1 đường Nguyễn Văn Trỗi) được VietinBank Gia Lai và Hội Nông dân phường hỗ trợ 71 triệu đồng xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, 3 người con của chị Diệu cũng được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng.

Đầu năm 2024, chị được phường hỗ trợ 7 triệu đồng để mua xe máy phục vụ nhu cầu đi lại, buôn bán. Chị Diệu bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm của phường và các nhà hảo tâm, tôi đã xây dựng được căn nhà mới và có phương tiện đi lại. Sự quan tâm của các đơn vị là động lực để tôi cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Hội Thương phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể phường vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng 266 suất quà với tổng trị giá hơn 123 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn.

Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, UBND phường đã kết nối với các đơn vị cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác giảm nghèo về thông tin.

Bà Lưu Thị Kim Chi-Phó Chủ tịch UBND phường-chia sẻ: “UBND phường xác định việc cập nhật thông tin là yếu tố quan trọng giúp người nghèo hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ. Các cán bộ, công chức của phường luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ đúng nhu cầu.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn phường đã có sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua các hình thức tuyên truyền, người dân ngày càng hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong công tác giảm nghèo”.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.