Phú Thiện quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai đã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, có công việc phù hợp, từng bước cải thiện cuộc sống.

Nhiều kiến thức bổ ích

Tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại xã Ia Piar từ ngày 28-5 đến nay, anh Ksor Trương (buôn Ia Kơ Al) cùng 28 nông dân trong xã đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy cày công suất nhỏ. Mặc dù đã tự trang bị máy cày để phục vụ sản xuất gần 10 năm nay nhưng anh Trương biết không nhiều về cấu tạo, tính năng của máy. Mỗi lần máy bị hư hỏng, anh đều phải mang ra tiệm sửa, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Vì vậy, khi nghe xã thông báo mở lớp học nghề, anh đăng ký học lớp sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ để phục vụ sản xuất của gia đình.

“Với người nông dân, chiếc máy cày khá quen thuộc nên chúng tôi tiếp thu bài nhanh. Nếu như trước đây, mỗi lần máy hỏng phải ra tiệm sửa thì nay tôi có thể mua đồ về tự sửa tại nhà. Tôi cũng ý thức việc bảo dưỡng máy rất quan trọng, cần thường xuyên kiểm tra, thay nhớt để hạn chế hao mòn, hư hỏng”-anh Trương chia sẻ.

Các học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại xã Ia Piar trong một buổi thực hành. Ảnh: V.C

Các học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại xã Ia Piar trong một buổi thực hành. Ảnh: V.C

Tương tự, lớp nuôi và phòng bệnh cho gà thả vườn tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Sô Ma Hang A (xã Ia Peng) được tổ chức từ ngày 22-6 đã thu hút 30 học viên trong xã tham gia. Ông Nay Jon cho hay: Có thời điểm, gia đình ông nuôi 50 con gà và 70 con vịt. Tuy nhiên, do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên đàn vật nuôi thường bị chết, nhất là giai đoạn 1 tuần tuổi. Vì vậy, khi xã mở lớp học này, ông đăng ký tham gia với mong muốn có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình.

“Không chỉ được hỗ trợ gà giống, tôi được giáo viên hướng dẫn cách làm chuồng trại sao cho thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, cách phòng bệnh cho gà nên tôi rất yên tâm. Hy vọng sau 90-100 ngày, đàn gà có thể xuất bán mang lại thu nhập để gia đình có thể tái đàn và mở rộng chăn nuôi”-ông Jon bộc bạch.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, thời gian diễn ra các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí linh hoạt. Trong khoảng thời gian 1,5 tháng, học viên được trang bị kiến thức lý thuyết chung và hướng dẫn thực hành từ các mô hình cụ thể trong thực tế.

Giảng viên Lê Quốc Dũng (Khoa Nông-lâm, Trường Cao đẳng Gia Lai, phụ trách lớp nuôi và phòng bệnh cho gà tại xã Ia Peng) cho hay: Thời gian buổi tối thường được giảng viên truyền đạt lý thuyết. Các tiết thực hành được tổ chức vào ban ngày để bà con nắm vững kiến thức tốt nhất có thể.

Sau khi tham gia lớp học, học viên sẽ biết cách làm chuồng trại đúng kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà, biết hoạch toán kinh tế để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Xuất phát từ nhu cầu thực tế nên bà con tham gia lớp học đầy đủ, mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi.

Giảng viên Lê Quốc Dũng (thứ 2 từ trái sang, Khoa Nông-lâm Trường Cao đẳng Gia Lai) hướng dẫn học viên pha thuốc phòng bệnh vào nước uống cho gà con 1 tuần tuổi. Ảnh: Vũ Chi

Giảng viên Lê Quốc Dũng (thứ 2 từ trái sang, Khoa Nông-lâm Trường Cao đẳng Gia Lai) hướng dẫn học viên pha thuốc phòng bệnh vào nước uống cho gà con 1 tuần tuổi. Ảnh: Vũ Chi

Bà Huỳnh Thị Tư-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện-cho hay: Toàn huyện có khoảng 75.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm hơn 59%. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã: Ia Hiao, Ia Peng, Ia Piar và Ia Ake; chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa điện, sửa chữa máy nông nghiệp.

Phòng cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Chrôh Pơnan và thị trấn Phú Thiện với gần 300 lượt người tham gia, 12 người tìm được việc làm phù hợp. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.890 lao động, có 12 lao động được tuyển dụng đi làm việc tại nước ngoài.

“Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu, tránh tình trạng học theo phong trào, học để nhận hỗ trợ; qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.