Phú Thiện kết nối cung-cầu thông qua phiên giao dịch việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, tại phiên giao dịch việc làm vừa được tổ chức ở thị trấn Phú Thiện và xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã mời 5 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… đến tư vấn cho người lao động.

Hướng tới xuất khẩu lao động

Ông Phạm Văn Đức-Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực MD Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: Mỗi năm, Công ty đưa khoảng 50-70 lao động đi xuất khẩu lao động và 20-30 người du học tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản được người lao động lựa chọn nhiều hơn bởi mức lương hấp dẫn và nhiều chế độ phúc lợi khác. Người lao động có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp như: xây dựng, nông nghiệp, may mặc, thực phẩm, cơ khí, điện tử, vệ sinh tòa nhà… với mức lương 28-36 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền làm thêm giờ; được tham gia đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn con người.

Sau 3 năm, người lao động có thể tích lũy khoảng 600 triệu đồng. Đặc biệt, với lao động là người dân tộc thiểu số, ngoài được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Công ty có thể giải quyết cho vay tới 40% chi phí du học hoặc xuất khẩu lao động.

Người lao động có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm được các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn trực tiếp. Ảnh: Vũ Chi

Người lao động có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm được các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn trực tiếp. Ảnh: Vũ Chi

Mặc dù đang có thu nhập ổn định 18 triệu đồng/tháng với công việc lái máy xúc, song sau khi được tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm cùng chế độ phúc lợi xã hội, anh Đỗ Ngọc Hà (tổ 6, thị trấn Phú Thiện) quyết định đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Anh Hà chia sẻ: “Khi đi xuất khẩu lao động, tôi quyết tâm tích lũy một số vốn để trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

Thị trường lao động Nhật Bản cũng là lựa chọn của chị Rmah H'Nga (xã Ia Ake) khi đến với phiên giao dịch việc làm. Chị H'Nga cho biết: Gia đình chị có 2 ha mì nhưng thường xuyên mất mùa, thu nhập bấp bênh. Với mong muốn cải thiện cuộc sống, chị quyết định đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với ngành nghề chế biến thực phẩm.

Kết nối cung-cầu

Đến với phiên giao dịch việc làm, người lao động còn được các đơn vị đào tạo giới thiệu ngành nghề theo học để mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai. Thầy Rcom Thuyên-giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai-chia sẻ: Trường có 3 hệ đào tạo gồm cao đẳng, trung cấp và sơ cấp với 4 nhóm ngành nghề chính: công nghệ-kỹ thuật, y-dược, nghiệp vụ-du lịch và nông-lâm nghiệp; mức học phí dao động từ 170.000 đến 420.000 đồng/tháng. Ngoài các chế độ miễn, giảm học phí, chính sách học nghề, học bổng, hỗ trợ học tập theo quy định hiện hành của Nhà nước, học viên được tham gia thực tập tại các doanh nghiệp và được nhà trường tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Phiên giao dịch việc làm tại xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) thu hút đông đảo người lao động tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phiên giao dịch việc làm tại xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) thu hút đông đảo người lao động tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Anh Ksor Thôn (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) cho hay: Anh đến tham gia phiên giao dịch hy vọng chọn ngành, nghề phù hợp cho con trai đang chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12. Gia đình cũng có 7 sào lúa nước và 2 ha mì nhưng cha mẹ làm nông vất vả nhiều rồi nên muốn để con học nghề, sau này có công việc ổn định. “Tôi thấy Trường Cao đẳng Gia Lai có nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt với học sinh người dân tộc thiểu số. Các cháu sau khi ra trường được giới thiệu việc làm luôn nên tôi đăng ký cho cháu học nghề tại đây”-anh Thôn nói.

Theo bà Huỳnh Thị Tư-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện: Nhằm tạo cơ hội cho tất cả lao động tại địa phương có cơ hội tìm kiếm việc làm, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Chrôh Pơnan và thị trấn Phú Thiện thu hút gần 300 lao động tham gia. Kết quả, 12 người lao động tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu. Trong đó, 1 lao động đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai; 2 lao động đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh; 2 lao động đăng ký làm việc ngoài tỉnh và 7 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động.

“Phiên giao dịch là hoạt động thiết thực, mang tính định hướng lâu dài nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức và người lao động về việc làm, xuất khẩu lao động và học nghề. Qua những phiên giao dịch việc làm, người lao động nắm rõ các quy định, chọn con đường xuất khẩu lao động hợp pháp tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra”-bà Tư nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.