Phụ nữ Krông Pa góp sức bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực nhằm góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Tuyến đường xanh-sạch-đẹp

Về xã Ia Rsai, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi dạo trên những con đường rực rỡ sắc hoa. Bà Phạm Thị Hòa (thôn Quỳnh Phụ) chia sẻ: Trước đây, dọc tuyến đường đi qua trước nhà tôi, rác thải vương vãi khắp nơi, cỏ dại thì mọc um tùm, trông rất nhếch nhác. Từ khi Chi hội Phụ nữ thôn huy động chị em tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải và trồng hoa, con đường trở nên rộng rãi, sạch đẹp, hoa khoe sắc quanh năm.

Còn bà Đào Thị Hà-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh Phụ thì cho hay: Đến nay, thôn đã xây dựng được 3 “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp” với tổng chiều dài hơn 2 km. Khi triển khai mô hình, chúng tôi huy động người dân tham gia phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, sau đó thì tìm kiếm các loại hoa để trồng. Để con đường hoa luôn rực rỡ, chúng tôi chọn trồng xen nhiều loại hoa, đặc biệt là các loại cây chịu hạn tốt; đồng thời, vận động các hộ dân thường xuyên tưới nước, chăm sóc.

 Tuyến đường xanh-sạch-đẹp ở thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa. Ảnh: Nhật Hào
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp ở thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa. Ảnh: Nhật Hào


Theo bà Nguyễn Thị Ngoan-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsai: Mô hình “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp” được triển khai từ năm 2017. Đối với những tuyến đường thuận lợi, ít gia súc đi qua, chị em phụ nữ tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa để tạo cảnh quan đẹp; đối với các tuyến đường thưa dân thì sẽ phát quang, dọn vệ sinh. Điều đáng mừng là chị em luôn tích cực tham gia nên đường làng ngõ xóm trên địa bàn ngày càng xanh-sạch-đẹp.

Tương tự, “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp” thôn Quỳnh Phú và buôn Toát (xã Ia Rsươm) cũng để lại nhiều ấn tượng đối với những ai có dịp ngang qua. Bà Trần Thị Thắng-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsươm-cho biết: Để triển khai mô hình hiệu quả, Hội đã hướng dẫn các chi hội vận động chị em tham gia dọn vệ sinh định kỳ hoặc đột xuất. Đồng thời, triển khai trồng hoa dọc hai bên đường, luân phiên chăm sóc để cây phát triển tốt. Việc xây dựng “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp” giúp người dân thay đổi được nhận thức và hành động trong việc chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường.

Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa

Cùng với các “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp”, các cấp hội phụ nữ trong huyện còn triển khai nhiều mô hình, hoạt động khác nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể, Hội đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ hiểu được tác hại của ô nhiễm môi trường; vận động hội viên thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên đất; phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tặng các thùng đựng rác để người dân thu gom, phân loại rác thải; cấp cây xanh trồng tại các khu vực công cộng, dọc các tuyến đường. Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng được 13 mô hình về bảo vệ môi trường với sự tham gia của hơn 450 hội viên như: “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “5 không 3 sạch”…

Bà Rơ Ô HCháo-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rcăm-chia sẻ: Trước đây, một số chị em chưa có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh tổ chức các buổi ra quân dọn vệ sinh theo định kỳ hoặc đột xuất, Hội đã thành lập điểm các mô hình về bảo vệ môi trường tại một số thôn, buôn như: “Con đường phụ nữ tự quản”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Phụ nữ thu gom chất thải chăn nuôi để gây quỹ”, “Làng phụ nữ kiểu mẫu”. Số phế liệu thu gom sẽ được bán để gây quỹ mua quà tặng người nghèo. “Đến nay, toàn xã đã gây quỹ được hơn 80 triệu đồng từ các mô hình. Từ nguồn quỹ này, chúng tôi mua quà tặng hội viên phụ nữ và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”-bà HCháo thông tin.

Trao đổi với P.V, bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện-khẳng định: Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đợt ra quân tổng dọn vệ sinh khu vực công cộng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường như: “5 không 3 sạch”, “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”; “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”. Đồng thời, sẽ tiếp tục cấp cây giống để trồng trên các tuyến đường nhằm tạo bóng mát.

 

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.