Phòng-chống tội phạm đa dạng sinh học: “Cuộc chiến” vì tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chúng ta đã có rất nhiều đợt “tuyên chiến” với các vấn nạn đáng báo động như: hàng giả, hàng lậu, tội phạm ma túy, mua bán người qua biên giới, cháy nổ… Và hiện nay là một chủ đề tưởng mới mà không mới: phòng-chống tội phạm về đa dạng sinh học.

Nhiều năm trước, khi có dịp theo chân các thành viên nhóm nghiên cứu voọc chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chúng tôi mới có cơ hội hiểu thêm về nỗ lực gìn giữ sự đa dạng sinh học thông qua việc bảo vệ loài linh trưởng đặc hữu này của Việt Nam. Những ngày vất vả lội rừng của cả nhóm, nắng cũng như mưa, chỉ để ghi nhận từng chút một về hoạt động của các cá thể này. Từ đây, họ tham gia vận động người dân vùng đệm cùng chung tay bảo tồn, không bắt voọc nấu cao cũng như săn bắt động vật quý hiếm.

Phòng tiêu bản tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với nhiều mẫu động-thực vật được bảo tồn nguyên dạng giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học ở đây. Ảnh: L.N

Phòng tiêu bản tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với nhiều mẫu động-thực vật được bảo tồn nguyên dạng giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học ở đây. Ảnh: L.N

Khoảng hơn 10 năm trước bỗng rộ lên phong trào đeo vòng ngà voi, nhẫn lông đuôi voi để thu hút sự… may mắn khiến loài sinh vật to lớn nhất rừng xanh phải biết sợ con người. Qua thời gian, với tác động tích cực của công tác tuyên truyền, quan niệm vô căn cứ trên cũng dần biến mất. Song, nhiều giống loài trong tự nhiên vẫn đang đứng trước mối đe dọa sinh tồn và có khả năng biến mất hoàn toàn. Theo báo cáo năm 2019 của Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES, gồm hơn 130 quốc gia) về tác động của nền văn minh hiện đại đối với thế giới tự nhiên, việc con người phung phí tài nguyên thiên nhiên đã đẩy khoảng 1 triệu loài động-thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên trái đất đến bên bờ vực tuyệt chủng. Mất đa dạng sinh học đã đạt đến mức báo động: Trung bình, cứ sau 10 phút lại có 1 loài biến mất.

Đa dạng sinh học được hiểu là sự phong phú, đa dạng về nguồn gen, giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Đây là yếu tố quyết định tính ổn định và là cơ sở sinh tồn của sự sống cho trái đất. Bảo vệ sự đa dạng sinh học sẽ giúp tạo sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên, giảm nguy cơ tuyệt chủng các giống loài; giữ gìn nguồn tài nguyên cung ứng cho đời sống con người; đảm bảo lợi ích vật chất kinh tế và các giá trị tinh thần vô hình…

Gia Lai đang có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất Tây Nguyên với hơn 632.000 ha. Đặc biệt, một số nơi có hệ sinh thái tự nhiên hết sức đa dạng, được công nhận ở tầm khu vực và thế giới như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-1 trong 27 Vườn di sản ASEAN hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây là tài nguyên quý giá mà không phải địa phương nào cũng được ban tặng.

Thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng-chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2088/KH-UBND ngày 7-8-2023 về triển khai thực hiện công tác này trong giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đưa chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. Đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về đa dạng sinh học được tiếp nhận, thụ lý; tỷ lệ giải quyết đạt 90% trở lên; 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học được khởi tố, điều tra theo quy định pháp luật.

Kế hoạch số 2088/KH-UBND cũng hướng đến mục tiêu 100% cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng-chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học đều được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu; xây dựng, củng cố đội ngũ giám định viên, cán bộ làm công tác định giá trong lĩnh vực đa dạng sinh học đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó, đảm bảo cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, nhất là xây dựng hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin hiện đại phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được nhiều học sinh, sinh viên chọn làm điểm đến để tham quan, nghiên cứu về đa dạng sinh học. Ảnh: Lam Nguyên

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được nhiều học sinh, sinh viên chọn làm điểm đến để tham quan, nghiên cứu về đa dạng sinh học. Ảnh: Lam Nguyên

Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của tỉnh đối với tội phạm đa dạng sinh học. Trước đó, tháng 5-2023, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kbang đã có quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với đảng viên Đinh A Hyót (sinh hoạt tại Chi bộ làng Kon Kring, thuộc Đảng bộ xã Kon Pne). Lý do: Từ ngày 5 đến 7-10-2022, Đinh A Hyót đã cầm đầu và trực tiếp chặt hạ trái phép 2 cây gỗ Sp5 tại lô 5, khoảnh 5 và lô 4, khoảnh 6 (tiểu khu 76) tại lâm phần do Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh quản lý, gây thiệt hại 15,792 m3 gỗ tròn. Sau đó, ông A Hyót bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Một nhà khoa học về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học thuộc Tổ chức Bảo tồn quốc tế từng nêu thực trạng: “Mặc dù tồn tại nhờ các giá trị mà thiên nhiên mang lại nhưng chúng ta lại thường coi đó là điều hiển nhiên. Chúng ta thường mù quáng trước những gì thiên nhiên đang làm cho chúng ta hàng ngày”. Đã đến lúc cần học bài học về lòng biết ơn đối với tự nhiên, biết đấu tranh cho sự đa dạng giống loài của hệ sinh thái. Bảo vệ tự nhiên chung quy cũng là bảo vệ con người, do đó cần xem đây là “cuộc chiến” lâu dài vì tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.