Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), nếu hình thành thị trường tín chỉ các bon thì Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT). |
Từ năm 2020, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký một thỏa thuận về việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các bon dioxide trị giá hơn 50 triệu USD, khởi đầu cho việc hình thành thị trường tín chỉ các bon (carbon) ở Việt Nam. Vậy có thể hiểu thị trường tín chỉ các bon rừng là gì, thưa ông?
- Thực vật có quá trình quang hợp hấp thụ khí CO2 từ đó tạo ra sinh khối, lưu giữ lại các bon trong lá, thân cây, rễ cây, lớp thảm khô, thảm mục dưới tán rừng. Nếu rừng bị suy thoái, lượng các bon bị giải phóng thì tăng lượng phát thải và ngược lại, rừng càng giàu lên thì khả năng hấp thụ các bon càng lớn. Hiện nay, lĩnh vực năng lượng, trồng trọt, chăn nuôi đang nỗ lực giảm phát thải, trong khi lĩnh vực lâm nghiệp phát thải ròng hiện là dương, nghĩa là lượng hấp thụ CO2 lớn hơn lượng phát thải.
Trước năm 2010, rừng suy thoái nhiều thì lượng phát thải lớn hơn lượng hấp thụ nhưng từ năm 2010 đến nay, lượng hấp thụ đã nhiều hơn. Tính toán sơ bộ, với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hằng năm lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi lượng phát thải hằng năm của ngành lâm nghiệp khoảng 30 triệu tấn.
Hiện, các nước trên thế giới đều đang thực hiện các cam kết giảm phát thải để giảm thiểu mức độ nóng lên của khí hậu toàn cầu. Theo đó, các quốc gia đều cam kết lộ trình giảm phát thải, trong đó Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Với cam kết như vậy, nhiều nước sẽ áp dụng hạn ngạch và thuế các bon, nếu phát thải vượt mức thì có thể trao đổi, bù trừ ở những nơi thừa, từ đó hình thành thị trường các bon.
Thị trường các bon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng các bon từ các bể chứa các bon khác như đất than bùn và đất ngập nước.
Người dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khai thác cây keo. Ảnh: B.Q.N |
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hình thành thị trường các bon ở Việt Nam?
- Việt Nam có 4 vùng mà rừng có khả năng hấp thụ các bon lớn là miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ thông qua ký kết của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn các bon dioxide trong giai đoạn 2018 – 2024với giá 5 USD/tấn. Điều đáng mừng là ngay trong chu kỳ báo cáo đầu tiên 2018 – 2019, Việt Nam đã đủ lượng giảm phát thải như đã ký thỏa thuận với WB.
Ngày 28/12/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Theo đó, số tiền từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các bon dioxide cho Quỹ đối tác Các-bon lâm nghiệp thông qua WB (đơn giá chuyển nhượng 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD) sẽ có cơ sở để phân bổ cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên (ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cư...), UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng thông qua thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức.
Việc thực hiện chi trả cơ bản giống như chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hiện nay nhưng về nguồn chi trả cho các chủ rừng là tổ chức sẽ ưu tiên cho các hoạt động trong thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng gồm khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư.
Dự kiến cuối năm nay, đầu năm sau WB sẽ tiếp tục đàm phán, mua bổ sung lượng giảm phát thải với khối lượng lựa chọn tối đa là 5 triệu tấn với mức giá 5 USD/tấn (tương đương 25 triệu USD).
Nguồn thu từ thỏa thuận góp phần quản lý bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên của vùng Bắc Trung Bộ; tạo nguồn thu, giảm áp lực chi ngân sách cho các tỉnh tham gia thực hiện.
So sánh kết quả dự kiến thu được từ thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với kết quả trung bình 2 năm 2019 và 2020 thực hiện chính sách chi trả DVMTR hiện hành ở 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cho thấy: Nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ dự kiến thu được gấp 1,16 lần nguồn thu trung bình từ DVMTR hiện nay; dự kiến trung bình thu được khoảng 217.948 triệu đồng/năm, tương đương với 114,65% nguồn thu DVMTR hiện nay.
Diện tích rừng được chi trả trong thực hiện gấp 2,11 lần, số hộ gia đình và cộng đồng dân cư được hưởng lợi trong thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ gấp 3,2 lần so với chi trả DVMTR hiện nay.
Dự kiến cuối năm nay, đầu năm sau WB sẽ tiếp tục sang đàm phán, mua bổ sung lượng giảm phát thải với khối lượng lựa chọn tối đa là 5 triệu tấn và mức giá 5USD/tấn (tương đương 25 triệu USD).
Cũng phải khẳng định, lĩnh vực lâm nghiệp đang phát thải ròng là dương nên tiềm năng bán tín chỉ các bon là rất lớn.
Trong giai đoạn 2023-2030, mỗi năm có thể có hàng triệu tấn CO2 đem ra tín chỉ hóa và giao dịch, từ đó có nguồn tài chính bù đắp lại khoản kinh phí bảo vệ, phát triển rừng mà mức hỗ trợ của nhà nước chưa bảo đảm, giảm thiểu áp lực lên ngân sách nhà nước, bổ sung kinh phí cho việc quản lý, bảo vệ rừng, tạo động lực cho người dân làm cho rừng giàu lên.
Hiện nay, việc phát triển thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam đang gặp khó khăn gì, ngành lâm nghiệp sẽ ưu tiên những giải pháp gì để sớm hình thành thị trường này ở Việt Nam, thưa ông?
- Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 (Điều 61, 63) thì dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng là 1 trong 5 loại hình DVMTR. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai loại hình dịch vụ này. Như đã trao đổi ở trên, thị trường các bon theo quy định tại Nghị định số 06/2022 sẽ được thiết lập và vận hành vào năm 2028, vì vậy sẽ có "khoảng trống" quy định từ nay đến hết năm 2027 để triển khai thực hiện hoạt động trao đổi, thương mại các bon của rừng.
Điều đáng quan tâm hiện nay là, nhu cầu mua bán tín chỉ các bon là rất lớn nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy định về thị trường liên thông quốc tế, hơn nữa ngành lâm nghiệp cũng cần thực hiện nghĩa vụ đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), do vậy khó xác định lượng tín chỉ các bon và giá cả chuyển nhượng bao nhiêu là hợp lý, trong khi nguồn kinh phí để đo đếm, xác nhận số lượng tín chỉ các bon là rất lớn.
Vì vậy, để triển khai phát triển thị trường tín chỉ các bon của rừng ở Việt Nam trong thời gian tới, Bộ NNPTNT đã đề xuất quy định đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng và giảm phát thải khí nhà kính tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018 và sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trong cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Khi nghị định được Chính phủ ban hành, là cơ sở cho ngành lâm nghiệp, địa phương, chủ rừng và các đối tác tiềm năng thực hiện triển khai trao đổi, thương mại các bon của rừng giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 sẽ được thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Anh Thơ ghi (Dân Việt)