Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Bệnh viện Đa khoa Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 13-10, đoàn công tác liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để nghe báo cáo công tác giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đồng thời tiến hành kiểm tra tình hình thực tế, từ đó có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 909 nhân viên, trong đó có 491 biên chế, còn lại là hợp đồng. Bác sĩ trong diện hợp đồng là 63, chiếm 59% tổng số bác sĩ toàn viện. Số biên chế 491 người còn thiếu nhiều so với 800 giường bệnh kế hoạch được giao. Viên chức có trình độ sau đại học chiếm khoảng 9% tổng số viên chức. Cơ cấu tổ chức của một số phòng chức năng chưa phù hợp cả về nhân sự, vị trí việc làm và khung năng lực; các phòng bố trí không tập trung gây trở ngại trong công tác điều hành chung. Việc chia tách một số khoa lâm sàng, cận lâm sàng bộc lộ nhiều bất cập: bộ máy cồng kềnh, phải bổ nhiệm thêm các vị trí trưởng, phó khoa, điều dưỡng trưởng; làm tốn kém nhân lực, làm giảm công suất giường bệnh là nguyên nhân gây thiếu bác sĩ, điều dưỡng...

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Phần lớn các trang thiết bị hiện có tại bệnh viện được trang bị theo đề án “Liên doanh liên kết” và “Máy mượn, máy đặt”. Việc mua sắm vật tư, hóa chất của bệnh viện đang gặp nhiều trở ngại. Tình hình thanh quyết toán bảo hiểm y tế đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa được thanh toán các khoản: Chi phí vượt trần đa tuyến đến của năm 2018 với số tiền trên 8 tỷ đồng; chi phí chênh lệch giữa kỹ thuật gây tê, gây mê trong 3 năm (2019, 2020 và 2021) với số tiền trên 7,5 tỷ đồng.

Về công tác quản lý tài chính, bệnh viện tự đảm bảo chi phí hoạt động chi thường xuyên từ năm 2019. Tuy nhiên, chênh lệch thu không đủ chi trong những năm 2020, 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là việc tăng mức lương tối thiểu lên 1,8 triệu đồng cùng với chủ trương tăng lương theo niên hạn, ngạch bậc và chi trả các khoản phụ cấp cho nhân viên hợp đồng theo đúng quy định thì chênh lệch chi-thu ngày càng lớn. Công tác thanh quyết toán hàng năm tại đơn vị còn nhiều tồn tại, nhiều khoản nợ phải thu, nợ phải trả, các khoản chi trước, chi tạm ứng…dồn từ năm này sang năm khác, có nhiều khoản từ năm 2017 đến nay vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết được.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại bệnh viện xây dựng đã lâu nay xuống cấp không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh…Ngoài ra, một số khó khăn khác về nhân lực đã và đang ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 định hướng xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Với những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề xuất các giải pháp; trong đó tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu định hướng xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I. Về Đề án tái cấu trúc bộ máy, bệnh viện đặt mục tiêu thực hiện: “Sáp nhập để tinh gọn” và “Mở rộng để nâng tầm”. Sáp nhập một số khoa hoạt động ít hiệu quả, chức năng trùng lặp chồng chéo gây tốn kém nhân lực. Mở rộng, biên chế thêm giường bệnh các khoa có công suất giường bệnh cao, quá tải. Thành lập mới một số trung tâm, khoa lâm sàng theo định hướng phát triển thành bệnh viện hạng I.

Về công nợ, tiếp tục thương thảo các nhà cung cấp trả chậm, trả dần khi bệnh viện có nguồn, ưu tiên các mặt hàng thuốc, vật tư sử dụng cấp cứu. Về phía bệnh viện, chỉ đạo chỉ định thuốc, sử dụng vật tư tiêu hao đúng, đủ nhằm giảm chi phí trong thời gian tới; ưu tiên nguồn kinh phí để trả nợ thuốc, nợ vật tư; tiết kiệm tối đa nguồn chi thường xuyên để trả nợ.

Nhằm giúp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế thanh toán kinh phí bảo hiểm y tế chưa được thanh toán cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một số nội dung: Quy hoạch tổng thể diện tích, cải tạo sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây mới đủ 1.000 giường kế hoạch. Tạo cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển viên chức có trình độ đại học đang hợp đồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào biên chế (ưu tiên đối tượng là bác sĩ); tuyển dụng thêm nhân lực và sớm đào tạo theo kế hoạch triển khai các chuyên khoa theo đề án Bệnh viện hạng I. Trình cấp thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ cho Bệnh viện theo quy định tại Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg ngày 8-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, thẩm định phương án tự chủ giai đoạn 2023-2025 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để làm căn cứ giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ, Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16-9-2022 của Bộ Tài chính, Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 23-4-2023 của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Đăng Bảo-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Ông Nguyễn Đăng Bảo-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đề nghị cấp thẩm quyền phê duyệt đề án khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện; kinh phí đào tạo nhân lực; phương án tái cấu trúc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; bổ sung các trang thiết bị cơ bản và hiện đại theo tiêu chuẩn; tham mưu bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh…

Tại buổi làm việc, đoàn liên ngành đã nghe ý kiến của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về các vấn đề liên quan trong công tác chuyên môn, chế độ đãi ngộ, các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công việc. Các thành viên đoàn công tác liên ngành trực tiếp giải đáp một số vấn đề vướng mắc mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh nêu tại cuộc họp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, vì vậy những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ khẩn cấp. Vì vậy, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra rà soát lại toàn bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị tổ công tác liên ngành chú ý 4 vấn đề chính gồm: Đề án để cấu trúc lại bệnh viện; phương án tự chủ; phương án xử lý công nợ và đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện tỉnh. Tổ công tác liên ngành báo cáo các vấn đề trên về UBND tỉnh trước ngày 15-10-2023; trong đó phải nêu rõ hướng giải quyết cụ thể không nói chung chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tham mưu để bệnh viện xây dựng lại đề án của bệnh viện, xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với đề án làm việc, xác định mục tiêu nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I và có lộ trình cụ thể, tính toán kỹ về phương án tự chủ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Về cơ sở vật chất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng với Sở Y tế mời các ngành liên quan xác định bằng biên bản báo cáo công trình khẩn cấp; trong đó trước mắt là Khoa Hồi sức tích cực chống độc và Khu phòng mổ sẽ đề xuất trong dự toán năm 2024-2025. Về việc bổ sung các trang thiết bị cấp bách phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng làm tờ trình qua đó sẽ tính toán bổ sung đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân…

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

(GLO)- Trong bối cảnh sức ép gia tăng sau nỗ lực ban bố thiết quân luật bất thành trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 6/12 cam kết lắng nghe và xem xét kỹ lưỡng những lo ngại của lãnh đạo đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền.

Ban Dân tộc tỉnh: Dấu ấn 20 năm

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.