Phía sau "27 tỉ đồng mua chức phó vụ trưởng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lại có người bỏ ra hàng tỉ đồng, thậm chí hàng triệu USD để mua một chân công chức hay một vị trí "quan quyền" trong bộ máy công quyền?
 

Dư luận quan tâm theo dõi nhưng không quá bất ngờ vụ "Nữ đại gia khai với cơ quan công an rằng đã đưa 150.000 USD cho 1 cục trưởng để "chạy chức" (Báo Người Lao Động điện tử ngày 15-01-2021).

Không chỉ có vậy, người chạy chức còn khai đã bỏ ra hơn 27 tỉ đồng cùng nhiều tài sản khác để mua chức "Phó Vụ trưởng" tại một cơ quan cấp bộ.

Việc không thành hóa ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ, truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử công khai; đã thu hồi hơn 3 tỉ đồng, 1 ô tô Toyota Camry.

Đủ các kiểu chạy, từ thực thực hư hư, là lời đồn đoán đến sự thật hiển nhiên. Nhiều thủ đoạn, từ tinh vi đến đơn giản liên quan các kiểu chạy bị cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đưa ra ánh sáng. Các "vụ án chạy" có đủ từ cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương, liên quan từ cán bộ cấp thấp đến trung, cao cấp. Không hiếm người giữ quân hàm cấp tướng, chức vụ thứ trưởng, bộ trưởng "nhận tiền chạy" bị phơi bày. Mặc dù có thể không ít tội phạm đã lợi dụng "nhu cầu chạy" ở một số người để trục lợi, lừa đảo.

Nếu như trước đây, dư luận còn bán tính bán nghi, nửa tin, nửa ngờ, thì giờ đây ai cũng biết các "kiểu chạy dơ bẩn" này là có thật. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao và phía sau các vụ "chạy tiền, mua chức" đó là gì? Vì sao các "kiểu chạy" vẫn còn tiếp diễn?

Cần phải xem đây là một chỉ dấu để tìm lỗ hổng chính sách, quy định pháp luật có liên quan về tổ chức cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình có liên quan của cơ quan công quyền và người đang được tổ chức, nhân dân giao phó "quyền lực công" nhưng đã "trục lợi tư".

"Chạy chức, chạy quyền" thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, là biểu hiện băng hoại đạo đức công vụ và đạo đức xã hội. Vấn nạn này đã được đề cập từ rất lâu. Đến nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta rất chú trọng đến các tiêu cực trong công tác cán bộ.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã xem tình trạng "Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội", "sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi" là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập tới tệ nạn này. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi" và "đặt hàng" các chuyên gia và các cơ quan chức năng trong nhiều hội nghị để đi tìm rõ nguyên nhân "trị bệnh".

Thực tế là nhiều vụ án tham nhũng liên quan "các kiểu chạy", nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao bị điều tra, làm rõ, xử lý. Nhưng cũng phải thấy rằng, tính phức tạp của vấn đề đòi hỏi phải kiên trì, cương quyết, tỉnh táo và gian khổ đấu tranh.

Sở dĩ các vụ án chạy còn dư địa phát triển, còn đường để chạy là do còn "đất trống - khoảng trống" của cơ chế tổ chức, cán bộ, quy định pháp luật không rõ ràng, không công khai minh bạch.

Bên cạnh việc tăng cường xử lý "trọng chống", thì phải "nặng xây". Nếu cần một cơ chế để "nhốt quyền lực trong lồng chế độ", ngăn ngừa hành vi tham nhũng quyền lực, thì cũng cần "mở rộng cửa minh bạch" để người dân tăng cường giám sát, có cơ chế và công cụ giám sát hữu hiệu, ngăn chặn các kiểu chạy.

Phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều bằng thể chế, pháp luật và tổ chức kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm. Thúc đẩy tự kiểm soát nội bộ với kiểm soát của cơ quan chuyên trách, của báo chí và dư luận xã hội. Cần tập trung xây dựng một "hệ sinh thái đạo đức xã hội", trước hết là "hệ sinh thái đạo đức công vụ" trong vạch, vững mạnh thực chất chứ không phải là khẩu hiệu.

Phía sau các vụ chạy tiền, mua chức không chỉ là việc cơ quan điều tra phát hiện, kết luận được bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu tiền được chạy, được mua chức mà chính là "mảnh đất, con đường" để có kẻ chạy.

Dư địa đó cần được, phải được tập trung phân tích, làm rõ để các cuộc tấn công, tiêu diệt các "kiểu chạy" đảm bảo thắng lợi.

Bài: Trần Hiệp Thủy; Ảnh: Tấn Nguyên
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.