Các già làng ngoài duy trì sự ổn định, phát triển buôn làng mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, kinh tế xã hội biên giới.
Ở Tây Nguyên, già làng là chức danh được cộng đồng bầu cho người thông thái, có uy tín để đứng ra xử lý các vấn đề của buôn làng theo luật tục, dẫn dắt buôn làng duy trì sự ổn định và phát triển. Trên biên giới của tỉnh Gia Lai, vai trò của các già làng càng được khẳng định khi góp phần quan trọng vào bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự và kinh tế xã hội biên giới.
Già làng Ro Cham Tik và cán bộ chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới.
Đã từ nhiều năm nay, già làng Rơ Châm Tik, làng Mok Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Già Tik cho biết, bà con trong làng sinh sống, làm ăn sản xuất dọc theo biên giới, là những người hiểu rõ từng tấc đất, nắm rõ và nhanh nhất mọi động tĩnh ở biên cương. Do đó, khi Bộ đội biên phòng vận động làng tham gia bảo vệ biên giới thì già rất vui mừng vận động bà con trong làng hưởng ứng và nhiều thông tin đã kịp thời báo cáo cho bộ đội biên phòng xử lý. Biên giới bình yên là niềm vui của Bộ đội biên phòng, cũng là niềm vui của bà con dân làng.
“Tôi vận động nhân dân xã biên giới kết nghĩa với bộ đội biên phòng. Chúng tôi cùng phối hợp thực hiện chủ trương bảo vệ cột mốc, giao cho tổ tự quản kịp thời phát hiện những vấn đề bất ổn ở biên giới để kịp thời báo cáo bộ đội biên phòng xử lý, giải quyết”, già Tik nói.
Với già làng Ksor H’lâm, một trong số những nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên, già đã có gần 30 năm đảm nhiệm chức vụ quan trọng này của làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông.
Nữ già làng Ksor Hlam là điểm tựa cho xã biên giới Ia Mor giữ vững ổn định và phát triển.
Trong suốt 30 năm ấy, với sự dẫn dắt của già H’lâm, làng Krông và những buôn làng lân cận luôn giữ được sự ổn định, đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc. Từng là bộ đội, mang đến quân hàm Thượng úy nên già H’lâm hiểu rất rõ về công tác dân vận.
Để dân tin, dân nghe và làm theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, già luôn gương mẫu đi đầu, già đến từng hộ dân nói chuyện, khuyên bảo. Đối với những hộ gia đình khó khăn, già tìm mọi cách giúp đỡ để họ vươn lên, khi thì hỗ trợ gạo, lúc cho mắm muối, nhiều nhà còn được già cho cả bò để nuôi. Với sự chân thành, giản dị, gương mẫu, uy tín của già ngày được nâng cao và hiệu quả vận động, tuyên truyền trong bảo vệ biên giới càng lớn.
“Bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội thì mình cũng nắm chủ trương, đường lối của cấp trên. Nhất là vấn đề mối quan hệ, vì mình ở đây thì gần dân Campuchia, hai bên cũng có đi lại. Bên kia cũng có dòng họ bên này, bên này có dòng họ bên kia. Cho nên mình cần tuyên truyền cho dân hai bên khi đi lại không làm gì hại cho dân, cho nước. Ví dụ gặp bọn xấu tuyên truyền thì mình bỏ đi, mình không được nghe”, già làng Ksor H’lâm nói.
Tỉnh Gia Lai có đường biên giới dài trên 90km, đi qua 7 xã của 3 huyện với 10 dân tộc anh em sinh sống, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Dọc theo tuyến biên giới, hiện có 40 già làng có uy tín trong nhiều lĩnh vực. Các già làng là những tấm gương sáng đi đầu để con cháu, dòng họ và quần chúng nhân dân noi theo. Đây có thể nói là những nhân tố điển hình, đi đầu trong tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự, tổ hòa giải, phòng chống vượt biên trái phép.
Thiếu tá Trần Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Púch, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, nhờ phát huy vai trò của các già làng, tuyến biên giới của Đồn quản lý luôn giữ vững được sự ổn định, an toàn.
“Trong những năm qua, đơn vị luôn quán triệt, thực nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng trên địa bàn để huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín, là những người có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn”, Thiếu tá Hà cho hay.
Cùng với các lực lượng chức năng, các già làng trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai đang phát huy được vai trò của mình. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển vững chắc vùng phên dậu của Tổ quốc.
Công Bắc (VOV.VN)