Phát huy giá trị văn hóa Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng năm, vào ngày 28-7 Âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê, Gia Lai lại tề tựu về khuôn viên An Khê trường (thuộc Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo) tổ chức lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Đây là dịp để nhân dân bày tỏ lòng tri ân vị anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn bảo vệ đất nước, đồng thời góp phần lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng đạo.
Chuyện người Anh hùng “Áo vải, cờ đào”
Ròng rã hơn 200 năm đất nước rơi vào cảnh chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài bởi những cuộc giao tranh Trịnh-Nguyễn, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã hiệu triệu nhân dân, chiêu binh, tích trữ lương thảo, mưu sự khởi binh chống lại cường quyền áp bức. Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn được xây dựng sâu trong núi rừng Tây Nguyên thuộc vùng Tây Sơn Thượng đạo (nay là tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Được sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia của đông đảo đồng bào miền Thượng (gồm đồng bào dân tộc Bahnar và Jrai), nghĩa quân đã trở thành một đội quân thiện chiến, hùng mạnh.
Làm lễ trước Tổ đình. Ảnh: Q.T
Làm lễ trước Tổ đình. Ảnh: Q.T

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê: “Lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung là một trong 4 lễ hội lớn được người dân vùng Tây Sơn Thượng đạo tổ chức hàng năm. Các lễ hội sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời giáo dục về lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Những năm gần đây, thị xã An Khê đã kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa nên quy mô lễ hội ngày càng mở rộng. Qua đó, quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo đến người dân các vùng miền khác; từng bước đưa An Khê trở thành điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho du khách, tiến tới hình thành các liên kết vùng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.

Rằm tháng 8 năm Quý Tỵ (năm 1773), từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo (tại đèo An Khê), anh em nhà Tây Sơn phát lệnh khởi binh. Nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống đồng bằng giải phóng các làng xã, huyện lỵ. Bọn quan lại, cường hào, ác bá bị trừng trị. Của cải và lương thực của cường hào, quan lại, chính quyền phong kiến bị tịch thu chia cho dân nghèo. Nhân dân các địa phương nô nức tham gia khởi nghĩa. Mùa thu năm 1773, nghĩa quân hạ thành Quy Nhơn rồi tiến ra chiếm Quảng Ngãi, tiến vào giải phóng Phú Yên, Bình Thuận. Từ năm Đinh Dậu (năm 1777), dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn 5 lần đánh vào Gia Định. Qua đó, đánh đổ chế độ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, lập nên chiến công Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội núi sông.
Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân, tại Núi Bân-Huế, theo nguyện vọng của quân sĩ và nhân dân, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung và xuất quân tiến thẳng ra Bắc Hà. Đại quân của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ vừa bổ sung lực lượng, vừa huấn luyện, vừa hành quân thần tốc vượt núi rừng, chỉ trong vòng 35 ngày (từ ngày 25 tháng 11 đến 30 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788) đã đến tập kết ở Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình). Ngày 30 Tết, sau khi làm lễ duyệt binh và tổ chức cho quân sĩ ăn Tết sớm, vua Quang Trung quyết định mở cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ giáng những đòn sấm sét vào các căn cứ quan trọng nhất của địch. Đêm Giao thừa Xuân Kỷ Dậu (năm 1789), Hoàng đế Quang Trung tuyên bố xuất quân, chia làm 5 đạo tiến công chính (3 đạo quân đi bằng đường bộ, 2 đạo quân đi bằng đường thủy), trong đó đạo quân chủ lực do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ phía Nam thành Thăng Long.
Với lối hành quân thần tốc, bất ngờ, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân Mãn Thanh trên khắp các tuyến vào thành Thăng Long. Đến mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân Mãn Thanh trên khắp tuyến vào thành Thăng Long và làm chủ thành Thăng Long. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị hồn xiêu phách lạc, không kịp mặc áo giáp, bỏ cả ấn tín, tháo chạy qua cầu phao sông Hồng trốn về nước.
Sau chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, vua Quang Trung tiến hành công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước. Về đối ngoại, vua Quang Trung thiết lập bang giao và yêu cầu nhà Thanh phải công nhận độc lập chủ quyền của nước ta, đồng thời đòi lại 7 châu xứ Hưng Hóa, mở biên giới thông thương giữa 2 nước. Về đối nội, vua Quang Trung tập trung phát triển nông nghiệp, kêu gọi dân lưu tán trở về quê cũ làm ăn, giảm thuế khóa, khuyến khích khai hoang, chú trọng phát triển công thương, chấn hưng nền văn hóa dân tộc... Tuy nhiên, ngày 16-9-1792 (nhằm ngày 29-7 năm Nhâm Tý), vua Quang Trung đột ngột qua đời lúc mới 39 tuổi với nhiều hoài bão về xây dựng, kiến thiết đất nước chưa thực hiện được. Con người và sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng áo vải ấy luôn sống mãi trong lịch sử quang vinh của dân tộc và trong ký ức của nhân dân ta, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số của Tây Nguyên và nhân dân vùng Tây Sơn Thượng đạo.
Phát huy giá trị văn hóa vùng Tây Sơn Thượng đạo
Kế thừa hào khí Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo luôn giữ vững vị trí chiến lược, là căn cứ địa vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm từ ngày thành lập Đảng bộ An Khê đến nay, quân và dân thị xã đã kiên cường, anh dũng lập nên nhiều chiến công vang dội... Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thị xã đã và đang đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng quê hương An Khê ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: N.M
Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: N.M
Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, cụm di tích An Khê trường, An Khê đình, hoa viên Quang Trung, cụm di tích Miếu Xà ở xã Song An… thị xã An Khê đã và đang chú trọng duy trì tổ chức và nâng tầm các lễ hội truyền thống như: lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, tái hiện Hội hát Cầu huê của người Việt vùng An Khê sau hơn 60 năm mai một, các lễ hội tín ngưỡng dân gian trên địa bàn (như lễ cúng Khai sơn, Quý xuân, Quý thu)… Các lễ hội đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Trong đó, lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê đặc biệt quan tâm tổ chức nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Hướng đến lễ tưởng niệm 226 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đang ra sức thi đua lao động và học tập. Anh Nguyễn Chánh Tín (tổ 9, phường Tây Sơn) chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất An Khê anh hùng, càng may mắn hơn nơi tôi sống lại gần Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Mỗi dịp có lễ hội, tôi cũng như nhiều người dân trong tổ đều tham gia dâng lễ vật lên các bậc tiền hiền. Được tận mắt chứng kiến các cụ tổ chức nghi lễ trang nghiêm, thành kính, trong tôi dâng lên niềm tự hào và muốn đem sức trẻ cống hiến cho quê nhà. Bản thân tôi luôn luôn cố gắng sống và làm việc thật tốt để không phụ công lao dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đây chính là những gì mà tôi cũng như thế hệ trẻ hôm nay cần làm để phát huy truyền thống cha ông đi trước, tiếp bước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Quang Tấn - Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.