Phát hiện thêm hiện vật Champa tại Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11 năm ngoái, trên báo Gia Lai, chúng tôi đã thông tin về 1 bộ bàn nghiền Champa lần đầu tiên được tìm thấy tại thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh. Gần đây, cũng tại huyện này, một hiện vật tương tự đã được người dân tình cờ phát hiện, cất giữ.
Mới đây, chúng tôi tìm đến gia đình ông bà Rơ Châm Phih-Rơ Châm Krit ở làng Prep, xã Ia Phí. Người đàn ông Jrai nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Phí tiếp chúng tôi ân cần như thân thiết đã lâu, nay mới gặp lại. Ông thật thà nói: “Đá ấy người nhà mình đem từ rẫy về hồi năm 2014. Đi làm cà phê, thấy lạ thì mang về chơi chơi thế thôi chứ cũng không ai biết là cái gì. Từ đó đến nay, nó được đặt trong góc nhà kho”. Nghe đến đây, ngay lập tức, chúng tôi cùng người nhà ông Phih quay lại nơi họ đã tìm thấy hiện vật này. Giữa bạt ngàn cà phê xanh tốt, chúng tôi không thu được gì thêm. 
Hiện vật mà gia đình ông Phih sở hữu được làm từ đá (sa thạch) nặng 9,5 kg gồm 2 phần, là những bộ phận có liên quan với nhau. Phần thứ nhất có hình dáng giống một chiếc đe, nặng 8 kg. Mặt “đe” hoàn toàn bằng phẳng; hai đầu được vuốt thành hai chúm nhỏ. Thành “đe” có một rãnh xoi mang giá trị trang trí. Mặt “đe” ở chỗ dài nhất đo được 31 cm, nơi rộng nhất là 15 cm. Phần thứ hai có trọng lượng 1,5 kg, là một khối hình trụ tròn, đặc, bóng láng, ở giữa nhỏ hơn hai đầu, tựa một cái chày, dài 23,5 cm. Đường kính “chày” ở chỗ lớn nhất (hai đầu) là 6,5 cm, chỗ nhỏ nhất (giữa) 5,7 cm.
Khác với hiện vật cùng loại mà chúng tôi đã thấy trước đó, chân (cũng là thân) “đe” không được tạc choãi ra so với mặt đất. Hơn thế, ở hai bên thân “đe” có hai khung hình chữ nhật diện tích 4 x 9,5 cm và 4 x 9 cm, được đục chìm gần 3 cm như một họa tiết mỹ thuật. Hai đầu thân “đe” phẳng, giống như mặt đáy dưới cùng của chân hiện vật này. 
Vợ chồng ông Rơ Châm Phih bên bộ bàn nghiền của người Chăm ngày xưa. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Vợ chồng ông Rơ Châm Phih bên bộ bàn nghiền của người Chăm ngày xưa. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một điểm khác biệt dễ nhận ra nữa là mặt “đe” không nằm ngang hoàn toàn mà nghiêng dần về phía mặt nhỏ. Do vậy, từ mặt đất, phía cao của “đe” đo được 13,5 cm; trong khi đó, phía còn lại chỉ có 11 cm.
Dù không tìm thấy chữ hoặc hoa văn hiện hữu trên bộ hiện vật này nhưng đây chắc chắn là một sản phẩm có tính thẩm mỹ nhất định và mang giá trị thực tế cao.
Đến nay, đa số các nhà chuyên môn mà chúng tôi tham khảo ý kiến đều thống nhất: Hiện vật trên là bộ bàn nghiền của cộng đồng Chăm ngày xưa. Người Chăm gọi công cụ này là pesani/pêsani. Nó thường được dùng để làm nát các loại hạt dùng trong sinh hoạt hàng ngày và có thể còn để tạo màu phục vụ lễ hội. Tuy không phổ biến song cũng có ý kiến khác cho rằng bộ bàn và chày nghiền này có thể gợi nhớ đến hình ảnh linga, yoni trong văn hóa Champa.
Về niên đại hiện vật còn có những sự đánh giá khác nhau. Có nơi cho rằng bộ bàn nghiền đồng hành cùng người Chăm từ khoảng thế kỷ thứ VII, song cũng có ý kiến cho rằng công cụ này chỉ xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. 
Theo tìm hiểu của người viết, từ nhiều năm trước, các bộ bàn nghiền loại này đã được trưng bày trong bảo tàng của nhiều địa phương, như: Bình Định, Lâm Đồng, Quảng Ngãi…  
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau bộ bàn nghiền đầu tiên được phát hiện tại thôn 3 (xã Nghĩa Hòa) vào năm 2020, đây là cặp hiện vật cùng loại thứ hai được người dân tìm thấy và lưu giữ. Bên cạnh các bia ký, đền tháp, hiện vật, thông tin liên quan được biết đến từ các địa phương có dấu tích Chăm, như: An Khê, Ayun Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Krông Pa… hai bộ bàn nghiền tương đối giống nhau này là những hiện vật cần cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Champa trên đất Tây Nguyên xưa.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.