Ông Lê Quang Thưởng: "Công tác quản lý cán bộ đang có sơ hở, yếu kém"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Về hiện tượng một số cán bộ thoái hóa, biến chất sau đó trốn ra nước ngoài, theo ông Lê Quang Thưởng, công tác quản lý cán bộ đang có sơ hở, yếu kém.

 

Ông Lê Quang Thưởng.
Ông Lê Quang Thưởng.


Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trả lời phỏng vấn của phóng viên về Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Đánh giá, bổ nhiệm cán bộ phải dân chủ và công bằng

PV: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thưa ông, tại sao Nghị quyết lại nhấn mạnh vấn đề này trong tình hình hiện nay?

Ông Lê Quang Thưởng: Khóa XI, Trung ương cũng có Nghị quyết 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Khóa XII, Trung ương tiếp tục nêu một Nghị quyết mới về xây dựng Đảng. So với Nghị quyết trước, Nghị quyết kỳ này nêu khá chi tiết các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng. Trung ương cũng nêu những nguyên nhân chủ quan và khách quan rất chi tiết.

Nghị quyết nhấn mạnh nội dung trên trong tình hình hiện nay vì vấn đề tiêu cực, suy thoái trong Đảng chưa chấm dứt, vẫn còn tiếp diễn. Vì những nguyên nhân cụ thể gồm: tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện, tu dưỡng có phần chưa tốt, một bộ phận cán bộ, đảng viên tu dưỡng kém; tính tự giác, tính đảng của người đảng viên bị giảm sút. Thứ hai, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các tổ chức Đảng chưa được kịp thời, sâu sát.

Thứ ba, các cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước, cụ thể như vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng chưa đầy đủ và thực thi pháp luật còn yếu.

Thứ tư, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng chưa đầy đủ, kịp thời.

Về khách quan do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, những hoạt động lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng những yếu kém, sơ hở của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình, cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.

PV: Nghị quyết cũng nhấn mạnh biểu hiện sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi. Thực tế trong thời gian qua có tình trạng “cả họ làm quan” ở một số nơi. Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Ông Lê QuangThưởng: Có hiện tượng như báo chí đã nêu. Nhưng tình trạng đó không chiếm số đông trong Đảng. Nơi nào người thủ trưởng không nghiêm túc, không làm gương, công tác tổ chức, quản lý kém; Nơi nào để hiện tượng chạy chức, chạy quyền, hối lộ, tham nhũng diễn biến phức tạp sẽ sinh ra hiện tượng đó. Còn nơi nào nghiêm túc sẽ không có chuyện đó xảy ra.

Chúng ta khuyến khích giới trẻ thành công, tiến bộ, tất cả mọi người trẻ đều có cơ hội phấn đấu, rèn luyện. Nhưng phấn đấu của tuổi trẻ hiện nay không chỉ có con đường quan chức mà có rất nhiều con đường khác. Vì vậy, nên khuyên tuổi trẻ phấn đấu vào đời bằng tài năng cọ xát trong thực tế. Trường hợp nhờ bố mẹ, người thân để có được chức vụ sẽ có chuyện trong hai thanh niên cùng đơn vị, một người là con của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, còn người kia là con người dân thường thì thường con của cán bộ lãnh đạo sẽ được ưu tiên do tập thể nể cán bộ lãnh đạo đó.

Vì vậy, làm sao để các tập thể, công đoàn, đoàn thanh niên, tổ dân phố… hiểu biết tình hình đó để đấu tranh đảm bảo bình đẳng trong xã hội, không để hiện tượng quan chức lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích cá nhân, đưa con cháu mình vào các vị trí công việc mà không coi trọng việc đề bạt, sử dụng đúng những thanh niên ưu tú trong các thành phần xã hội.

PV: Theo ông, để hạn chế tình trạng này cần có những giải pháp gì?

Ông Lê Quang Thưởng: Cần cụ thể hóa những quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước. Nơi nào chưa cụ thể hóa được những quy định đó thì phải bổ sung ngay.

Ví dụ vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ cần có quy định, đánh giá thế nào cho đúng, dựa vào nhân dân, tổ chức, đảng viên đánh giá cán bộ như thế nào chứ không phải chỉ đưa ra tập thể cấp ủy và quyết định. Quy định đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ làm sao cho dân chủ và công bằng. Phải công bố cho đơn vị, tổ chức, địa phương đó biết đề bạt ai, đề bạt đúng quy trình như thế nào.

Tất cả những người được đề bạt, bổ nhiệm phải có chương trình hành động và công bố cho địa phương, cơ sở, thậm chí đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu

PV: Trong Nghị quyết cũng nêu vấn đề phải kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Theo ông, cụ thể chúng ta phải làm gì?

Ông Lê Quang Thưởng: Quyền lực có hai hướng, một hướng nắm quyền lực thông qua bầu cử. Những người tham gia bầu cử giám sát và tỏ thái độ; một hướng quyền lực được giao trên cơ sở bổ nhiệm thì đòi hỏi trách nhiệm của những người quyết định vấn đề bổ nhiệm đó. Nếu bổ nhiệm không đúng cấp trên sẽ xử lý kỷ luật người ra quyết định.

Vì vậy, để kiểm soát quyền lực cần bổ sung những quy định cụ thể. Một là thông qua cơ chế những người đi bầu giám sát; hai là thông qua hệ thống quản lý cán bộ quy định trách nhiệm của từng cấp và được giám sát bởi quần chúng, cấp trên, thanh tra, kiểm tra để xử lý.

PV: Thời gian gần đây, một số cán bộ sai phạm, thoái hóa, biến chất sau đó trốn ra nước ngoài. Cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Ông Lê Quang Thưởng: Để xảy ra hiện tượng cán bộ thoái hóa, biến chất trốn ra nước ngoài là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Những trường hợp này có dấu hiệu vi phạm, làm ăn thua lỗ, từng bị kiểm điểm nhưng những cơ quan có thẩm quyền không giám sát chặt chẽ.

Trước đó, cũng có trường hợp như Dương Chí Dũng chạy sang Mỹ nhưng không vào được, khi quay trở lại Campuchia bị Công an Việt Nam theo dõi, bắt giữ. Qua đó cho thấy công tác quản lý cán bộ đang có sơ hở, yếu kém, không rõ trách nhiệm. Những người có dấu hiệu vi phạm, thuộc diện theo dõi thì cơ quan có trách nhiệm cần phải theo dõi sát sao.

Để ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, siết chặt trách nhiệm người đứng đầu và người có vi phạm khuyết điểm, cần xem xét xử lý với hình thức phù hợp.

PV: Mới đây, Ban Bí thư đã có quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Theo ông, quyết định này có ý nghĩa gì trong giai đoạn hiện nay?

Ông Lê Quang Thưởng: Theo tôi hiểu đây là trường hợp đầu tiên cán bộ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn chịu kỷ luật. Lâu nay, chúng ta kỷ luật người đương chức, còn những người đã nghỉ hưu thì thực hiện phê bình, tự phê bình, xử lý ở tổ chức đảng địa phương.

Ví dụ cán bộ A về hưu sinh hoạt Đảng ở đâu thì cấp ủy địa phương đó có trách nhiệm thi hành kỷ luật. Nhưng kỳ này, Ban Bí thư đã quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng thể hiện ý nghĩa không phải nghỉ hưu là hết duyên nợ với đời, là “hạ cánh an toàn”.

Đây là tiền lệ để về sau xử lý kỷ luật người vi phạm khuyết điểm, nhất là khuyết điểm nghiêm trọng kể cả người đã nghỉ hưu, qua đó, có tác dụng răn đe đối với những cán bộ còn đương chức.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...