Nương tựa nhau để sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một người, hai người, lại thêm một người nữa chậm chạp bước vào phòng trọ chật hẹp mà ấm áp tình thân. Tất cả đều khuyết tật tay, chân hoặc khiếm thị…

Vợ chồng chị Nhàn, anh Sơn nương tựa nhau mưu sinh - Ảnh: T.LÊ
Vợ chồng chị Nhàn, anh Sơn nương tựa nhau mưu sinh - Ảnh: T.LÊ
Những phận đời kém may mắn ấy nương tựa vào nhau sống ở Hải Phòng vài tháng, rồi dời đi Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thậm chí vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để mưu sinh.
Tôi không dám nghĩ mình có một gia đình, từ lúc mang bầu đã thấy quá hạnh phúc, đấy là điều ngoài sức tưởng tượng.
Chị Lê Thị Nhàn
Xóm khuyết tật di động
Đi dọc phố, tôi hay chú ý đến những người khuyết tật bán hàng rong, tò mò không biết họ sống ở đâu, ra sao... Một lần lặng lẽ theo xe một cặp vợ chồng về phòng trọ và tình cờ tôi gặp cả xóm trọ đặc biệt của những người khuyết tật.
Đó là xóm trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ ở phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) với những người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Vợ chồng lái xe ba bánh là anh Nguyễn Quốc Sơn, chị Lê Thị Nhàn, quê ở Lương Tài, Bắc Ninh.
Chị Nhàn 37 tuổi, bị bệnh teo cơ tứ chi nặng nên không thể đứng đi bình thường, cũng không thể cầm nắm đồ vật dễ dàng. Chị phải nhờ một người đi chợ nấu nướng và cũng không thể tự ngồi lên giường được nếu không có người bế.
Cùng phòng còn có chị Nguyễn Thị Tâm, đến từ Đô Lương (Nghệ An), người hay giúp chị Nhàn những việc chị không làm được. Tâm sinh năm 1990, bị gãy tay trong một lần gặp nạn, đầu óc lơ ngơ, nói trước quên sau. Tâm ra Hải Phòng theo bạn trai tên Thành cùng quê Nghệ An. Thành cũng bị tai nạn co rút một tay, một chân.
Trong quê Nghệ An còn có Xô, một phận đời nghiệt ngã bị cháy cụt hai bàn chân do mẹ nằm chậu than lúc mới sinh. Bất hạnh chưa dừng lại, Xô bị một tai nạn nữa, ngã đập quai hàm xuống thành đá, giờ hai hàm bị kẹp vào nhau gây khó khăn cho việc ăn nói. Kề bên là anh Túc quê ở Lào Cai bị khiếm thị cả hai mắt.
Phòng kế bên có chị Lê Thị Hiệp, 43 tuổi, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Chị bị khuyết tật bẩm sinh, liệt nhẹ nửa người, cơ hàm bị lệch một bên khiến nói không rõ câu từ. Tay chân yếu ớt, chị lại vừa bị ngã đau, trầy xước khuỷu tay chân.
Anh Trần Mạnh Tuấn, người khuyết tật quê ở Phú Thọ, thường xuyên giúp đỡ chị Hiệp. Anh gọi nhắn chị Hiệp từ phòng chị Nhàn: 'Cơm nước cứ để đấy anh làm cho, đau thế thì cứ nghỉ ngơi đi, không vội'.
Rồi anh quay sang chúng tôi, anh giải thích: 'Hôm nay Hiệp đi lại nhiều, buổi chiều bị ngã trên đường ra chợ, tay chân cô ấy yếu ớt, thương lắm'. Trong khi đó, bản thân anh Tuấn đi lại cũng khó khăn, do ngày bé bị sốt cao, bại liệt một chân và một cánh tay.
'Ở đây mỗi người một cảnh đời buồn, chúng tôi quen qua sự giới thiệu của bạn bè, quen trên group Facebook, đi làm gặp nhau, rồi rủ nhau về đây. Mọi người sống với nhau tốt lắm, chia sẻ giúp đỡ nhau như một gia đình. Ai cũng giống ai nên không ngại gì cả' - chị Nhàn tâm sự.
Chị Nhàn là người khuyết tật nặng nhất nên được cả xóm giúp đỡ. Bù lại thiệt thòi, chị lại có khiếu ăn nói nên được bầu làm... xóm trưởng.

Các bạn khuyết tật quây quần ấm áp bên nhau - Ảnh: NVCC
Các bạn khuyết tật quây quần ấm áp bên nhau - Ảnh: NVCC
Mưu sinh thiện lương
Một người bình thường ra xã hội bươn chải đã nhọc nhằn, người khuyết tật còn cơ cực gấp trăm lần. Nhưng những phận đời ở xóm trọ đặc biệt này đều mong muốn được đi và trải nghiệm cuộc sống.
'Chúng tôi không làm được những việc nặng, chỉ bán hàng rong, hát dạo mưu sinh. Ai thương tình thì họ mua, có người mua ít ủng hộ nhiều. Dù vậy cũng có người không hiểu, cứ nghĩ chúng tôi giả vờ tàn tật, đói khổ' - chị Tâm ngậm ngùi.
Hằng ngày mùa hè khoảng 6h sáng, mỗi người tỏa đi mỗi ngả, hoặc hai người gồm một yếu ít dắt dìu một người yếu nhiều. Họ đi đến những khu phố đông người, đứng ở cột đèn đỏ hoặc vào các khu chợ dân sinh để bán hàng.
'Mấy ngày đầu mình phát khóc, có người chửi thẳng vào mặt rằng trông mày khỏe mạnh thế mà. Nhưng cũng có nhiều người cảm thương, họ hỏi han bệnh tình rồi giúp đỡ' - lời chị Hiệp lọng ngọng nghe không rõ, anh Tuấn lại làm phiên dịch.
Gặp nhiều chuyện buồn, nhưng bù lại trên đường mưu sinh họ được gặp gỡ nhiều bạn bè đồng cảnh và đồng cảm, thương yêu, giúp đỡ nhau. Có người tìm được cả bạn đời, lập gia đình và sinh con như chị Nhàn và anh Sơn là điều ai ở xóm trọ khuyết tật này cũng hi vọng.
Chỉ cho tôi xem trên tường có bức tranh hình ngôi nhà xếp bằng vỏ lon, chị Nhàn giải thích: 'Đó là ngôi nhà hạnh phúc mọi người tự tay làm đấy!'.
Phía sau mỗi số phận thiếu may mắn ở xóm trọ này, khuất sâu trong gia cảnh của họ cũng phần nhiều đặc biệt. Chị Nhàn sinh ra trong gia đình 4 người thì có 3 người khuyết tật. Anh Sơn, chồng chị, là con của bà lão khuyết tật, cả đời hành khất, ngụ cư ở xóm chài Tam Bạc. Còn chị Hiệp cả bố mẹ đều mất sớm...
'Đi ra ngoài tôi thấy khác nhiều chứ, tính tôi nhút nhát, thường ngày không muốn giao tiếp với ai. Lúc nào cũng mặc cảm, sống ở nhà lặng lẽ, đến giờ thì gặp ai cũng muốn bắt chuyện, cười đùa vui vẻ' - chị Nhàn hào hứng.
Chị Nhàn và em trai giống bệnh bố, bị teo cơ tứ chi từ năm 12 tuổi và tăng dần theo chiều hướng nặng. Bố đã mất hơn 10 năm trước, mẹ một mình nuôi hai con, vừa làm đồng vừa lo hai đứa ở nhà ngã thì không ai nâng.
'Cả đời mẹ tôi vất vả, lo cho bố rồi đến lo cho hai con. Nhiều bữa, mẹ nhường cơm cho hai đứa, tôi biết nhưng không có cách nào giúp mẹ kiếm tiền' - chị Nhàn rớm nước mắt.
Chị có năng khiếu vẽ, cũng là 'di truyền' của bố. Bố chị vẽ tranh đẹp có tiếng, từ nhỏ chị ước ao học vẽ truyền thần để sau này kiếm tiền được từ nghề vẽ mà giúp mẹ. Nhưng uớc mơ của chị đổ sụp khi đôi tay yếu dần rồi co rúm lại.
Càng lớn hai chị em càng tạo thêm gánh nặng cho mẹ. Đang chưa biết có cách gì giúp mẹ thì có cô bạn về rủ đi Hải Phòng làm việc, chị bắt đầu bước chân ra xã hội. Thời gian rồi, chị gặp anh Sơn, một người hiền như cục bột, sống ngoài đường phố, không nhà, không cả giấy tờ tùy thân.
Khi kết hôn, nhà gái phải đứng ra làm thủ tục bảo lãnh. Đôi vợ chồng khuyết tật giờ đã có một bé gái 4 tuổi khỏe mạnh, đang nhờ bà ngoại chăm.
Ở Hải Phòng khoảng hai tháng, nhóm bạn khuyết tật này sẽ di chuyển đi Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An để hát và bán hàng rong mưu sinh... Hết hành trình, họ sẽ quay ngược trở lại và trên đường đi một số thành viên có thể tách ra, số khác nhập vào.
Chia tay họ, tôi ra về mà không kìm được xúc động. Trời dông gió chuyển mưa, những đôi bạn khiếm thị, liệt chân, còng tay vẫn dắt dìu nhau ra đường mưu sinh thiện lương mà không chờ đợi, cậy trông vào ai...

Các bạn khuyết tật quây quần ấm áp bên nhau - Ảnh: NVCC
Các bạn khuyết tật quây quần ấm áp bên nhau - Ảnh: NVCC
'Các cháu đều ngoan'
'Xóm trọ của tôi nhiều năm nay chỉ các cháu khuyết tật đến ở, tôi chưa tăng tiền phòng bao giờ. Nếu thu cả tháng, chúng nó không có đủ, tôi thu từng ngày, mỗi ngày 20.000.
Nhưng được cái mấy đứa ở đây ngoan, hàng xóm hay sang chơi, hôm nào có tiền mua trái cây lại gọi. Tôi đang ăn trái cây với chúng nó đây' - bà Nguyễn Thị Rèn, người cho thuê phòng trọ, tâm sự.
TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.