(GLO)- Tạm gác lại việc nhà, gửi con cho gia đình, những nữ quân nhân công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai xung phong lên tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch ở các khu cách ly của tỉnh.
Đã nhiều ngày qua, các nữ quân nhân phải tạm gác lại vai trò của người vợ, người mẹ để làm nhiệm vụ tại khu cách ly ở Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đại úy Đinh Thị Hiền-Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là một trong những người xung phong tham gia phục vụ nơi đây. Công việc thường ngày của chị là giặt giũ, sát khuẩn chăn, ga, gối, nệm; phục vụ suất ăn tận phòng, nhắc nhở, hướng dẫn công dân thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, người dân cần mua sắm gì thì liệt kê ra giấy, chị sẽ giúp đỡ tận tình. Chị Hiền cho biết: “Chị em ở đây đều tự nguyện ở lại phục vụ với tinh thần cao nhất. Những trường hợp người già, người ốm đau, phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ, chúng tôi phục vụ có phần vất vả hơn nhưng vẫn cố gắng để các công dân cảm thấy yên tâm, thoải mái cách ly theo đúng quy định. Chúng tôi thấy rất vui vì đã làm tròn nhiệm vụ, góp phần không để dịch lây lan ra cộng đồng”.
Đại úy Ksor Alư (bìa trái) phục vụ nhu yếu phẩm cho công dân tại khu cách ly. Ảnh: M.C |
Chị Hiền có 2 con nhỏ, một bé học mẫu giáo và một bé lớp 5, chồng chị lại đang công tác xa. Thời gian này, chị phải nhờ chị gái trông nom 2 con nhỏ. Nữ đại úy cho biết, chị thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly từ ngày 18-3 đến nay đã hơn 1 tháng. Khoảng thời gian ấy, chị chỉ có thể gặp các con qua màn hình điện thoại. Chị chia sẻ: “Tâm lý của người làm mẹ cũng khiến tôi lo lắng cho các con, nhất là giai đoạn này các bé lại nghỉ học. Nhưng cả gia đình đều nhắn nhủ, trao gửi tình yêu thương và động viên tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sự quan tâm, động viên của đơn vị cũng giúp chúng tôi hoàn toàn yên tâm ở lại thực hiện nhiệm vụ cho đến khi cả nước chiến thắng dịch bệnh”.
Đa số chị em làm nhiệm vụ tại khu cách ly đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái còn nhỏ và đang trong độ tuổi đi học. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các chị xác định gác lại việc nhà và có mặt tại đơn vị 24/24 giờ để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Đại úy Rơ Ô Hằng (Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) có chồng là sĩ quan Công an cũng đang tham gia trên mặt trận phòng-chống dịch Covid-19, mẹ chồng thì già yếu, con còn nhỏ. Vậy nhưng, chị đã có 1 tháng làm nhiệm vụ tại khu cách ly với tâm niệm: “Chỉ mong sao mọi người ở đây được bình an, mạnh khỏe, không có trường hợp nào nhiễm bệnh là tôi hạnh phúc lắm rồi”.
Đại úy Ksor H' Chiêm đang nhắc nhở các công dân cách phòng chống dịch. Ảnh: M.C |
Tính đến thời điểm hiện tại, khu cách ly tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn 37 công dân đang tiếp tục thực hiện cách ly. Đây là những công dân lao động, sinh sống tại Campuchia về nước bằng đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Tận tình, chu đáo, các nữ quân nhân đã không quản ngại ngày đêm thay nhau trực và làm việc với cường độ cao, 24/24 giờ. Đại úy Ksor Alư thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly từ ngày 18-3 đến nay chia sẻ: Sau mỗi đợt cách ly, thấy không có công dân nào gặp vấn đề về sức khỏe là các chị lại thở phào nhẹ nhõm. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ của một người lính, các chị còn chăm sóc, lo lắng bằng tình thương yêu, nghĩa đồng bào. Chính điều đó đã xóa tan những lo lắng, bất an về dịch bệnh trong lòng các công dân xa quê khi trở về.
Những nữ quân nhân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng mỗi công dân khi rời khỏi khu vực này. Sự kề vai sát cánh, đoàn kết để chiến thắng bệnh tật là thông điệp đầy ý nghĩa mà mỗi người đều cảm nhận rất rõ qua những hy sinh lặng thầm của những nữ quân nhân và của cán bộ, chiến sĩ nói chung.
MINH CHÂU