(GLO)- Giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền cùng việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, ngành nông nghiệp huyện đã có nhiều khởi sắc.
Mô hình trồng bắp sinh khối trên diện tích đất trồng lúa bị hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Bờ Ngoong. Ảnh: Quang Tấn |
Nhờ áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nên vườn sầu riêng 5 ha của gia đình anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 6, xã Ia Blang) cho năng suất, chất lượng cao. Các chất thải trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ cà phê, trấu, phân chuồng… được anh tận dụng ủ làm phân bón hữu cơ cho vườn cây nên việc giá phân bón tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của gia đình. Anh Thiện chia sẻ: “Vườn sầu riêng của gia đình luôn phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao nên được thương lái đến tận nơi mua với giá cao. Với giá bán dao động 35-40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lãi gần 2 tỷ đồng”.
Đại dịch Covid-19 được kiểm soát giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang) dần ổn định. Ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: “Tính đến thời điểm này, Công ty đã xuất khẩu khoảng 80 tấn tiêu sọ sang các nước châu Âu, tăng gấp đôi so với năm 2021. Để đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng lớn, bên cạnh đầu tư công nghệ, máy móc, Công ty cũng tích cực mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm. Đến nay, chúng tôi đã liên kết mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 200 ha, tập trung ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện và các huyện lân cận”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) của huyện Chư Sê ước đạt 4.296 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2021 và đạt 100,05% kế hoạch đề ra. Nhờ kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đúng thời vụ; khai thác hợp lý, có hiệu quả các công trình thủy lợi; làm tốt công tác dự báo và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng cho người dân nên năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao. Bên cạnh đó, trong năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp xây dựng và triển khai kịp thời, hiệu quả các mô hình, chương trình khuyến nông như: mô hình trồng bắp sinh khối ở xã Bờ Ngoong, mô hình trồng lúa An Sinh 1399 và trồng cỏ Cao Lương ngọt chuyển đổi trên đất lúa bị hạn và ủ chua làm thức ăn gia súc ở các xã Bờ Ngoong, Al Bá, Ia Ko… Bước đầu, các mô hình đạt hiệu quả khả quan, góp phần giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Diễn biến thời tiết thuận lợi cùng với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn sầu riêng của anh Thiện luôn cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Quang Tấn |
Ngoài ra, huyện đã vận động người dân chuyển đổi hơn 516 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, hơn 18 ha lúa thường xuyên bị hạn và 498 ha hồ tiêu chết chuyển sang trồng cây ăn quả. Huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu, cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm, trồng hồ tiêu, cà phê ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.514,8 ha. Trên địa bàn huyện có 82 trang trại chăn nuôi; 9 trang trại chăn nuôi gia công gà, heo cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Bình Minh.
“Năm 2023, huyện phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản lên 4.598 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 7,01% so với năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả cao. Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện; đẩy mạnh xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên diện tích đất trồng lúa, mì, điều kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu. Ngoài ra, huyện chủ động triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã về vốn tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất. Tiếp tục tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các cây trồng chủ lực của huyện”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết thêm.
QUANG TẤN