Nông dân thoát nghèo nhờ tham gia tổ hội chăn nuôi gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Nông dân huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã thành lập hơn 50 chi hội, tổ hội nông dân sản xuất, trong đó có hơn 40 tổ hội chăn nuôi gia súc với hơn 300 thành viên, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình kinh tế ở nông thôn.

Hai năm nay, người dân làng Phun Thanh (xã Ia Băng) vui mừng về hiệu quả của Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê và Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi heo. Lúc mới thành lập, mỗi tổ hội chỉ có 4 thành viên thì nay đã phát triển lên 8 thành viên. Các tổ hội đã góp phần tạo thêm việc làm, phát triển nhanh đàn gia súc ở địa phương, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lê Thế Giới-Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê làng Phun Thanh-chia sẻ: “Cuối năm 2016, gia đình tôi được phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ 4 con dê giống Boer lai. Qua quá trình chăn nuôi, đàn dê sinh sản đều 2 năm 3 lứa, mỗi lứa 1-4 con. Gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ bán dê. Hiện trong chuồng có gần 50 con dê, trị giá tầm 170 triệu đồng. Ngoài bán dê giống với giá trung bình 170 ngàn đồng/kg, dê thịt 120 ngàn/kg, gia đình tôi còn có nguồn phân chuồng bón cho cây trồng”.

 Trang trại nuôi dê của gia đình ông Hoàng Minh Đường (thôn Hòa Binh, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Cư
Trang trại nuôi dê của gia đình ông Hoàng Minh Đường (thôn Hòa Binh, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Cư


Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê và Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi heo làng Phun Thanh duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần. Trong những lần sinh hoạt, các thành viên chia sẻ, thảo luận những thông tin về giá cả thị trường, kỹ thuật chăn nuôi, kết nối tiêu thụ sản phẩm, cách thức phòng-chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ông Nguyễn Sơn Động-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng-phấn khởi cho hay: “Làng Phun Thanh có hơn 250 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó, 70% là người Jrai. Từ thành công của 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp nêu trên, người dân trong làng nói riêng, bà con trong vùng nói chung đã tìm đến các mô hình để học hỏi kinh nghiệm, đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi, không thả rông gia súc ra đường. Những chuyển biến tích cực trong sản xuất và đời sống của làng Phun Thanh đã được các cấp, các ngành ghi nhận và công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới”.

Từ hiệu quả mang lại, nông dân xã Bàu Cạn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi dê Bách Thảo, dê Boer. Toàn xã hiện có hơn 20 hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi khoảng 1.500 con dê. Hộ nuôi ít nhất là 8 con, hộ nuôi nhiều nhất hơn 1 ngàn con. Ông Hoàng Minh Đường (thôn Hòa Bình) cho biết: “Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, cuối năm 2020, tôi bán trang trại nuôi chim ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) lên đây mua hơn 10 ha đất trồng cỏ voi, cây ăn quả và làm 3 khu chuồng để nuôi 500 con dê giống Boer Thái Lan. Đến cuối năm 2021, đàn dê phát triển lên hơn 1 ngàn con. Tháng 4 vừa qua, tôi xuất bán hơn 300 con dê thịt với giá 125 ngàn đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2022, tôi sẽ mở rộng trang trại lên 15 ha, làm mới 2 khu chuồng để nuôi thêm 500 con dê”.

Ông Nguyễn Bá Năng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Cạn-xác nhận: “Chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Xã Bàu Cạn mới thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê thôn Đồng Tâm với 5 thành viên tham gia. Xã đang tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi dê, bò, heo thành lập các tổ hội nông dân nghề nghiệp để phát huy tối đa tinh thần làm ăn cùng một ngành nghề, cùng nhau xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị bền vững”.

Xưa nay, bà con nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số vốn quen với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, ít hiệu quả. Được Nhà nước, các cấp, các ngành hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, tiêu thụ sản phẩm, bà con đã dần làm quen với phương thức chăn nuôi mới, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên có tích lũy và làm giàu.

Bà Siu H'Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông-cho hay: “Hội Nông dân huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022, mỗi xã xây dựng ít nhất 2 chi hội nông dân nghề nghiệp hoặc tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê, heo, bò... Mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp là xu thế phát triển chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần cải thiện đời sống người dân”.
 

HOÀNG CƯ

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.