Nội tôi và lớp học "xóa mù"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu nói của ông nội "phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu còn biết đọc coi người ta bán cái gì để vào ăn" như lời nhắn nhủ, là động lực để tôi thêm yêu và gắn bó với ngành sư phạm
Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ba đời dòng họ nhà tôi không ai học hết lớp 8. Vì vậy, ông bà nội và ba má tôi vô cùng mong mỏi chị em tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Khi chị tôi tốt nghiệp lớp 12 thì gia đình xảy ra biến cố lớn, chị đành phải gác ước mơ bước chân vào đại học. Khỏi phải nói, ông bà nội tôi buồn ghê gớm. Mọi người bắt đầu đặt kỳ vọng ở tôi, khi ấy mới vừa tốt nghiệp lớp 9.
Ước mơ miễn cưỡng
Quyết không phụ lại niềm mong mỏi của gia đình, tôi chú tâm vào việc học, chẳng mấy chốc đã tốt nghiệp lớp 12. Tôi mơ ước trở thành cô sinh viên ngành báo chí nhưng ông nội lại bắt buộc thi vào sư phạm.

Tác giả trong một buổi lên lớp “xóa mù” năm 2000 tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tác giả trong một buổi lên lớp “xóa mù” năm 2000 tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)
"Dòng họ mình toàn thất học, tương lai rồi cũng sẽ như vậy, những đứa con của các cô, chú rồi cũng sẽ bỏ học giữa chừng vì chúng học kém và chẳng có đứa nào thiết tha sự học. Cho nên, họ hàng nhà mình phải có người làm thầy cô giáo, nhiều chữ nghĩa để dạy dỗ, kèm cặp chúng nó" - ông nội nói với tôi. Ba má tôi cũng rất tán thành lời nói của ông nội. Họ không muốn tôi học ngành báo chí gì đó, "vừa tốn kém vừa suốt ngày cứ đi lông nhông ngoài đường".
Vậy là tôi đành phải miễn cưỡng chấp nhận thi vào sư phạm theo sự sắp đặt của gia đình để trở thành cô giáo - cái nghề mà tôi không có một chút hứng thú nào.
Tôi nhớ như in nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc của ông bà nội khi tôi đậu vào đại học. Tôi là đứa đầu tiên của dòng họ làm được kỳ tích đó. Dĩ nhiên, tôi không thấy vui vẻ gì khi đạt được ước mơ của người khác chứ không phải ước mơ của mình.
Một năm làm "cô sinh viên sư phạm", tôi cũng nỗ lực hết mình để giành được những suất học bổng của trường dành cho sinh viên xuất sắc. Mọi người trong gia đình sung sướng lắm nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thật sự không thiết tha gì với nghề ấy, thậm chí còn thấy uất ức trong lòng. Tôi xem nó mặc nhiên như một nhiệm vụ và trách nhiệm của dòng họ mà tôi phải gánh lấy. Tôi luôn "rắp tâm" chờ đợi một cơ hội để thuyết phục ông nội cho mình bỏ nghề. Nhưng trái lại...
"Không biết chữ, nhục lắm con à!"
Hôm đám giỗ bà cố, họ hàng, gia tộc tề tựu đông đủ, ông nội kêu đám "cháu gần", "cháu xa" trong nhà tập trung lại và giáo huấn về sự học. Ông tự hào giới thiệu cho đám "cháu xa" chưa biết mặt tôi là "cô giáo của dòng họ, vượt khó học giỏi" và kêu gọi các cháu hãy xem tôi là "một tấm gương sáng về sự học". Tôi cảm thấy vừa vui vừa ái ngại vì trong số "cháu xa" của ông nội, có nhiều người lớn hơn tôi cả chục tuổi.
Khi đám cháu của nội giải tán, tôi mới nói: "Sao nội lại đề cao con như vậy, con thấy mắc cỡ và kỳ kỳ sao á". Nội cười móm mém: "Sự học là trên hết, nhưng tiếc là dòng họ mình nghèo khó, ai cũng đông con, không có tiền ăn học, nhiều người lại không được sáng dạ, không ham học. Chỉ có ba má con là may mắn hơn tất thảy, khi 3 chị em con đều học giỏi. Dòng họ mình ít nhất phải có một người làm nghề dạy chữ nghĩa".
Rồi nội kể hồi đó ở quê, ông không biết chữ nào, có lần ra tỉnh, thèm hủ tiếu, đi ngang mấy quán ăn, thấy người ta treo biển mà không biết họ bán cái gì để vô ăn. Ông nội phải đi từng quán hỏi có bán hủ tiếu không. Chủ quán nhìn ông ái ngại, có người chỉ chỗ tận tình, có người chỉ tấm biển hỏi bằng giọng bực bội: "Bộ ông không biết đọc hả?".
"Đời không biết chữ, nhục lắm con à. Mai mốt con làm cô giáo, con có thể dạy cho mấy đứa dưới quê, cho họ hàng làng xóm không có tiền đi học đều biết chữ, để tụi nhỏ sau này không bị thiệt thòi khi ra đường, phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu thì còn biết đọc coi người ta bán cái gì để ghé mà ăn..." - ông nội nói.
Lặng im lắng nghe và cảm nhận những lời nội nói, tôi bỗng thấy thương nội vô cùng. Khoảnh khắc đó, tôi mới ngộ ra vì sao nội cứ ép tôi phải vào sư phạm. Giây phút đó, tôi bỗng trở nên yêu nghề hơn, lòng tôi được giải tỏa, không còn ấm ức khi phải học nghề sư phạm nữa. Ý định thuyết phục nội cho tôi bỏ nghề đã bị dập tắt hoàn toàn.
Tôi bắt đầu thay đổi ý nghĩ và cả hành động. Mùa hè năm thứ nhất đại học (năm 2000), tôi đăng ký tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện "Mùa hè xanh" để dạy chữ, đưa ánh sáng văn hóa về với vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi tôi đến là xã Suối Rao, huyện Châu Đức, đây là vùng xa và sâu nhất, khó khăn nhất của tỉnh.
Tôi dạy 3 ca mỗi ngày, lớp học xóa mù chữ. Trong đó, 2 ca sáng và chiều thì dạy tại các điểm trường. Ca tối thì phải mượn tạm nhà dân để dạy - đây là lớp xóa mù chữ dành cho người lớn. Để đến được điểm dạy đúng 18 giờ, tôi phải đi bộ từ lúc 16 giờ, bất kể mưa nắng, đi sâu vào những rẫy bắp, những thung lũng chuối leo dốc, lội suối, giẫm sình, băng qua các con đập. Câu nói của ông nội "phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu còn biết đọc coi người ta bán cái gì để vào mà ăn" như lời nhắn nhủ, là động lực để tôi hăng say với công việc dạy chữ của mình.
Có những cô, những chú hơn bốn mươi, năm mươi tuổi vẫn cố gắng tròn miệng tập đọc những chữ o, ô; tập đánh vần và mày mò viết những chữ b, c trên trang vở mới còn thơm mùi giấy. Thế nhưng, mắt họ không ngừng trông chừng những đứa trẻ nghịch ngợm còn bò chung quanh hoặc ngủ say trong lòng mình. Tôi cầm tay họ viết từng nét một. Các ngón tay chai sần lóng ngóng cố gắng điều khiển cây bút, ngọ nguậy từng nét trên trang giấy dưới ánh đèn dầu lờ mờ, hôm nào may mắn thì có được ánh sáng đùng đục của ánh điện được phát từ chiếc bình ắc quy.
Sau một thời gian rất ngắn, họ đã viết được họ tên mình, tên các loại cây, các loại rau củ quả mà thường ngày họ trồng xung quanh nhà, trong vườn, trong rẫy bằng những nét nguệch ngoạc; biết làm phép toán cộng trừ đơn giản. Đối với họ, khả năng biết đọc, biết viết mở ra cả thế giới mới mẻ. Có bác gái phấn khởi nói: "Từ giờ có thể viết được tên các mặt hàng rau củ kèm bảng giá tiền khi mang hàng ra chợ bán". Tôi cảm thấy sung sướng biết bao nhiêu khi công việc của mình lại mang về kết quả nhanh chóng như vậy. Đa số họ đọc thông, viết thạo, biết làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia.
Kết thúc chiến dịch "Mùa hè xanh" cũng là lúc mùa hè kết thúc, tôi trở về tiếp tục năm thứ hai đại học. Tôi mang trong lòng sự khoan khoái, muốn cho mọi người, đặc biệt là ông nội, biết rằng: tôi mới tìm ra được một nguồn hạnh phúc!
Sống chết với nghề
Rồi ông nội mất khi tôi đang học đại học năm thứ hai. Không ai có thể ép tôi tiếp tục theo nghề giáo, tôi vẫn còn nhiều cơ hội thực hiện lại ước mơ của mình. Nhưng tôi không làm như thế bởi tôi thường xuyên nhận được những lá thư thăm hỏi của các bác, các cô, chú trong lớp "xóa mù" gửi đến. Tuy không đẹp nhưng con chữ của họ khá đều đặn, dĩ nhiên là nhiều lá thư vẫn còn mắc một số lỗi chính tả.
Trong đó, lá thư của một chú thương binh khiến tôi vô cùng xúc động. Trong thư có đoạn: "... Từ lúc học chữ của cô giáo, chú đã có thể tự mua thuốc men mà khỏi nhờ ai đọc giùm cách sử dụng, có thể đọc báo bất cứ lúc nào. Quan trọng là chú tự đọc và có thể ký tên vào các loại giấy tờ mà không phải tìm người đọc giúp và cũng không phải sợ bị lừa khi ký tên vào các giấy tờ quan trọng. Chú không còn là gánh nặng của người khác. Cảm ơn cô giáo". Bên dưới là chữ ký của chú kèm theo câu: "Bao nhiêu năm nay chú mới tự ký được cái tên của mình, trước giờ toàn điểm chỉ". Khoảnh khắc đọc thư và nhìn vào chữ ký của chú, tôi quyết tâm sẽ "sống chết với nghề"!
Lá thư của chú thương binh trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để tôi thêm yêu nghề giáo và gắn bó với nghề mười mấy năm nay (tôi dạy ở một trường THCS công lập). Nhìn sự tin yêu của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, đồng nghiệp và cấp trên, tôi càng phấn khởi và gặt hái được những thành công lớn trong nghề dạy học.
Hằng năm, cứ vào dịp 20-11, tôi lại nhận được những lá thư đặc biệt của những "người học trò đặc biệt" từ lớp "xóa mù" năm đó. Tôi hạnh phúc vô cùng. Nhờ nội, nhờ chú thương binh và lớp học "xóa mù" năm đó mà tôi mới có bước đi đúng đắn như hôm nay. 
NGUYỄN THỊ MAI TRÂM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null