Vấn đề càng làm dư luận bức xúc là đến nay chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Bộ Công Thương trong vụ sữa giả đã ngay lập tức "đẩy" trách nhiệm về địa phương. Bộ Y tế thì vẫn giữ im lặng sau vụ thuốc chữa bệnh giả, bất chấp nỗi lo lắng chính đáng của người dân về sự an toàn của chính mình.
Khi không ai chịu trách nhiệm, cũng có nghĩa là những lỗ hổng quản lý vẫn tồn tại. Hàng giả vẫn âm thầm tuồn ra thị trường, và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Đáng nói là đến giờ, các cơ quan liên quan vẫn không công bố rõ ràng những sản phẩm bị làm giả hay cảnh báo tới người tiêu dùng – một việc lẽ ra phải làm ngay lập tức.
Im lặng lúc này là điều không ổn. Còn chối bỏ trách nhiệm là không thể chấp nhận!
Ngày 17-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhưng bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Y tế – với vai trò là cơ quan quản lý ngành – phải trả lời câu hỏi: Ai giám sát? Ai để lọt? Ai chịu trách nhiệm?
Làm sao chối cãi được khi ngành quản lý thị trường đã tổ chức 68.000 cuộc thanh tra trong năm 2024, mà sữa giả, thuốc giả vẫn len lỏi khắp nơi? Hệ thống kiểm tra đó để làm gì nếu con cá lớn nhất vẫn dễ dàng thoát lưới?
Đây là lúc cần lập tổ công tác đặc biệt, rà soát toàn bộ quy trình cấp phép, giám sát và xử lý - không chỉ để bịt lỗ hổng hiện tại mà còn để sửa những quy định lỗi thời, vô hiệu.
Sự im lặng, né tránh chỉ khiến niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý có liên quan thêm mất điểm. Khi sức khỏe, thậm chí tính mạng người dân bị đe dọa, thì trách nhiệm không thể là một quả bóng chuyền qua chuyền lại. Nó cần một địa chỉ rõ ràng.
Không thể tiếp tục im lặng. Không thể mãi núp sau hai chữ "quy trình". Không thể để những bộ ngành được giao quyền mà không có trách nhiệm.
Người dân không cần lời xin lỗi hình thức. Người dân cần: công khai danh sách các sản phẩm giả, nguy hại; truy trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm; và xử lý công khai, minh bạch, không có vùng cấm.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Vụ 573 loại sữa bột giả: Trốn thuế 'khủng' sao cơ quan thuế không biết?

Vụ 573 loại sữa giả: Doanh nghiệp chiết khấu 'khủng', bác sĩ đưa vào đơn thuốc

Vụ sữa giả: Bộ Công Thương hay Bộ Y tế chịu trách nhiệm?

Vụ thuốc giả: Phát hiện lượng lớn thuốc giảm đau trong thuốc đông y bị thu giữ

Vụ 573 loại sữa bột giả: Trốn thuế 'khủng' sao cơ quan thuế không biết?
