Nồi cá kho của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mẹ tôi gốc gác nông thôn, nơi miền quê mênh mông sông nước, tôm cá nhiều vô kể. Nhất là mùa nước lên, lũ về là người dân tha hồ đánh bắt cá. Mẹ từng kể, có năm lũ chưa kịp về, người dân còn lo lắng, ngóng lũ. Vì lũ về vừa mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng vườn, cây trái vừa cung cấp một nguồn tôm cá dồi dào. Sống trong điều kiện tự nhiên như thế nên mẹ tôi cũng như các bà, các cô rất giỏi chế biến thức ăn, lại ngon nữa.

Tôi học xa nhà, rồi ra trường làm việc, lập gia đình ở phố nhưng nồi cá kho của mẹ luôn làm tôi nhớ nhung quay quắt, nhất là vào mùa đông, khi lũ tràn về.

 

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Tôi không thể quên được bát cơm nóng thơm dẻo ăn cùng miếng cá bống kho tiêu đậm đà. Đây là loại cá ở quê nội-xứ núi Ấn sông Trà. Món ăn này đã trở thành đặc sản, là niềm tự hào của ẩm thực quê tôi. Những ai đi xa luôn đau đáu nhớ về. Cá bống kho tiêu không hẳn là món cao lương mỹ vị nhưng chế biến món này, theo lời mẹ thì phải cẩn thận, tinh tế chứ qua loa, vội vã sẽ không được ngon. Ngồi trước mâm cơm, gắp miếng cá thơm ngậy, nước màu sánh vàng, đặc quyện, mẹ thủng thẳng chỉ bày từng tí. Cá bống kho trên lửa liu riu, cứ từng chặp phải đảo nhẹ cho thấm đều. Sau khi tắt bếp mới rắc thêm tiêu vào trong khi các gia vị khác cho vào trước khi đun. Như thế cá bống kho mới săn chắc nhưng thịt lại đậm đà. Ngoài ăn với cơm trắng, cá bống kho còn ăn với cháo trắng, thêm lá tía tô xắt sợi sẽ giải cảm hiệu quả. Ăn cơm với mẹ, bao giờ tôi cũng được một bài học bổ ích.

Nhớ một lần, người chị học ở Sài Gòn quen một người miền Tây, gọi điện về năn nỉ mẹ bày cách nấu cá kèo. Quả thật đây là đề bài hóc búa mà gia đình người yêu mang ra thử  tài nấu nướng của chị tôi. Đây là món cá kho đặc trưng vùng sông nước Nam bộ, thêm nữa quê ngoại đối với chúng tôi giờ là mảng ký ức mờ xa. Nghe chị giục giã, mẹ từ tốn hướng dẫn như trên ti vi trong chương trình nấu ăn vậy. Mẹ bảo thịt cá kèo dai, ngọt thấm được vị cay của ớt, tiêu và quyện vào mùi rau răm thì đi ra khỏi làng vẫn còn nghe mùi thoang thoảng. Đây là món ăn yêu thích ngày còn nhỏ của mẹ. Những ngày lũ về, cũng sắp cuối đông, mâm cơm được dọn ra, giữa mâm là nồi cá kèo kho rau răm tỏa hương thơm nồng thì những câu chuyện xoay quanh vụ mùa, thời tiết cũng rôm rả hẳn lên.

Mẹ tôi còn có tuyệt chiêu với món cá tràu kho cà chua xanh ngoài cái món thường chế biến cá tràu kho tộ hay kho dưa cải. Mẹ thường nhắc nhở, kho cá bằng nồi đất tuy lâu hơn nhưng thịt cá sẽ săn chắc, nước cá cũng đậm đà, độ mặn vừa ăn quyện vào chất màu sệt sệt thơm và béo. Cá tràu kho cà chua thường ăn với cơm trắng và rau tập tàng luộc. Nhìn những ngọn rau xanh non, bắt mắt cùng với nồi cá kho hấp dẫn, ai mà từ chối được nhất là khi ngoài trời cơn mưa mùa đông vẫn còn dai dẳng.

Bây giờ, ẩm thực khắp nơi nhiều món ngon du nhập từ nước ngoài. Người ta cũng sành ăn hơn. Vào nhà hàng thường gọi những món lạ, đắt tiền như một sự trải nghiệm, hưởng thụ. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, cũng như tôi, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên, để rồi sau đó bồi hồi nhớ về nồi cá kho dân dã của mẹ khi bắt gặp trong thực đơn nhà hàng món cá kho nhưng đặt lại một cái tên sang trọng nào đó.

Mỗi mùa đông đến, lũ về nồi cá kho của mẹ lại gợi thức trong tôi những hoài niệm đẹp.

Sơn Trần

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.