Những tác phẩm không dành cho đại chúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, dư luận xôn xao tranh cãi xoay quanh tâm thư của một phụ huynh học sinh trường quốc tế tại TPHCM về một cuốn tiểu thuyết được giáo viên đưa cho học sinh lớp 11 đọc và cảm nhận.

Vị phụ huynh này cho rằng, đây là tác phẩm hoàn toàn không phù hợp để đưa vào nhà trường. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng ngược lại, cũng không ít người dẫn ra hàng loạt giải thưởng tại Mỹ mà tác phẩm và tác giả nhận được để chứng tỏ rằng đây là một cuốn sách có giá trị văn chương.

Tranh cãi đẩy lên cao tới mức cơ quan chức năng - Cục Xuất bản, In và Phát hành, có văn bản yêu cầu đơn vị xuất bản báo cáo để nắm bắt thông tin; đồng thời xin ý kiến hậu kiểm của tổ đọc thẩm định về cuốn sách xem có nội dung gì vi phạm quy định của Luật Xuất bản hay không.

Thực tế cho thấy, cảm nhận nghệ thuật, trong đó có văn học, ở mỗi người có độ cảm thụ khác nhau. Có cuốn sách hay với người này nhưng với người khác có thể là dở tệ. Điều đó hết sức bình thường, vì cái “gu” của mỗi người không giống nhau. Việc cuốn sách đạt được nhiều giải thưởng chỉ chứng minh nó đã đáp ứng các tiêu chí của giải chứ không đồng nghĩa với việc tác phẩm phù hợp cho mọi đối tượng bạn đọc, nhất là với những học sinh vẫn trong quá trình hoàn thiện tâm sinh lý.

Không ít tác phẩm văn học được giới chuyên môn khen ngợi nhưng không dành cho đại chúng, tiêu biểu nhất có thể nhắc đến là Lolita, tác phẩm được nhiều tổ chức về văn học đánh giá là một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 nhưng lại bị hạn chế ở nhiều quốc gia và bị cấm đưa vào trường học ở hầu hết các nước.

Cũng chính vì thế, việc đưa một tác phẩm văn học vào môi trường sư phạm, nơi học sinh muôn màu muôn vẻ không bao giờ là một việc dễ dàng theo kiểu “giáo viên thấy hay thì học sinh cũng phải thấy hay”. Khi đưa sách vào môi trường giáo dục, dù là tài liệu tham khảo, đọc thêm nhưng khi đó là cuốn sách của giáo viên giao cho học sinh thì đó không còn là lựa chọn cá nhân, theo cảm nhận, sở thích của giáo viên nữa mà đã trở thành một phần của giáo dục.

Không thể cho rằng quyền sử dụng dữ liệu phục vụ bài giảng là của riêng giáo viên mà có thể tùy tiện. Nhiều người cho rằng các phụ huynh đang làm quá lên, rằng “trẻ con bây giờ khác nhiều rồi”, rằng những điều này trẻ con đã đọc, đã xem đầy trên các mạng xã hội… Điều này có lẽ không sai nhưng khi người lớn, nhất là giáo viên, đưa sách cho học sinh đọc thì tính chất lại thiên về sự định hướng.

Có những cuốn sách cần phải đọc dưới sự hướng dẫn của người lớn để chuẩn bị về kiến thức, tâm lý khi tiếp cận, cụ thể trong trường hợp này là giáo viên. Trước khi phổ biến, nhà trường nên có lưu ý để học sinh hiểu vì sao những đoạn trích trong tác phẩm cần thiết cho việc học và thưởng thức văn chương. Bất cứ thông tin, kiến thức nào muốn truyền đạt tới học sinh cũng nên được sự thông qua hội đồng bộ môn và lãnh đạo của nhà trường sau khi đã phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng lợi hại - đó là nguyên tắc.

Không phải Việt Nam chưa có những quy định về phân loại sách theo độ tuổi. Theo đó, các sách dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ độ tuổi của đối tượng phục vụ tại bìa 4 và tại trang tên sách. Có ba nhóm độ tuổi chính gồm dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 11 tuổi, từ 11 đến dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, trong khi điện ảnh có cảnh báo ghi rõ “phim có cảnh bạo lực, tình dục, khỏa thân…” kèm theo phân loại độ tuổi thì thông tin cảnh báo của sách lại chưa thật rõ ràng, trong khi người mua sách ít có thói quen đọc cảnh báo từ nhà xuất bản. Sự kiện vừa qua là tiếng chuông cảnh báo để người đọc và cả người làm sách cùng nhìn lại, tìm ra cách thức chỉ dấu dễ nhận diện hơn, có quy định chặt chẽ hơn về phát hành với những cuốn sách khi có các yếu tố đặc biệt…

Quay trở lại việc cuốn sách tham khảo giáo viên đã đưa cho học sinh, bị phụ huynh phản ánh là “ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm”, không phù hợp với học sinh… điều có thể thấy trong trường hợp này là chưa có sự chung tay giữa gia đình và nhà trường trong việc xây dựng văn hóa đọc cho con em.

Việc khuyến khích học sinh đọc sách là điều tuyệt vời vì đó là một trong những cách giúp tâm hồn trẻ bắt đầu khám phá thế giới. Song với những kiến thức ngoài sách giáo khoa, mang tính tham khảo, nên có sự trao đổi rõ ràng giữa các bên để cùng bảo vệ giới trẻ khỏi những nguy hại về thể chất lẫn tinh thần.

Có thể bạn quan tâm

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Trong khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy nhà nước, thì nhiều người dùng mạng xã hội vì muốn tăng tương tác, “bắt trend” (xu hướng đang nổi) đã sẵn sàng đăng hoặc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác hoặc thậm chí là tin giả.

Việc gì khó có thanh niên

Việc gì khó có thanh niên

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029) diễn ra trong giai đoạn đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, vai trò của thanh niên càng quan trọng khi đây là lực lượng quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Hôm nay, ngày 17-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ IX khai mạc tại Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của tổ chức hội và phong trào thanh niên cả nước.

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.