Hầu hết các nước đều chọn một thành phố làm thủ đô, nhưng cũng có quốc gia có đến 2 - 3 lựa chọn.
Chỉ khoảng 40 quốc gia trên thế giới có thủ đô vào năm 1900, theo giáo sư David Gordon viết trong phần giới thiệu về cuốn sách Planning Twentieth Century Capital Cities. Đến năm 2000, con số đó tăng lên hơn 200, khi có nhiều quốc gia mới được hình thành.
Malaysia: Kuala Lumpur và Putrajaya
Nhiều du khách đã bất ngờ khi biết rằng Malaysia có hai thủ đô. Phần lớn đều biết thủ đô Kuala Lumpur với biểu tượng tòa tháp đôi rực rỡ ánh đèn, những trung tâm mua sắm, các quán bar náo nhiệt trên tầng thượng suốt đêm. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của cơ quan lập pháp, cung điện của quốc vương.
Ảnh trái là Kuala Lumpur với biểu tượng tháp đôi nổi tiếng. |
Ảnh phải là nhà thờ hồi giáo Putra ở Putrajaya. Ảnh: Shutterstock. |
Dù vậy, quốc gia này vẫn mong muốn tìm một nơi chốn để nghỉ ngơi, thoát khỏi sự ồn ào, sôi động ở Kuala Lumpur. Do đó, năm 1995, chính phủ bắt đầu xây dựng một đô thị yên tĩnh hơn bao quanh một hồ nước nhân tạo lớn - Putrajaya.
Sri Lanka: Colombo và Sri Jayawardenepura Kotte
Colombo trải dài như mê cung dọc theo bờ biển Sri Lanka, thu hút du khách bởi những bãi biển cát vàng, nơi hầu hết du khách bắt đầu hành trình khám phá đất nước.
Các cơ quan quốc gia và hành pháp của đất nước cũng nằm ở Colombo, nhưng thủ đô chính thức của nó lại là Sri Jayawardenepura Kotte gần kề (thường được gọi là Kotte). Nơi này có tòa nhà Quốc hội hiện đại nằm trên một hòn đảo giữa hồ nhân tạo Diyawanna.
Cộng hòa Czech: Prague và Brno
Những ngọn tháp gothic và mái nhà baroque dọc theo sông Vltava góp phần khiến thủ đô Prague trở thành điểm du lịch đầy lôi cuốn. Thành phố còn được du khách biết đến là nơi trưng bày văn hóa và lịch sử của đất nước.
Một trong những địa điểm ấn tượng nhất là lâu đài Prague, một phần của trung tâm lịch sử được UNESCO công nhận. Lâu đài rộng lớn này được xây dựng vào thế kỷ 9, và đến nay là văn phòng làm việc chính thức của tổng thống cộng hòa Czech.
Dù vậy, tòa án tối cao của đất nước lại nằm ở thủ đô thứ hai, được ít người biết tới hơn là Brno.
Montenegro: Podgorica và Cetinje
Các tòa lâu đài cổ kính và bảo tàng lớn là chứng nhân cho vị trí quyền lực của Cetinje. Đây cũng là nơi ở chính thức của tổng thống.
Tuy nhiên, Cetinije đã mất đi sự nổi bật và chú ý của mình trước thành phố lớn hơn là Podgorica. Đến nay, người ta vẫn biết đến nó với tên gọi "thành phố thủ đô hoàng gia".
Hiện giờ, Podgorica là thủ đô chính thức của Montenegro.
Hà Lan: Amsterdam và The Hague
Với những dòng kênh đào chằng chịt, thủ đô Amsterdam là cái tên thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, dù hiến pháp quốc gia chỉ định Amsterdam là thành phố thủ đô, thì việc quản lý đất nước lại thực sự diễn ra ở The Hague. Đây là nơi đặt các cơ quan quản lý chính của đất nước như tòa án tối cao.
Để có cái nhìn sâu sắc về thành phố, bạn hãy tham quan Het Binnehof, một khu phức hợp lịch sử gồm các tòa nhà nằm xung quanh |
Hội trường Hiệp sĩ Gothic - nơi có ngai vàng và quốc vương phát biểu hàng năm. Ảnh: Shutterstock. |
Nam Phi: Pretoria, Cape Town và Bloemfontein
Đây là quốc gia duy nhất có ba thủ đô - một sự sắp xếp độc đáo để chia sẻ quyền lực giữa các khu vực. Cape Town được biết đến là thủ đô lập pháp. Pretoria là thủ đô hành chính còn Bloemfontein là thủ đô tư pháp.
Nếu Cape Town được biết đến với vị trí ngoạn mục bên bờ biển và núi Bàn nổi tiếng, thì Pretoria thu hút du khách bởi những bông hoa jacaranda rực rỡ xuất hiện vào mỗi tháng 9 và Bloemfontein là sự hiếu khách, thoải mái.
Benin: Porto-Novo và Cotonou
Porto-Novo là thủ đô chính thức của quốc gia này. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng không khí yên bình với những con đường rợp bóng cây và các công trình kiến trúc lịch sử.
Ngoài ra, quốc gia tây Phi này vẫn được biết đến là nơi có hai thủ đô. Nơi khác là thành phố cảng Cotonou lúc nào cũng đông nghẹt khách du lịch và cuộc sống hối hả, nhiều màu sắc. Phần lớn trụ sở của các cơ quan chính phủ, ngoại giao... đặt tại thành phố này. Sự phân chia quyền lực giữa hai thành phố được thực hiện vào năm 1960, trước khi Benin giành được độc lập hoàn toàn khỏi quyền cai trị của Pháp.
Bolivia: La Paz và Sucre
Được bao bọc trong những đỉnh núi tuyết của dãy núi Andes, thủ đô hành chính La Paz là điểm dừng chân của nhiều du khách. Bên cạnh đó, quốc gia này còn có một thủ đô lập hiến khác, cách La Paz hàng trăm km là Sucre, nơi đặt trụ sở tối cao pháp viện của đất nước và cũng là thủ phủ của vùng Chuquisaca.
Chile: Santiago và Valparaíso
Khi các thành viên của cơ quan hành chính và tư pháp quốc gia Chile ngắm tuyết rơi trên những ngọn núi xung quanh thành phố Santiago, thì những người ở cơ quan lập pháp lại ngắm hoàng hôn Thái Bình Dương từ Valparaíso.
Hai thành phố tuyệt đẹp này tuy chỉ cách nhau 115 km bằng đường bộ, nhưng đó lại là hai thế giới tách biệt. Santiago, thủ đô chính thức, sở hữu các tòa nhà cao tầng màu xanh xám mát mẻ. Còn tại nơi có cơ quan lập pháp quốc gia tụ họp, Valparaís thu hút du khách bởi trung tâm lịch sử được UNESCO miêu tả như "một viên đá quý.
Theo Anh Minh (vnexpress.net/NLĐO)