Những người đàn bà mệnh... khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi tỉnh táo, các chị lành như đất. Họ không lo thân mình bệnh tật mà lại bận lòng chuyện gia đình, lo các con ở nhà không ai chăm sóc… Những lúc ấy, nếu không gặp họ tại khu điều trị nữ của Bệnh viện Tâm thần kinh thì chẳng ai nghĩ họ bị bệnh tâm thần.

Nằm điều trị hơn 1 tuần nay vì căn bệnh rối loạn tâm thần cấp tính thoáng qua, bệnh tình của chị Rơ Lan Seng (làng Ó, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đã có phần ổn định. Nếu tình hình sức khỏe tốt hơn, chị có thể xuất viện trong vài ngày tới. Bệnh đã ổn nhưng thay vì vui mừng, tâm trạng chị Seng lại nặng như chì bởi lo cho con trai ở nhà một thân một mình không biết có xoay xở được không.

 

Em Hà Trọng Tú phải nghỉ học lên chăm mẹ tại bệnh viện. Ảnh: N.N
Em Hà Trọng Tú phải nghỉ học lên chăm mẹ tại bệnh viện. Ảnh: N.N

Kể chuyện đời mình, giọng chị buồn rười rượi: “Khi mình mang thai được 6 tháng thì chồng bỏ đi mất. Nó chê mình xấu, mình nghèo nên nó đi kiếm người khác ưng rồi. Hai mẹ con đùm bọc nhau mà sống. Giờ con trai mình cũng đã 14 tuổi. Mình nhập viện, con trai phải nghỉ học đi chăn bò vì không ai chăn giúp. Mẹ ruột thì phải lên đây chăm mình, còn dì thì có con nhỏ, cậu phải đi làm thuê… Nhà mình chỉ có 2 con bò, không chăn bò chết thì biết lấy gì mà sống”.

Theo lời chị Seng, vừa rồi, con trai chị có điện thoại lên bảo chúng bạn ở nhà rủ đi mót hồ tiêu kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ. Nghe con kể chị lo lắm. Lo vì con còn nhỏ, rất dễ bị bạn xấu rủ rê, rủi làm chuyện gì dại dột thì ân hận cả đời. Bây giờ, chị chỉ mong nhanh khỏi bệnh để về lo chuyện nhà cửa, cố gắng cho con đi học lại.

Nằm điều trị tại phòng bệnh kế bên, lòng chị Đỗ Thị Lặng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) lại bộn bề những nỗi lo khác. Chồng mất vì bệnh ung thư 8 năm trước khi con út mới được vài tháng tuổi, một mình chị gánh vác gia đình. Căn bệnh ung thư không chỉ cướp đi người chồng, người cha của 3 đứa nhỏ mà còn để lại gánh nặng nợ nần và những khó khăn chồng chất về tinh thần.

Nhiều năm qua, chị Lặng tự lực cánh sinh, vượt khó một mình chăm lo cho 3 con. Giờ con trai đầu đang học lớp 10, con thứ hai lớp 6 và đứa út lớp 3. Gánh nặng lo toan, áp lực cuộc sống khiến chị Lặng phát bệnh. Năm 2017, chị đã phải nhập viện điều trị vì chứng rối loạn phân biệt cảm xúc. Chưa điều trị dứt điểm mà chị nằng nặc đòi về vì nhà neo người, các con không ai chăm sóc. Vì vậy, sau một thời gian thì bệnh cũ tái phát, áp lực thêm đè nặng.

Mẹ bệnh, con trai đầu phải tạm nghỉ học để lên bệnh viện chăm sóc mẹ. Hai em nhỏ đành nhờ hàng xóm chăm nom giùm. Gương mặt đầy lo âu, em Hà Trọng Tú (con trai chị Lặng) cho biết: “Nhà em chỉ có vài sào rẫy, thu nhập chỉ đủ ăn. Tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết. Cả nhà em không ai có bảo hiểm y tế cả. Mẹ nhập viện lần này không biết làm thế nào”.

Thấy cảnh nhà neo đơn, một người hàng xóm tốt bụng đã đưa chị Lặng lên Bệnh viện Tâm thần kinh điều trị, nhận chăm sóc 2 cháu nhỏ ở nhà và hứa sẽ giúp chị mua bảo hiểm y tế. Bác sĩ B’Long cho biết: “Gia cảnh của chị Lặng thật sự rất khó khăn, nhà neo người. Chị Lặng nhập viện với các triệu chứng nói nhảm, khóc lóc vô cớ, sợ hãi ai đó… Hiện sức khỏe chị đã có tiến triển, đáp ứng tốt với thuốc”. Ngoài chăm sóc sức khỏe, động viên về mặt tinh thần, bác sĩ B’Long còn liên hệ với các nhà hảo tâm hỗ trợ chị Lặng chút ít chi phí. Các nhân viên trong khoa cũng giúp chăm sóc chị Lặng để cháu Tú an tâm về nhà đi học.

Làm việc tại khu điều trị nữ của Bệnh viện Tâm thần kinh, các bác sĩ, nhân viên trong khoa không ít lần chứng kiến những bệnh nhân nữ có hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí có bệnh nhân nằm viện điều trị dài ngày nhưng không có người thân chăm sóc, có người còn bị bỏ mặc. Trách nhiệm với gia đình, con cái, lo toan bộn bề càng khiến người bệnh dễ bị kích động, dễ mắc các chứng trầm cảm, lo âu làm bệnh nặng thêm. Theo các bác sĩ, phụ nữ có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao hơn nam giới khoảng 75% và khả năng mắc bệnh rối loạn lo âu cao hơn nam giới đến 60%. Nguyên nhân, theo bác sĩ B’Long phân tích, chính là do những lo toan, áp lực cuộc sống, thiếu sự chia sẻ, chăm sóc của người chồng. Trong đó, trầm cảm sau sinh ở phụ nữ có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy cuộc đời u ám, buồn chán và tuyệt vọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng hơn có thể khiến người bệnh tự làm hại bản thân, thậm chí tự sát. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời giúp người bệnh điều trị, vượt qua khó khăn.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.