Những ngày "đỏ lửa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ký ức với bệnh viện dã chiến là một phần cuộc đời của đội ngũ y tế trong những tháng ngày “đỏ lửa” giữa tâm dịch. Nơi đó, họ chứng kiến những cuộc đời đã được bao dung và cứu lấy, vòng tròn sinh tử được hoán đổi, thậm chí cả hi sinh và mất mát đã ám ảnh vào từng ngóc ngách của mỗi căn phòng, trên từng chiếc giường. Tất cả viết nên những trang nhật ký nghề y hào hùng nhất, về một màu blouse trắng của thời chiến không đạn bom và cũng tưởng chừng không hẹn ngày về...
Xin chào, Bệnh viện dã chiến!
Một ngày chuẩn bị và hơn 100 ngày hoạt động chống dịch, đó là kỷ niệm khó quên của từng cán bộ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nhân viên y tế từ đoàn tỉnh Phú Thọ và lực lượng dân quân điều động từ Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đến công tác tại Bệnh viện dã chiến số 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 6-6, nhận nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo thành phố, Bệnh viện Nhi đồng thành phố được giao quản lý Bệnh viện dã chiến số 4 đã bắt tay ngay vào việc khảo sát và lên kế hoạch hoạt động. Cơ sở vật chất được giao là khu nhà tái định cư chưa sử dụng đã hơn 10 năm, bao gồm 20 block nhà trải rộng trên diện tích hơn 30 hecta, được chia thành 4 khu. Mỗi block nhà gồm 4 tầng, không có thang máy, bao gồm 40 phòng với sức chứa từ 180 - 210 bệnh nhân mỗi block.

Đội ngũ y tế Bệnh viện dã chiến số 4 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả.
Đội ngũ y tế Bệnh viện dã chiến số 4 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả.
Bệnh viện bắt đầu nhiệm vụ thu dung vào ngày 7-7, đến 13-7 đạt mức 4.000 bệnh nhân. Bệnh viện thành lập hệ thống phòng cấp cứu và khu hồi sức cấp cứu với tổng số 185 giường.
Bệnh viện được hỗ trợ trưng dụng 4 trường học làm 2 trụ sở hành chính và 4 khu ở cho nhân viên y tế và dân quân, tách biệt rõ các vùng đỏ, vàng và xanh. Xây dựng các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện dã chiến, quy trình phối hợp xử lý rác, tập huấn định kỳ cho tất cả nhân viên.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận các nhóm tình nguyện viên F0 để cùng nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt nhóm bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi, neo đơn. Bệnh nhân xuất viện đều được các chuyến xe miễn phí, xe 0 đồng đưa về.
Hơn 100 ngày hoạt động, đã có 53 người, gồm 20 nhân viên y tế và 33 dân quân bị phơi nhiễm. Hơn 3 tháng hình thành và vận hành, cuộc sống vẫn hiện hữu dù đã có những nghiệt ngã chia ly, nước mắt xen lẫn niềm vui.
“Từ tâm dịch đến với hậu phương của bệnh viện dã chiến, tới từng mái nhà, từng chiến sĩ, từng con người với những thân phận chúng tôi đã chứng kiến. Những bệnh nhân cuối cùng hạnh phúc cầm tờ giấy xuất viện chính là động lực cho chúng tôi, cho những cầu mong dần trở thành hiện thực, thật sự cảm thấy tràn đầy hân hoan. Giờ đây, khi chuẩn bị khép lại một hành trình đầy gian khó, nhìn lại tuy không quá dài nhưng cũng đủ gai góc day dứt ám ảnh cả một đời người”, bác sĩ Thanh chia sẻ. 
Bệnh viện dã chiến đợt dịch thứ 4 rồi sẽ đi vào dĩ vãng, sẽ trở thành một dấu ấn lịch sử. Mọi người dần sẽ được về nhà, nằm trên chiếc giường thân quen. Rồi lại được bắt tay trở lại vào công việc tái thiết, hẹn hò, đi cà phê, lượn lờ tìm kiếm những góc chụp đẹp của thành phố bình yên.
Hàng ngàn chuyến di dân, đưa đón tiễn đưa F0 và đoàn quân chi viện đến rồi đi đã diễn ra âm thầm, lặng lẽ dưới bầu trời “đỏ lửa” hay những buổi chiều đẫm ướt cơn mưa. Từ nay sẽ dần khép lại, thay bằng một cuộc hồi chuyển hạ tầng, trang thiết bị y tế lớn nhất lịch sử bệnh viện. Hàng ngàn ghế bố, bàn ghế, quạt máy, xô chậu và vật dụng từng được điều động, vận động từ khắp nơi, cũng là vật trưng dụng thành chỗ ăn ở tạm của hàng vạn F0 và cả cho các y, bác sĩ, dân quân trực chiến hàng tháng trời sẽ được điều chuyển về Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Bệnh nhân cuối cùng xuất viện đã khép lại hành trình thiên sứ của các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 4.
Bệnh nhân cuối cùng xuất viện đã khép lại hành trình thiên sứ của các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 4.
Ngày đưa tiễn đoàn y tế chi viện Phú Thọ trở về quê hương, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 đã ngậm ngùi xúc động, thầm nghĩ trong lòng “bao giờ mới tới lượt mình”. Hôm nay, khi ngày về của F0 cuối cùng, cũng là lúc Bệnh viện dã chiến số 4 hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, với gần 20.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị khỏi, đây cũng là bệnh viện dã chiến đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh giải thể. 
Cả biển trời thương nhớ ngày chia xa. Đồng nghiệp về với mùa hẹn ước. Bệnh viện dã chiến số 4 giờ yên ắng, tĩnh mịch trở về thành một khu tái định cư hoang lạc như nó đã từng cách đây 4 tháng. Đã có những tháng ngày, thanh xuân và nhiệt huyết gửi lại nơi này. Họ đã chọn xông pha vào tâm dịch, không ngại hiểm nguy đi giữa bộn bề khốn khó, trước nỗi đau và nước mắt, để khẳng định giá trị trong sáng, cao thượng của ngành Y.
Những tháng ngày không quên
Sau hơn 2 tháng vận hành Trung tâm hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đây từng là điểm nóng của TP Hồ Chí Minh với số lượng F0 lớn từ Bình Chánh và quận 8, gần như cao nhất ở TP Hồ Chí Minh. Lực lượng y tế ngày đêm tiếp nhận người bệnh nặng, bằng tất cả sự quyết tâm, tình thương yêu và trách nhiệm lớn lao, tất cả khó khăn đã được vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cái nắm tay đoàn kết của các lực lượng hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 13.
Cái nắm tay đoàn kết của các lực lượng hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 13.
Ngày 13-10-2021, Trung tâm được chuyển giao cho Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. Phát biểu trong lễ bàn giao, TS. BS. Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm cho biết, Trung tâm chính thức nhận các trường hợp người bệnh COVID-19 đầu tiên vào ngày 11-8 trong bối cảnh số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh đang tăng cao. Sau 2 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 người bệnh mà phần đông trong số đó là các trường hợp nặng, nguy kịch. Tính đến nay đã có gần 600 người bệnh ra viện. Nhiệm vụ hoàn thành, đội ngũ y tế chi viện đã trở về quê nhà, tiếp tục thực hiện công việc thường ngày.
Ngày lên đường, ai nấy đều đồng lòng gác lại những bộn bề riêng tư để lao vào cuộc chiến đầy cam go với dịch bệnh. Họ ra đi theo tiếng gọi của lý trí và con tim. Điều dưỡng Lê Văn Thông, một trong 30 thành viên đoàn y, bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Bưu điện chi viện Bệnh viện dã chiến số 13 đã chia sẻ về sự tự hào khi được góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến chống COVID-19. “Hôm nay, chúng tôi đã thấy phố xá thực sự đông vui, tiếng cười nói ồn ào, tiếng tàu xe tấp nập, những ánh mắt lấp lánh niềm vui giữa những ánh đèn rực rỡ”, anh Thông chia sẻ.

Mang trong lòng ký ức của những ngày đã qua, tạm biệt bệnh viện dã chiến, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đều mong thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương và thành phố mang tên Bác sẽ sớm trở lại nhịp bình thường để đón mọi người trở lại trong một ngày không xa trong tình yêu thương, bình yên và tràn đầy sức sống. Trước ngày cùng anh em trong đoàn trở về với gia đình, trở lại Thủ đô, về với công việc, cuộc sống hằng ngày, điều dưỡng Trần Thị Quỳnh, Khoa Sản, Bệnh viện Bưu điện và rất nhiều thành viên trong đoàn sẽ nhớ mãi bức thư cảm ơn của người mẹ và cậu con trai trong một gia đình cả nhà nhiễm COVID-19 từng nằm điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 13.

Lực lượng hỗ trợ lần lượt rời đi.
Lực lượng hỗ trợ lần lượt rời đi.
“Mẹ ơi, nhìn các y, bác sĩ ở đây như những nhà du hành vũ trụ ấy”. Đây là câu nói của cậu bé Vĩnh Khang khi bước chân vào Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Việt Đức cùng mẹ và ông bà ngoại.
“Thời gian được điều trị ở đây như một thước phim mà gia đình tôi sẽ không thể nào quên. Chúng tôi được tập thể các bác sĩ, điều dưỡng nhà N9 quan tâm, chữa trị rất tận tình, chu đáo. Những hoang mang, lo lắng dường như dần biến mất mỗi ngày, thay vào đó là sự tin tưởng, yên tâm và niềm hy vọng. Không chỉ là những phác đồ điều trị, những lần truyền nước hay những lần tiêm mỗi ngày mà đó còn là những lời thăm hỏi, động viên, sự tận tình chăm sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ từ “những nhà du hành vũ trụ”. Gia đình chúng tôi như được tiếp thêm liều thuốc tinh thần để mạnh mẽ và để chiến thắng...”, lời chia sẻ của người mẹ.
Trong suốt quá trình điều trị, chăm sóc, bệnh nhân và bác sĩ bị ngăn cách bởi lớp áo bảo hộ, bởi mỗi giây phút tại Trung tâm hồi sức đều quý hơn vàng, là thời khắc quyết định sự sống còn của bệnh nhân, nên một lời tâm sự, hay câu hỏi thăm đôi khi không kịp thực hiện. Tại các bệnh viện dã chiến, tôi đã được đọc rất nhiều tờ giấy viết tay như thế. Đó là cảm xúc, là lòng biết ơn thật sự của bệnh nhân dành cho đội ngũ y tế.
Tình cảm, sự trân trọng, biết ơn và tri ân sâu sắc của mẹ con bé Vĩnh Khang cùng toàn thể bệnh nhân dành cho các y, bác sĩ số 13 đã tiếp thêm niềm tin, động lực để các chiến sĩ áo trắng có thêm sức mạnh, chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Và, hôm nay, khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, các chiến sĩ áo trắng đã hoàn thành nhiệm vụ, tạm biệt TP Hồ Chí Minh trở về Hà Nội với lời hẹn ước trùng phùng.
Ngọc Hoa (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.