Những nẻo đường Campuchia - Bài 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cần nói thêm rằng, trước thời điểm ấy, lực lượng đoàn chuyên gia của TTX - đoàn S78 - được tăng cường rất lớn, lên đến hàng trăm người. Lực lượng phóng viên tin, ảnh rất hùng hậu.
Các phóng viên TTXVN và SPK trong chuyến đi công tác chung tại Stungtreng. Từ trái sang: các phóng viên Phạm Tiến Dũng, Lê Sơn, Suca (1979).

Các phóng viên TTXVN và SPK trong chuyến đi công tác chung tại Stungtreng. Từ trái sang: các phóng viên Phạm Tiến Dũng, Lê Sơn, Suca (1979).

Ngoài số anh em đi từ trước như Nguyễn Bá Ngạc, Nguyễn Văn Tường, Phạm Nhật Nam, Vũ Xuân Bân, Nguyễn Đăng Chiến, Bùi Tiến Lợi…, số từ Hà Nội tăng cường có các anh Nguyễn Đình Cao, Phan Thành Nghiêm, Lê Khắc Tịnh, Lê Sơn, Trần Sơn, Minh Tuấn, Phạm Quốc Khánh, Vũ Khắc Cư, Phạm Thị Mỵ, Hà Lộc Trần Chí Hùng, Trần Quốc Hải… Một lớp phóng viên của Báo ảnh Việt Nam vừa học ở Nga về là sang thẳng Campuchia như các anh Nguyễn Vinh Quang, Phạm Tiến Dũng. Từ TP Hồ Chí Mình sang có các anh Sáu Cang, Trần Ấm, Hồng Sĩ, Lê Doãn Tặng, Lê Trọng Thư… và nhiều anh chị em khác. Các cán bộ kỹ thuật có các anh Trương Việt Cường, Vũ Quang, Lê Khắc Tưởng, Nguyễn Danh Bưởi… Bác Hoàng Quang Sinh sang làm Chánh văn phòng, anh Vũ Ngọc Luân phụ trách về tài chính. Chị Nguyễn Thị Tỳ, phụ trách phòng miền Nam, phu nhân của đại sứ Ngô Điền cũng sang và làm Bí thư chi bộ của đơn vị. Một gia đình Thông tấn rất đông đúc. Nhiều người trong số các anh chị tôi được biết, cùng công tác ở Hà Nội, nên mỗi lần về đoàn chuyên gia như được về nhà của mình. Một không khí tin cậy, sẻ chia ở một địa bàn khó khăn, xa xôi thật vô cùng quý báu.

Chúng tôi vẫn sống ở Quân đoàn 4 một thời gian sau đó, những ngày tháng vừa vất vả, gian nan, vừa thấp thỏm lo về phương Bắc, về Hà Nội, về những người thân của mình. Chiến sự biên giới được cập nhật từng ngày qua chiếc máy thu thanh cũ kỹ. Đêm đêm, anh em nằm nghe và bàn tán rất sôi nổi. Cả bốn người đều dân miền Bắc, nên ai cũng ngóng tin nhà. Hai trong ba quân đoàn chủ lực ở chiến trường phía Nam đã rút ra biên giới phía Bắc, chỉ còn Quân đoàn 4 ở lại. Một số đơn vị thành lập thêm. Các quân khu 5, 7, 9 cũng đưa lực lượng sang đảm nhiệm các địa bàn.

Khi ấy, tình hình chiến sự ở khu vực chúng tôi cũng rất căng thẳng. Quân Pôn Pốt phục kích thường xuyên. Một cuộc chiến tranh dai dẳng đã hình thành. Địch ở lẫn với dân trong từng phum, từng sốc khiến cho việc xây dựng chính quyền trên các địa bàn càng trở nên phức tạp. Những ngày ấy, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng đến hết mức có thể để hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp vào công tác chung. Nhiều chuyến đi gian nan, vất vả. Mỗi lần chia tay được gặp lại nhau là cảm thấy may mắn, hạnh phúc.

Lê kết nạp Đảng tại đoàn chuyên gia S78 (1979).

Lê kết nạp Đảng tại đoàn chuyên gia S78 (1979).

Anh em trong tổ, các anh Vũ Tâm, Tiến Lợi, Thu và tôi sống như trong một gia đình. Mọi khó khăn, vui buồn đều chia sẻ. Mỗi lần đi đâu đều lo toan cho nhau từng việc nhỏ nhặt nhất, khi về nhìn thấy nhau từ xa đã thấy mừng. Tôi nhớ nhất một lần bị ốm đột ngột. Nửa đêm, ngủ trên sàn xi măng tôi thấy quặn đau ở lưng ngày một dữ dội mà không hiểu vì bệnh gì. Hồi đó, sức trẻ nhưng vì điều kiện chiến trường, đi công tác liên miên, nên cũng có lúc đau yếu. Cơn đau kéo dài mãi mà không rõ lý do. Chúng tôi cũng không có thuốc gì đặc biệt. Anh Vũ Tâm quyết định đưa tôi đến bệnh xá quân đoàn. Tôi không đi nổi nên anh Vũ Tâm và Tiến Lợi phải thay nhau dìu và cõng tôi xuống xe. Tôi không biết bị bệnh gì, đoán hoặc là đau ruột thừa hoặc là đau thận cấp tính. Sợ mình ngất đi mà không biết gì nữa, nên lúc anh Tâm cõng, tôi dặn:

- Mọi việc tùy anh quyết định, nhưng em rất ngại mổ ở đây… Anh cố gắng bàn với bác sĩ, thật cần thì hãy làm!

Anh Vũ Tâm gật đầu. Lúc đến bệnh xá quân đoàn, anh nói với bác sĩ đúng như tôi dặn. Rất may là chỉ nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau là ngày hôm sau tôi lại như thường. Nhưng tôi cứ nhớ mãi lần đó.

Chúng tôi cũng hay về Đoàn chuyên gia như về nhà của mình. Mấy anh em học lái xe do Thu dạy. Được cái xe Jeep dễ học, dễ lái, địa hình cũng khá rộng rãi, dân thưa, nên chúng tôi học rất nhanh. Có lúc cần, một mình tôi chạy xe về Phnôm Pênh rồi trở lại, mặc dù biết rằng cũng có thể nguy hiểm. Đường vào làng, xuống dốc, vòng vèo, lại có lúc chạy trên những triền đê. Có lần trời mưa, đất trượt, cả người và xe trôi xuống tận chân ruộng, loay hoay mãi nhờ anh em bộ đội đi ngang qua cũng kéo được xe lên.

Có những chuyện nhớ đời với chiếc xe Jeep đó. Một lần tôi mang tin, bài về Phnôm Pênh, gặp đúng hôm cơ quan có bữa liên hoan. Anh Lê Sơn, Trần Sơn và các bạn cứ rủ lại ăn xong rồi về. Bữa đó vui, uống hơi nhiều, nhưng tôi vẫn cứ trở về Quân đoàn như đã hẹn. Cuối giờ chiều, đường tối, không mưa nắng gì chỉ cần chừng hơn một tiếng đồng hồ là về đến nhà. Chẳng ngờ bữa đó tôi uống hơi nhiều, không say, nhưng mắt cứ trĩu xuống vì buồn ngủ. Tôi còn kịp nghĩ là chưa muộn, buồn ngủ quá đi không an toàn, nên dừng xe bên đường, tính chợp mắt một lúc cho đỡ mệt rồi về, Một mình bên con đường vắng vào làng, tôi ngả lưng trên ghế ngủ quên lúc nào không biết. Khẩu AK vẫn để bên cạnh. Lúc tôi tỉnh giấc thì xung quanh trời đã tối đen như mực. Tôi giật mình vì sự mất cảnh giác của mình. Một mình nổ máy rồi cứ hướng về đơn vị mà phóng. Rất may hôm đó không có điều gì xảy ra. Cho đến khi vòng xuống trạm gác của quân đoàn, gặp mấy cậu quân cảnh, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Các cậu còn ngạc nhiên sao tôi đi một mình mà về muộn vậy. Về đến nơi, anh Vũ Tâm vẫn còn chờ.

Tôi thật thà kể lại mọi chuyện, anh chỉ phàn nàn:

- Hôm nay mày mà gặp mấy thằng lính áo đen đi ngang là xong rồi!

Chuyện lái xe tay ngang còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Sau này, khi trở về Phôm Pênh làm việc, tôi ở khu nhà gần ngã tư chỗ chợ Mao Trạch Đông (khu chợ này nằm bên đường Mao Trạch Đông nên chúng tôi gọi là chợ Mao Trạch Đông). Trụ sở chính ở phía trên, đoạn giữa đại lộ Mônivông. Tôi hay nhận suất lái xe đi lấy cơm về, hoặc chở anh em đi ăn. Có lúc chiếc Jeep nhỏ chở bảy, tám người, rất vui. Một lần tôi chở Phạm Tiến Dũng, phóng viên ảnh và mấy anh em, vừa ra khỏi trụ sở làm việc ở đường Mônivông thì bên phải có xe tải đỗ, che khuất tầm nhìn. Thấy đường vắng, tôi nhấn ga nhưng khi đầu xe vừa nhô ra đường, có linh tính, tôi đạp phanh lại. Đúng lúc ấy một chiếc xe com măng ca quân sự lao rất nhanh, đâm ngay vào thanh chắn của chiếc Jeep rồi chệch hướng, phóng sang bên kia đường, lọang chọang mãi mới dừng được. Rất may không ai việc gì. Hôm ấy tôi chỉ nhích ra thêm nửa bánh xe nữa thôi thì không hiểu điều gì sẽ xảy ra! Đấy là một kỷ niệm nhớ đời về lái xe đối với tôi.

Khoảng giữa năm 1979 thì chúng tôi chia tay Quân đoàn 4 về làm việc hẳn ở đoàn chuyên gia. Tuy vậy, thực tế chúng tôi vẫn là nhóm phóng viên mũi nhọn, đi các địa bàn mỗi khi có những việc đột xuất, hoặc tăng cường một thời gian ở những nơi cần thiết. Có những chuyến đi nhớ đời đối với mỗi người.

Lần ấy tôi cùng các anh Vinh Quang, Nguyễn Dĩnh (Thông tấn quân sự) và Đỗ Quảng (báo Nhân Dân) được lệnh lên Sisophon, mảnh đất cực Tây, giáp với Thái Lan của Campuchia. Những chuyến đi hỗn hợp giữa các cơ quan báo chí thường hay được tổ chức. Tình anh em, đồng nghiệp rất thân thiện. Nguyễn Dĩnh tôi biết từ thời ở Quảng Trị 1972. Anh Đỗ Quảng và tôi cũng có lần cùng làm về trao trả tù binh ở Thạch Hãn năm 1973.

Chúng tôi được lệnh đi gấp vì khi đó, có tin tổ chức “Thày thuốc không biên giới” định tổ chức một cuộc đi bộ vào Sisophon từ phía Thái Lan để lên án Việt Nam đang “xâm lược” và gây ra những “thảm cảnh” cho người Campuchia! Chúng tôi bay lên Xiêm Riệp rồi theo bộ đội đi ô tô lên Sisophon. Công việc vội đến mức anh Đỗ Quảng vừa từ Hà Nội sang hôm trước, hôm sau nghe tin xin đi cùng, vẫn còn diện giày tây, quần tây, áo sơ mi trắng! Vốn liếng tiếng Campuchia của anh chỉ có mỗi hai câu học nhanh: Chmua ây (Em tên là gì ?) và On sloranh boong tê (Em có yêu anh không?). Thế mà đi đường anh tán đủ mọi thứ chuyện, gặp ai cũng có thể pha trò được. Đúng là một nhà báo trưởng thành từ đường phố. Nghe Đỗ Quảng kể, khi bắt đầu học làm báo, nhà báo Thép Mới đã cho lớp các anh đi bán báo để hiểu về cuộc sống và yêu cầu của bạn đọc!

Sisophon đang mùa khô, nước thiếu, rau xanh gần như không có, chiến trường lại ác liệt. Những trận đánh ở Phnôm Malai, ngọn núi giáp với Thái Lan kéo dài và gây nhiều tổn thất. Nạn sốt rét hoành hành. Bộ đội Sư đoàn 5 bám trụ trên cả một chiến tuyến dài với nhiều hy sinh, vất vả. Tôi nhớ mãi mỗi ngày, mấy anh em chỉ có một nắp xoong quân dụng cơm và một ít mắm tôm chưng! Không rau và cũng chẳng có thịt. Mùa khô, bụi đầy đường, các dòng sông, con suối đều cạn kiệt. Giếng nước chỗ ngã ba là nơi tắm và lấy nước sinh hoạt thì sâu hun hút, kéo mỏi tay mới được một gàu. Chỉ ít ngày mà mấy anh em xuống sức quá, đến mức nhìn mâm cơm chẳng muốn nuốt. Tôi nhớ cảm giác mệt mỏi khi chiều ra giếng tắm. Nhìn giếng nước sâu đã thấy nản, kéo lên được một nửa gầu nước đã hoa cả mắt, chỉ dội qua loa cho mát để về và cũng phải nhường suất lấy nước cho anh em khác nữa!

Các cán bộ đoàn S78 và SPK tại đồi bà Pênh (1980).

Các cán bộ đoàn S78 và SPK tại đồi bà Pênh (1980).

Một chuyện không bao giờ quên trong chuyến đi này. Hôm ấy chúng tôi lên bộ phận tiền tiêu của sư đoàn, nghe nói đóng ở Cốp. Anh bạn tuyên giáo nói rất đơn giản:

- Tụi em báo lên trên đấy rồi. Họ sẽ đón. Sáng mai các anh ra ngã ba, cứ hỏi xe nào lên Cốp là đi theo sẽ tới liền, chỉ khoảng hơn chục cây số thôi!

Sáng hôm sau, bốn anh em ra ngã ba. Nguyễn Dĩnh nhanh nhảu liên hệ, chúng tôi leo lên một chiếc GMC để lên Cốp. Mọi chuyện tưởng rất ổn, đầy xe toàn lính trẻ. Chuyện như pháo rang khi biết chúng tôi là các nhà báo từ Phnôm Pênh lên. Cũng có nỗi lo bắn tỉa hoặc trúng mìn trên đường. Nhưng có lo cũng chẳng được, nên coi như không có. Xe chạy mãi, cả hơn hai chục cây số rồi lại rẽ về hướng Phnôm Malai, nơi vẫn ầm ì tiếng súng. Dòng dân tỵ nạn đang ngược trở ra đi thành từng tốp trên đường. Mấy anh em đều giật mình. Hình như sai đường? Chúng tôi ở thùng xe, anh Đỗ Quảng đập tay vào phía ca-bin hỏi tài xế:

- Sao lên Cốp xa thế? Hôm qua ở sư đoàn nói chỉ hơn chục cây thôi mà!

Lúc đó cậu lái xe trẻ măng, mặt mũi lem luốc mới dừng xe và quay đầu lại:

- Tụi em lên Cốp đây. Nhưng các anh định lên Cốp nào? Côp Thum hay Cốp Tút?

Chúng tôi trần tình:

- Các anh có biết Cốp nào đâu. Chỗ có sở chỉ huy tiền duyên ấy!

Đến lúc ấy đám lính trẻ mời ồ lên:

- A! Thế ra các anh chỉ lên Cốp Tút thôi. Tụi em vào Cốp Tum, dưới chân núi Phnôm Malai để tăng viện. Cốp Tút ở ngoài kia, các anh trở ra phải hơn chục cây số nữa! Hay là các anh vào đó luôn với tụi em rồi ra sau?

Các phóng viên TTXVN tại Phnom Penh. Từ trái sang: Lê Sơn, Vũ Khắc Cư, Phạm Quốc Khánh, Trần Mai Hưởng, Phó trưởng đoàn S78 Trần Hữu Năng, Trần Quốc Hải và Lê Trọng Thư.

Các phóng viên TTXVN tại Phnom Penh. Từ trái sang: Lê Sơn, Vũ Khắc Cư, Phạm Quốc Khánh, Trần Mai Hưởng, Phó trưởng đoàn S78 Trần Hữu Năng, Trần Quốc Hải và Lê Trọng Thư.

Mấy anh em bàn tính. Kế hoạch sắp xếp rồi. Chúng tôi phải gặp cán bộ và dân ở ngoài đó để phỏng vấn, viết bài đập lại luận điệu của đám “Thày thuốc không biên giới” đang sẵn sàng cho kế hoạch đi bộ vào Sisophon! Mà anh em bộ đội đi chiến đấu, bắt họ quay xe lại cả một đoạn đường dài là điều không nên. Chúng tôi xuống xe, tìm đường ngược trở ra quốc lộ.

Lại một tình thế nguy hiểm như lần xuống sân bay Xiêm Riệp. Vùng này quân Pôn Pốt ở lẫn với dân không thiếu. Lại chỉ mình Nguyễn Dĩnh có một khẩu K59. Chúng tôi lại đi thành hàng một cách xa nhau để bảo đảm an toàn. Giữa lúc căng thẳng và nguy hiểm cận kề ấy, tôi vẫn không sao nhịn được cười khi thấy anh Đỗ Quảng vẫn áo sơ mi trắng, quần tây, giày tây nguyên bộ từ Hà Nội vào chưa thay. Đi được một lúc, anh đau chân quá, rút giày ra vắt lên vai cho tiện! Vừa đi anh còn vừa kể chuyện tếu cho bớt căng thẳng. Rất may, sáng đó không có đám lính áo đen nào gặp chúng tôi, hoặc nếu có, chúng cũng không hiểu đây là đoàn cán bộ gì mà trông rất lạ!

Khi đến sở chỉ huy tiền duyên, mọi người cứ băn khoăn, không hiểu chúng tôi lạc đi đâu và định cử trinh sát đi tìm đoàn nhà báo. Sau đấy, mọi việc ổn thỏa. Bài tôi viết “Sisophon: Không ai chờ đợi các thày thuốc không biên giới” rất được quan tâm, vì thông qua lời của cán bộ và người dân ở vùng đất tiền tiêu này, vạch trần được sự giả nhân giả nghĩa của những người mượn danh sứ mệnh nhân đạo để làm chính trị, vu cáo công cuộc hồi sinh trên đất nước này và xuyên tạc việc Việt Nam giúp người dân ở đây thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Chuyến đi ấy, mấy anh em lặn lội lên tận cầu Poi Pét, một điểm mốc biên giới Campuchia – Thái Lan. Những bãi thép gai giăng kín hai bên cầu, bóng những người lính Thái Lan sau hàng rào kẽm gai đó. Xung quanh đấy là một bãi mìn dày đặc. Đêm đêm, nghe tiếng mìn nổ là biết lại có những sinh mạng ra đi. Những ngày đó, có cả những người Việt Nam vượt biên từ Sài Gòn tìm đường qua ngả này sang Thái Lan. Họ chỉ cần ngồi trên xe bò chừng một tiếng, là từ đây có thể qua biên giới. Nhưng nhiều người đã phải chui lủi, trốn tránh và bỏ xác trên những bãi mìn. Có những chuyện rất thương tâm: Có lần anh em Việt Nam cùng với các chiến sĩ Campuchia đi tuần, gặp cả một em bé Việt Nam bị trúng mìn nằm lại đã chết, bên cái xác còn vài chiếc kẹo lăn lóc. Chắc người nhà của em bé đã không thể mang theo con mình đã bị thương nặng, nên đành để em lại với mấy chiếc kẹo! Một câu chuyện buồn cứ đeo đẳng tôi về số phận những con người!

Các cán bộ kỹ thuật TTXVN tại đoàn S78 (Phom Penh, 1/1979).

Các cán bộ kỹ thuật TTXVN tại đoàn S78 (Phom Penh, 1/1979).

Sisophon, Phnôm Malai… nổi tiếng là vùng đất khắc nghiệt. Trên đường qua thị trấn Poi Pét, chúng tôi thấy một bức tượng con voi trắng đang quay lưng về phía núi. Hỏi ra thì được biết, Phnôm Malai khí hậu rất độc, voi cũng không ở được phải quay ra. Người dân làm bức tượng với ý nghĩa đó. Thế mà, những chiến sĩ tình nguyện của Sư đoàn 5 vẫn bám trụ ở đó hết tháng này sang tháng khác. Nhiều người đã hy sinh trong những khu rừng, nhiều người chết vì bệnh sốt rét. Chuyến ấy trở về Phnôm Pênh, tôi gầy như một que củi, ai trông cũng ái ngại, rồi tôi sốt một trận thập tử nhất sinh, nằm bẹp trên giường cả tuần lễ. May mà nhờ có sức trẻ nên cũng qua được.

Sau này nhớ về những năm tháng ấy, tôi có viết các bài thơ Câu hát để chia sẻ những suy tư của mình

CÂU HÁT

Đừng buồn mẹ ơi! Tết này con không được về... Người lính nghêu ngao câu hát buồn Một thời trận mạc vấn vương

Trên đất Cam Pu Chia mùa khô ấy Chân bước đi giữa những bãi mìn Không khí thở cũng gây mùi xác chết Nỗi chập chờn đạn bắn phía sau lưng

Tết vẫn đến chẳng thể nào khác được Chẳng hương hoa thịt mỡ dưa hành AK buồn làm vài băng thay pháo Nước chẳng có dùng đừng nói chuyện bánh chưng

Cả tiểu đội chỉ còn một hộp thịt Mắm tôm khô cơm độn thiếu rau xanh Ly trà nhạt thêm bao thuốc cuộn Khói phất phơ bay mơ một sớm yên lành

Chỉ nỗi nhớ là cồn cào quay quắt Khát một cái nhìn tin cậy thương yêu Thèm hơi ấm bình yên rơm rạ Khi thời gian bay se sẽ trên đầu...

Bạn bè xưa giờ tản mát nơi đâu Mấy chục năm kẻ còn người mất Những ám ảnh bám sâu trong ký ức Câu hát năm xưa Tết ấy lại vọng về!

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.