Những lựa chọn ít ỏi của Tổng thống Mỹ sau khi Iran tấn công Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi Iran phóng một loạt tên lửa đạn đạo lớn vào Israel ngày 1/10, hy vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc kết thúc chiến tranh ở Gaza trước khi rời nhiệm sở và ngăn chặn một cuộc chiến khu vực ở Trung Đông dường như mờ nhạt hơn bao giờ hết.

Theo tờ Time, Iran tấn công Israel sau khi Israel mở rộng cuộc chiến nhằm vào các lực lượng thân Iran trong khu vực. Cụ thể là Israel đã tấn công phá hủy trụ sở của Hezbollah ở Liban khiến thủ lĩnh phong trào này thiệt mạng. Ngoài ra, Israel cũng tấn công lực lượng Houthi ở Yemen.

Giờ đây, Tổng thống Biden đang bị mắc kẹt giữa lời hứa kết thúc chiến tranh ở Gaza và tiếp tục bảo vệ Israel trong một cuộc xung đột leo thang trên một mặt trận khác.

Tổng thống Biden đã dành phần lớn thời gian ngày 1/10 trong Phòng Tình Huống, khi tình báo Mỹ nhận được thông tin rằng Iran đang chuẩn bị phóng tên lửa tấn công Israel để trả đũa cho cái chết của Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah.

Tổng thống Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ hỗ trợ Israel tự vệ. Khi người dân Israel vội vã vào các hầm trú ẩn, lực lượng Israel và Mỹ đã đánh chặn thành công phần lớn loạt tên lửa gần 200 quả. Ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng chiều 1/10: “Cuộc tấn công dường như đã bị đánh bại và không hiệu quả. Chắc chắn rằng Mỹ hoàn toàn, hoàn toàn ủng hộ Israel”.

Video Tổng thống Biden bình luận về vụ Iran tấn công Israel (Nguồn: Reuters):

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mô tả cuộc tấn công là một hành động leo thang đáng kể của Iran.

Theo kênh NBC News, vụ tấn công cho thấy nỗ lực kéo dài hàng tháng của chính quyền Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Iran đang gặp khó khăn nghiêm trọng nhất.

Chính quyền Mỹ đã làm việc suốt cả năm qua để tránh cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran. Nhưng bây giờ, các quan chức chính quyền nước này đang đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất, khi cuộc tấn công mới nhất của Iran chắc chắn sẽ kích hoạt động thái trả đũa từ quân đội Israel. Chuỗi phản ứng này có thể kéo theo sự tham gia của Mỹ, vì họ hỗ trợ Israel tự vệ, cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Lần gần nhất Iran bắn tên lửa và thiết bị bay không người lái vào Israel là sáu tháng trước, trong cuộc tấn công trả đũa sau khi Israel ném bom một khu phức hợp ngoại giao ở Syria. Trong lần này, chỉ một số ít trong số 300 tên lửa bắn trúng Israel và Mỹ đã thuyết phục được Israel kiềm chế trả đũa mạnh mẽ. Lần này, bất kể cuộc tấn công của Iran có hiệu quả hay không, Israel chắc chắn sẽ muốn phản công.

Một một cựu quan chức Israel nhận định: “Khó có khả năng Israel sẽ chỉ phản ứng ở mức độ nhỏ như sự kiện ngày 13/4”.

Tuần trước, khi Mỹ không thành công trong đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban, Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo rằng nguy cơ leo thang trong khu vực là rất cao và rằng con đường ngoại giao là con đường duy nhất phía trước.

Ông Blinken nói rằng câu trả lời tốt nhất là ngoại giao và rằng nỗ lực phối hợp quốc tế là điều cần thiết để tránh một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, kể từ đó, Israel đã tận dụng lợi thế ở Liban, xóa sổ hầu hết lãnh đạo của Hezbollah, tấn công vào các kho vũ khí và đưa quân đội vào để đẩy lùi các vị trí của tay súng đe dọa miền Bắc Israel.

Chính quyền Mỹ đã phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza cùng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ở Liban giờ đây trông không thực tế, nếu không muốn nói là không thể, khi các sự kiện đã vượt qua các tính toán trước đây.

Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Liban ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Liban ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trên 40.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza và ít nhất 97 con tin Israel vẫn còn ở Gaza.

Theo hai cựu quan chức Mỹ, khi Israel tấn công bằng đường không và trên bộ vào Hezbollah, chính quyền Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng và đang tập trung vào một mục tiêu: tránh một cuộc chiến với Iran.

Ngoài con đường ngoại giao, Tổng thống Biden đã tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực để ngăn chặn Iran và bảo vệ Israel. Lực lượng Mỹ bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo.

Lầu Năm Góc cho biết họ đang điều thêm vài nghìn binh sĩ để tăng cường cho khoảng 40.000 lực lượng Mỹ đã có mặt trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Israel vào sáng 1/10 để thảo luận về việc Iran chuẩn bị tấn công Israel.

Vẫn chưa rõ liệu các đồng minh Arab của Mỹ trong khu vực có giúp bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công trên không hay cho phép máy bay bay qua lãnh thổ của họ để máy bay Mỹ bắn hạ các tên lửa hay không. Các chính phủ Arab này cũng phải đối phó với dư luận trong nước, vốn phản đối mạnh mẽ trợ giúp Israel.

Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ và một quan chức cao cấp của Jordan, Jordan đã cho phép lực lượng Mỹ bay trong không phận của mình và bắn hạ các tên lửa Iran ngày 1/10.

Trong khi đó, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã đăng bài viết trên mạng xã hội X, khẳng định cuộc không kích vào lãnh thổ Isael là phản ứng hợp pháp, hợp lý và chính đáng đối với các hành động khủng bố và tuyên bố sẵn sàng đối phó bất kỳ phản ứng nào của Israel.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X vào sáng sớm ngày 2/10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi khẳng định, Iran đã thực hiện quyền tự vệ chống Israel và hành động của họ sẽ kết thúc trừ khi Israel quyết định khiêu khích trả đũa thêm.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thậm chí còn cảnh báo “nghiền nát Israel” nếu Tel Aviv tiến hành đáp trả đợt công kích.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Oman là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên đánh thuế thu nhập cá nhân từ năm 2028

Oman là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên đánh thuế thu nhập cá nhân từ năm 2028

(GLO)-Các quốc gia vùng Vịnh từ lâu nổi tiếng với chính sách trợ cấp cho người dân từ nguồn thu dầu khí và thu hút lao động nước ngoài, bằng cách không đánh thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Oman sẽ là quốc gia Arab đầu tiên thay đổi sau khi chính sách thuế mới có hiệu lực từ năm 2028.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc cáo buộc lệnh bắt giữ ông vi phạm nghiêm trọng về pháp lý

Cựu Tổng thống Hàn Quốc cáo buộc lệnh bắt giữ ông vi phạm nghiêm trọng về pháp lý

(GLO)- Ngày 25-6, nhóm luật sư đại diện cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nộp văn bản lên Tòa án Quận Trung tâm Seoul phản đối lại lệnh bắt giữ do công tố viên đặc biệt đệ trình, đồng thời cáo buộc lệnh này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tố tụng và quyền được bào chữa của ông.

Liên quan gì giữa xung đột Nga- Ukraine và Israel- Iran?

Liên quan gì giữa xung đột Nga- Ukraine và Israel- Iran?

(GLO)- Xung đột Nga- Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cả 2 sắp bước vào cuộc đàm phán thứ 3. Israel và Iran sau 12 ngày nã đạn vào nhau, bên cạnh quyết định tấn công của Mỹ vào Tehran cũng đã tạm ngừng. Liệu có mối liên hệ gì giữa cuộc chiến ở châu Âu và cuộc chiến ở Trung Đông?

LHQ ở đâu trong cuộc xung đột Israel- Iran?

LHQ ở đâu trong cuộc xung đột Israel- Iran?

(GLO)- Sau khi Mỹ quyết định tấn công 3 cơ sở hạt nhân, Tehran đã phóng một loạt tên lửa và UAV vào Israel. Ten Aviv sau đó đáp trả bằng việc không kích vào thủ đô Tehran và một số khu vực. Căng thẳng chưa hết gia tăng trong khi vai trò của LHQ có phần mờ nhạt.

Tổng thống Mỹ tuyên bố các cơ sở hạt nhân của Iran bị phá hủy hoàn toàn

Tổng thống Mỹ tuyên bố các cơ sở hạt nhân của Iran bị phá hủy hoàn toàn

(GLO)- Sáng 22-6 (giờ Hà Nội), trong bài phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran là “một chiến thắng quân sự ngoạn mục”; đồng thời, những cơ sở này đã bị “phá hủy hoàn toàn và triệt để”.

Mỹ tấn công Iran, Trung Đông nóng rẫy

Mỹ tấn công Iran, Trung Đông nóng rẫy

(GLO)- Đêm 21/6 ( sáng 22/6 theo giờ Việt Nam), Mỹ đã tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Tổng thống Trump nói mục tiêu đã bị tiêu hủy, trong khi Iran chưa lên tiếng phản hồi. Nguy cơ xung đột lan rộng và rò rỉ hạt nhân là mối lo không chỉ với Tehran.

null