Những dòng sông tự kể-Kỳ 3: Kỳ vỹ dòng sông chảy ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dòng sông Sêrêpôk được hợp lại từ hai dòng Krông nô và Krông Ana hòa dòng nước đất đỏ của cao nguyên cuồn cuộn nuôi sống bao thế hệ người dân bản xứ và mang theo trong mình bao điều kỳ thú của thiên nhiên.
Bảo vệ dòng sông từ luật tục
Ngược dòng Sêrêpôk, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện của người dân bản xứ gắn với dòng sông bao đời qua. Dưới dòng chảy mờ đục của Sêrêpôk, mang trong mình một báu vật sống về loài cá quý hiếm, to lớn đen trùi trũi như chiếc thuyền độc mộc của người dân tộc nơi đây, cá lăng khổng lồ.
Bên dòng sông Sêrêpôk, già Ama Đer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) tĩnh lặng buông cần, già trải lòng về câu chuyện mưu sinh và bảo vệ môi trường. Trước đây, cá đầy sông, mùa lũ nước sông Sêrêpôk chảy mạnh, cá đổ về từng đàn, người dân buôn làng thỏa sức bắt. Ngày nay nguồn cá ít dần, thả lưới chỉ đủ ăn.

Lễ hội hoa đăng thả bè trên dòng Sêrêpôk
Lễ hội hoa đăng thả bè trên dòng Sêrêpôk
Thuở ông còn trai trẻ ông là dũng sĩ săn voi có tiếng, chuyện băng sông gặp cá lăng khủng là thường. Đầu mùa mưa (từ tháng 5) là thời điểm cá lăng xuất hiện nhiều trên sông Sêrêpôk, đây là thời điểm cá bắt đầu vào mùa sinh đẻ. Người dân tộc bản địa hạn chế đánh bắt cá vào mùa này, họ có luật tục để bảo vệ nguồn nước và muôn loài, luật tục ấy từ ngàn xưa được lưu truyền đến ngày nay, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
"Nhờ được bảo vệ bằng luật tục mà dân tộc bản địa chúng tôi, không đánh bắt theo phương cách hủy diệt. Khi thả lưới, gặp con cá đang mang bầu thì người dân sẽ trả cá mẹ về với dòng chảy để nó có cơ hội sinh sản. Bây giờ, dọc dài sông Sêrêpôk, có rất nhiều cần thủ chuyên nghiệp, chuyên săn các loại cá lớn tự nhiên bán cho các nhà hàng, thế nên nguồn cá dần cạn kiệt”, già chua xót nói.
Còn bến Tha Luống là nơi người dân Buôn Đôn tổ chức lễ cúng sức khỏe, tắm cho voi. Xưa kia ở bến này, rừng ngút ngàn, nước cuồn cuộn chảy, voi đua nhau tắm. Bến Tha Luống có nghĩa là bến vua. Khi xưa mỗi lần đi săn tại Buôn Đôn, vua Bảo Đại thường đến bến ngồi thư giãn, câu cá và tắm cho voi. Từ đó, vào các mùa lễ hội lớn nhỏ, người dân tổ chức tại nơi này. Bây giờ, mỗi mùa nắng hạn những dòng sông lớn, nhỏ cạn nước phơi lộ từng tảng đá đồ sộ, những cành cây thưa thớt khắc khoải trong mỗi cơn gió.
“Với người dân tộc bản địa, bến nước có thần trông coi nên phải cúng tạ ơn thần giữ bến và làm lễ cúng sức khỏe cho voi. Hằng năm, người dân sẽ làm lễ cúng bến nước bên dòng Sêrêpôk”, già Ama Đer cho biết.
Giao thoa văn hóa
Xưa kia, vào những ngày đầu năm, nhiều người dân từ đất nước Lào rong ruổi qua vùng đất Buôn Đôn giao thương hàng hóa, tiếng chiêng và điệu múa của những cô gái ở Buôn Đôn khiến họ mê mẩn nên quyết tâm ở lại lập nghiệp trên quê mới. Bây giờ, ở vùng đất Buôn Đôn, chuyện người Êđê lấy người Lào, người Lào lấy người M’Nông chẳng phải là chuyện hiếm hoi.
Cũng bởi quyện hòa nên giờ đây nhìn qua khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào đâu là người Êđê. Các thế hệ sau như sợi dây kết nối, tiếp nhận, gìn giữ những giá trị đặc sắc nên nghĩa tình ngày càng bền chặt hơn. Hiện nay người Lào ở Buôn Đôn có trên 70 hộ, gần 300 người chủ yếu ở buôn Trí, buôn Yang Lành, buôn Hwa.

Tết cổ truyền của người Lào tại huyện Buôn Đôn
Tết cổ truyền của người Lào tại huyện Buôn Đôn
Chàng trai Êđê Y Nô Ly, Phó Bí thư Đoàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) là người say mê, yêu văn hóa, âm nhạc Lào. Anh thành lập một câu lạc bộ dân tộc Lào để dạy nhạc cho các em thanh, thiếu niên người Lào, Êđê, M’nông. Năm nay anh còn mở lớp dạy chữ Lào cho các em trên địa bàn xã.
Y Nô Ly chia sẻ, hàng năm, vào tháng 4 dương lịch tại xã Krông Na diễn ra lễ hội Bunpimay là tết cổ truyền của người Lào với các hoạt động: Lễ hội hoa đăng - thả bè - lễ cầu may, lễ tắm Phật, đắp tháp cát, giao lưu văn nghệ, ẩm thực văn hóa Lào. Ở buôn Trí còn giữ được ngôi nhà bằng gỗ trên 100 tuổi, kiến trúc theo nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, kết hợp với văn hóa của người Êđê, M’nông.
Hiện nay dấu tích còn lại ở buôn Yang Lành (xã Krông Na) là cây Bồ đề trên 100 tuổi (được tổ chức kỷ lục châu Á, hội kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận là cây trồng lâu năm nhất trên vùng đất Tây Nguyên. Năm 2015 Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản và tín ngưỡng Phật giáo của các gia đình người Lào ở buôn Trí, buôn Hwa, buôn Yang Lành.
Thiên nhiên kì thú
Trên dòng sông Sêrêpôk có hàng loạt thác như Gia Long, Dray Nur, Dray Sap, Trinh Nữ cùng rất nhiều dòng thác nhỏ được hình thành nối tiếp nhau tạo nét khác biệt độc đáo so với những điểm du lịch khác của Tây Nguyên.
Theo ông Y Si Thắt, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, vùng đất Buôn Đôn, nơi dòng sông Sêrêpôk chảy qua có bề dày về văn hóa và lịch sử, là nơi giao thoa của văn hóa các tộc người. Điểm khác biệt so với nơi khác là truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, cùng với nét văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc sinh sống trên mảnh đất này, là điểm nhấn để phát triển du lịch. Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch và hướng để phát triển du lịch một cách bền vững

Nằm giữa không gian thiên nhiên xanh rì rộng lớn, con thác quanh năm nước đổ trắng xóa ấn tượng như màu khói, ngay dưới chân là những mỏm đá với những hình thù kì lạ. Cái tên Dray Sap ra đời bởi trong tiếng Êđê, từ này có nghĩa là khói.

Vùng quanh chân thác “khói” nước luôn bao phủ cả trăm mét. Tôi từng được nghe các bậc cao niên ở các buôn làng kể nhiều câu chuyện quanh dòng thác này. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa có một thiếu nữ Êđê xinh đẹp tên H Mi, nhiều chàng trai khắp các buôn làng tìm đến cầu hôn nhưng nàng đều cự tuyệt vì nàng đã đem lòng yêu một chàng trai khác.
Một hôm, nàng cùng người yêu ra bìa rừng ngồi nghỉ gần một tảng đá lớn. Một con quái vật xuất hiện lao xuống sông ngậm nước và phun ra thành cột nước cao hướng về đôi tình nhân. Chàng trai bị nước hắt ra xa và ngất, còn cô gái bị quái vật bắt đi. Tỉnh dậy, không thấy người yêu đâu, chàng đau khổ khóc mấy ngày liền sau đó hóa thành một cây to bên bờ đá cạnh thác. Nơi quái vật lao xuống nước trở thành thác Khói ngày nay.
Những người dân sống trong vùng, vẫn truyền miệng nhau rằng thỉnh thoảng họ nhìn thấy phía bầu trời đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái sà xuống ôm lấy những tán cây cạnh thác. Và mỗi lần đám mây kỳ lạ ấy xuất hiện thì ở vùng đó lại có mưa to gió lớn.
Những thác nước trên dòng sông chảy ngược này là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, luôn được khách yêu thiên nhiên trong và ngoài nước tìm đến. Nhiều năm qua, việc phát triển du lịch dọc theo hệ sinh thái của sông đang đối mặt với nhiều thách thức do việc khai thác quá mức trên dòng sông.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Thảo (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.