Nhọc nhằn nghề hướng dẫn du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Bản thân tôi là một người rất yêu thích du lịch trải nghiệm nên mới trở thành một hướng dẫn viên du lịch (tour guide). Nếu không có sự đam mê và sức khỏe tốt thì khó làm nổi công việc này”-hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thanh Trung (32 tuổi) chia sẻ.

Vậy nhưng, với họ, sức hấp dẫn của sự trải nghiệm sau mỗi chuyến đi, sự thuần khiết của thiên nhiên đã tiếp thêm năng lượng, cảm hứng để tiếp tục những hành trình.

 

Tour guide Nguyễn Thanh Trung (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến dẫn khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: H.N
Tour guide Nguyễn Thanh Trung (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến dẫn khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: H.N

“Một trong tất cả”

Đoàn người im lặng và tập trung hết sức để không bước hụt ra khỏi “vùng an toàn” mà tour guide đã chỉ dẫn. Người trước theo dấu người sau thận trọng vượt qua bãi sình lầy ngay dưới tán rừng già. Chỉ cần một bước chân “trật đường ray”, bùn sẽ “nuốt chửng” đến tận bắp đùi khổ chủ. Sau khi vượt bãi sình an toàn, tour guide lập tức lùi lại phía sau để kiểm tra quân số và tiếp tục hướng dẫn các thành viên vượt qua các cung đường khó giữa rừng già một cách an toàn. Đường vào thác 50 nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) hấp dẫn hơn nhờ những thử thách trên đường như vậy. Người hướng dẫn đoàn trekking (đi bộ khám phá, mạo hiểm) ấy chính là tour guide Nguyễn Thanh Trung, người được giới mê du lịch trải nghiệm đặt biệt danh “Cọp” bởi anh đi rừng, ở rừng còn nhiều hơn ở nhà.

Sau khi đến được thác nước, chọn điểm cắm trại, trong khi các thành viên mải mê, xuýt xoa với thiên nhiên diễm lệ trước mắt thì người hướng dẫn lại lặng lẽ nhóm bếp chuẩn bị bữa ăn chiều. Bữa ăn không được quá đạm bạc để đảm bảo sức khỏe cho cả đoàn trong tổng hành trình 41 km đi bộ vào và ra khỏi rừng. Bữa ăn có thịt heo luộc, cơm nắm, cá suối vừa bắt được nướng trên than hồng. Và tất nhiên không thể thiếu chai rượu đế để làm ấm cơ thể giữa cái giá lạnh của rừng già hay những câu chuyện vui cho chuyến đi thêm phần rôm rả.

Đây đã là chuyến thứ 3 vào thác 50 kể từ đầu năm đến nay do Nguyễn Thanh Trung thực hiện. Chưa kể, anh còn có 2 chuyến dẫn khách chinh phục “nóc nhà phía Tây”-đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Pah) với độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Đến nay, tại Gia Lai, anh là người đầu tiên và duy nhất tổ chức các tour kiểu này. Công việc của Trung nhìn qua thì khá thú vị nhưng vô cùng vất vả. “Điều quan trọng là mình phải điều phối được khách, khi nào thì phải đi trước, khi nào phải lùi lại phía sau, không để khách đi quá nhanh hoặc bị lạc giữa rừng núi hiểm trở. Trên đường đi, có khi tôi còn phải vác ba lô nặng 30-40 kg cho khách, lại phải là người truyền cảm hứng, tạo không khí vui vẻ để các thành viên quên đi mệt nhọc”-Trung chia sẻ.

“Chuyên trị” những cung du lịch theo hình thức trekking, hiking (đi bộ đường dài theo lối mòn có sẵn), camping (cắm trại) mà điểm đến thường là địa hình rừng núi hiểm trở, công việc của một tour guide như Trung luôn là “một trong tất cả”: vừa là hướng dẫn viên, vừa lo mọi thứ hậu cần, đôi khi còn trở thành một nhà thực vật học bất đắc dĩ bởi có những khách hàng “đụng gì cũng hỏi”, hỏi rất kỹ, rất tỉ mỉ tất cả cây cỏ bắt gặp trên đường. Làm tour guide cho loại hình du lịch đặc trưng này, Trung luôn phải học hỏi, tìm hiểu rất nhiều loài động-thực vật thường gặp trong rừng để trả lời nếu khách hỏi đến. Trung kể, 2 lần dẫn khách chinh phục đỉnh Chư Nâm đều rất đáng nhớ. Chuyến đầu tiên đoàn có 15 người, trong đó có 2 trẻ em; còn chuyến thứ 2 thì đặc biệt hơn khi chỉ có duy nhất một khách hàng là một phụ nữ trẻ. Hai người cắm trại ngủ đêm trên đỉnh núi cao và theo lời Trung nói, khi đó tour guide cần có tính chuyên nghiệp lẫn sự nghiêm túc.

Thấy gì trên quê hương mình?

Vốn là một tour guide trên các cung trekking, hiking nổi tiếng ở Tây Nguyên và Việt Nam, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, Nguyễn Thanh Trung quyết định “hồi hương” bằng những tour lên rừng, xuống núi ở Gia Lai-nơi anh sinh ra và lớn lên. “Trước đây, tôi không mấy chú ý đến những thắng cảnh trên chính quê hương mình. Nhưng sau 1-2 lần trải nghiệm, tôi nhận ra Gia Lai đầy tiềm năng cho loại hình du lịch đang và sẽ trở thành xu hướng của tương lai. Đặc biệt, sau khi dẫn các đoàn khách vào rừng ngắm thác, lên núi ngắm bình nguyên mênh mông rộng lớn, tôi thấy họ rất hài lòng.

Mỗi người đều có những trải nghiệm của riêng mình, nhưng sau mỗi chuyến đi, cảm giác chung là họ chiến thắng được bản thân sau một hành trình không mấy dễ chịu, và đó mới là điều quan trọng. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục dẫn khách đến với các điểm ở Gia Lai, không chỉ thác 50, đỉnh Chư Nâm mà sắp tới mở rộng một số tour như Cư Yú-bãi đá đen (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa); ngắm thác Ngo và ruộng bậc thang ở Chư Sê; trải nghiệm chạy xe máy qua Thủy điện Sê San 3 (huyện Chư Pah), Sê San 4 (huyện Ia Grai) ngắm núi, sông, buôn làng… Đồng thời, với các tour này, tôi sẽ giúp khách trải nghiệm ẩm thực địa phương với rất nhiều món ăn thức uống độc đáo, riêng có của người bản địa”.

Theo đánh giá của Trung, Gia Lai sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch trải nghiệm này nếu có người chịu làm tour và quảng bá đúng cách. “Bạn biết không, các ngọn núi ở Gia Lai lúc nào cũng đẹp: đẹp vào mùa cỏ xanh (khi mưa xuống), đẹp vào mùa cỏ úa (cuối mùa khô), thậm chí là đẹp cả vào mùa cỏ cháy khi chuẩn bị cho mùa trồng trọt. Vòng tuần hoàn tự nhiên ấy đã tạo cho cảnh sắc Gia Lai một vẻ đẹp miên man. Tôi rất muốn giới thiệu để bạn bè, khách du lịch biết rằng quê hương mình đẹp thế nào”-Trung tâm sự.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.