Nhớ món thịt thưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi nhỏ, bữa cơm Tết gia đình thường có nhiều món ăn ngon nhưng tôi thích nhất món thịt heo thưng. Thịt heo nạc đem thưng đương nhiên ngon; nhưng kỳ lạ, thịt mỡ thưng lên rồi ăn cũng rất ngon. Gia vị thấm vào khiến thịt không còn vị béo gây ngán. Vậy nên, thịt thưng ăn hao. Cũng do vậy ngày thường mẹ tôi không dám làm, chỉ có dịp Tết.

Mê món thịt thưng nên những ngày cuối năm, chị em chúng tôi hay ngóng chừng. Thấy mẹ đi chợ bê về rổ thịt heo to, chuẩn bị dao thớt, gia vị, chảo rim là mừng sao mà mừng. Thấy tôi cứ luẩn quẩn theo bên xin “phụ việc”, mẹ vừa làm vừa hướng dẫn: Món thịt heo thưng ngon phải làm từ thịt đùi, thịt ba chỉ lóc xương. Thịt rửa sạch đem cắt miếng lớn; sau đó ướp gia vị tỏi băm, đường, tiêu, ngũ vị hương, thêm mấy muỗng xì dầu, ướp chừng 2 tiếng. Sau đó, bắc chảo dầu lên bếp, phi tỏi thơm rồi bỏ thịt vào chiên cho vàng đẹp bề mặt. Kế tiếp, chế nước dừa xiêm ngập thịt, đun cho tới khi nước dừa cạn còn 1/3. Nêm nếm lại cho vừa rồi đun tiếp tới khi rặt nước là xong… Vừa nói, mẹ vừa minh họa từng công đoạn bằng hành động cụ thể cho coi. Tôi nghe, đôi lúc chuyện nọ xọ chuyện kia nhưng vẫn cứ dạ, gật vẻ rất chăm chú say mê. Chị Hai trêu: Mẹ nói xong hỏi lại mà nó nhớ là con… đi đầu xuống đất á! Mẹ tôi cười: Ai lúc đầu chẳng vậy. Nó ham thích, siêng nghe rồi sẽ nhớ.

Thịt thưng xong ngả màu đỏ nâu, thơm phức. Cái hay nhất là lớp thịt mỡ không còn sắc trắng đùng đục như lúc còn tươi mà đã ngả sang màu vàng trong nhìn rất… muốn ăn. Chờ thịt nguội, mẹ đem cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp để dành Tết. Phần tôi được “thưởng công” cho cái chảo rim còn dính mỡ và ít nước rim lẫn thịt vụn. Và, bữa chiều hôm ấy với tôi đương nhiên thành “đại tiệc” nhờ món cơm trộn chảo.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Vậy nhưng, muốn nếm hương vị chính thức của món thịt thưng thì phải ráng chờ tới Tết. Cúng tất niên, cúng đầu năm, mẹ chỉ xắt một dĩa nhỏ bày lên cúng. Thịt thưng đích thực “lên mâm” là trong những bữa cơm Tết. Không cần chế biến gì nhiều, chỉ gắp miếng thịt bỏ chảo, đảo sơ trên bếp cho nóng rồi đem xắt mỏng bày lên dĩa là xong. Thịt thưng cuốn bánh tráng kèm rau sống, dưa leo và chuối chát non đem chấm mắm ớt là món ăn trên cả tuyệt vời của một thời ấu thơ tôi. Hết bánh tráng, thịt đem ăn kèm cơm nóng vẫn cứ ngon. Vậy nên, mấy ngày Tết chơi đâu chơi, hễ đói bụng chạy về nhà là tôi lại lục tìm bánh, tìm cơm cùng với… hũ thịt thưng.

Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.