Nhớ món cá cơm khô của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biển miền Trung mỗi năm 2 mùa cá cơm. Cá cơm chủ yếu đem làm mắm, nhưng ăn tươi cũng ngon, ăn khô cũng không tệ. Quãng giữa năm rộ mùa, cá cơm giá rẻ mà trời lại được nắng, mẹ tôi hay mua nhiều về rải phơi; xong cho vào bịch ni lông cất kỹ, dự trữ trong nhà món cá cơm khô.
Vào mùa, mẹ bận đi làm không thể lo chợ búa, bịch cá cơm khô thành nguồn thực phẩm chính cung cấp chất đạm cho cả nhà. Cá cơm khô dễ nấu, phổ biến là kho, rang nhưng mùa hè ăn khô khó nuốt nên cũng có thể dùng cá nấu canh. Canh rau muống, canh tập tàng, canh chua… đều nấu được với cá cơm khô. Đem ngâm với nước ấm cho cá mềm ra. Ngắt bỏ đầu cá, dội lại bằng nước sạch vài ba lần cho hết mùi tanh. Trút cá lên rổ để ráo nước, xong đem nấu bình thường giống như với cá tươi. Trong các món canh nấu bằng cá cơm khô, tôi thích nhất món canh chua. Không ngọt bằng nấu với cá tươi nhưng canh có vị là lạ khá hấp dẫn.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Bước sang mùa mưa lạnh, bịch cá cơm khô mẹ dự trữ trong nhà bỗng nhiên biến thành… “đặc sản”! Ấy là khi những món sở trường chế biến từ cá cơm khô được mẹ bày lên mâm cơm mỗi bữa: cá kho rim mắm tỏi, kho keo với tiêu, kho cùng thịt mỡ hoặc đem rang giòn…; món nào cũng tuyệt diệu, “chết cơm” trong tiết trời se lạnh. Tôi hảo ngọt nên thích nhất món cá kho rim mắm tỏi cho nhiều đường. Anh Ba ưa cá cơm kho thịt mỡ. Thằng Út lại khoái món cá cơm rang giòn. Mẹ chiều các con, bữa làm món này bữa thay món khác. Luân phiên vậy qua vài đợt mưa dài ngày bịch cá cơm vơi nhanh thấy rõ. Mẹ tính toán giỏi, biết lo xa nên chưa năm nào nguồn cá cơm khô dự trữ qua mùa mưa bị đứt. Năm nào cũng vậy, cứ dứt mưa là bịch cá khô cũng vừa vặn cạn đáy. Ba khen: bà tính sao hay dữ? Mẹ cười: hay gì đâu...
Sẵn cá trong nhà, thi thoảng mẹ còn làm món gỏi cá cơm khô. Ấy là những khi ba có khách cần mồi nhậu hoặc lâu lâu mẹ muốn đổi món cho con. Gỏi cá cơm trộn đậu phộng, xoài băm, rau thơm cùng nước mắm ớt chanh đường ăn kèm với bánh tráng nướng rất tuyệt. Khách tới nhà, ai cũng gật gù khen món gỏi của mẹ. Anh em chúng tôi thì khỏi nói, ăn nhiều tới mức… nhịn cơm luôn. Tuy vậy, thường mẹ không làm nhiều, sợ con tham ăn đau bụng. Thêm nữa, trộn gỏi hao cá lắm, còn phải để dành ăn cho tới lúc dứt mưa, qua mùa biển động. Thì cũng bởi, không căn cơ đâu phải là mẹ tôi.
Những ngày tháng 8 này, ngồi nhìn mưa, lòng tôi lại diết da nhớ mẹ!
Y NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.