Nhiều hệ lụy từ hút thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ làm gia tăng gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội, thuốc lá còn là mối nguy hại hàng đầu đối với sức khỏe. Tại Gia Lai, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến. Các bệnh liên quan đến thuốc lá theo đó cũng ngày một gia tăng.
Tự đầu độc cơ thể bằng thuốc lá
Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) tiếp nhận cả chục trường hợp đến cấp cứu. Khoảng 70% bệnh nhân trong số này có tiền sử hút thuốc lá. Đáng nói là các bệnh nhân đều hiểu rõ tác hại thuốc lá đến sức khỏe; biết thuốc lá là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh lao và bệnh phổi cũng như các bệnh tật khác. Nhưng vì thói quen hoặc do nghiện nên họ không từ bỏ được thuốc lá.
Nằm điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh gần cả tuần nay do bị viêm phổi, ông Phạm Tấn Tâm (57 tuổi, thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) bộc bạch: “Tôi hút thuốc từ năm 16 tuổi. Mỗi ngày tôi hút cả gói dù vẫn biết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Vài năm trước, tôi phát hiện mình bị bệnh lao, sau đó điều trị khỏi thì lại bị viêm phổi. Thuốc lá là nguyên nhân làm cho bệnh tình của tôi thêm nghiêm trọng nên tôi buộc phải từ bỏ nó. Hiện tôi đã cai thuốc được gần 3 tháng”.
 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh). Ảnh: N.N
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh). Ảnh: N.N
Khi mới ngoài 20 tuổi, ông Trương Công Nhận (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) đã bắt đầu bập bẹ thuốc lá rồi nghiện lúc nào không hay. Đến nay, ông Nhận đã có thâm niên 38 năm hút thuốc lá. Mỗi ngày, ông hút cả gói, gia đình có khuyên nhủ thế nào cũng không bỏ. Năm 2018, ông Nhận phát hiện mình bị mắc bệnh lao, đã nhập viện điều trị. Nay bệnh tái phát, ông lại phải tiếp tục nhập viện. Tuy bị bệnh nhưng do thèm thuốc lá nên thỉnh thoảng ông vẫn lén hút dù bác sĩ cấm. “Nay tôi hút một ngày chỉ khoảng 3, 4 điếu thôi. Khi phát hiện bệnh, tôi cai thuốc lá nhưng không từ bỏ hẳn được”-ông Nhận nói.
Chăm sóc vợ đang nằm hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông Ngat (làng Mo mới, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah) cho biết: “Vợ mình trước có hút thuốc lá, sau đó bị bệnh lao nên bỏ thuốc. Riêng mình thì không bỏ được. Vào đây chăm vợ, bác sĩ cấm hút thuốc lá nhưng lúc thèm quá thì chạy ra ngoài hút. Mình cũng biết thuốc lá không tốt cho sức khỏe nhưng khó bỏ quá”.
Mối nguy hại hàng đầu cho  sức khỏe
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 927/UBND-KGVX về việc tăng cường thực thi Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5-2019), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5-2019). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền và thực thi các quy định của Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá. Cụ thể: tuyên truyền về các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng-chống tác hại thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc…

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Phước-Trưởng khoa Khám-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh), trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất; trong đó có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư (bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc). Một số thành phần độc hại trong khói thuốc gồm nicotine gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp và gây nghiện; monoxit carbon làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, gây xơ vữa động mạch, gây ra các bệnh về tim và đột quỵ; hắc ín chứa rất nhiều chất gây ung thư… Khi hút thuốc lá, các chất này đi vào cơ thể làm thay đổi cấu trúc tuyến nhầy; rối loạn vận chuyển các tuyến chất; tăng tính đáp ứng đường thở; tăng nhiễm vi rút, vi khuẩn; tăng lao phổi; các bệnh phổi mạn tính; tim mạch; ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gây nguy cơ sẩy thai, sinh non... Thuốc lá là nguyên nhân của xấp xỉ 90% số người chết vì ung thư phổi; gây ra nhiều ung thư khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột, trực tràng…
Theo bác sĩ Phước, những người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ bệnh tật như hút thuốc lá chủ động do hít phải khói thuốc độc hại cao hơn nhiều lần so với người trực tiếp hút. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, mỗi bệnh nhân vào viện điều trị đều được các bác sĩ tư vấn, giải thích tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không từ bỏ thói quen này. Bệnh viện có biển cấm hút thuốc lá trong khuôn viên, khi thấy bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hút thuốc, đội ngũ y-bác sĩ đều nghiêm túc nhắc nhở nhưng thực tế nhiều người không chấp hành. 
Người hút thuốc lá không mấy quan tâm đến ảnh hưởng về kinh tế nhưng trung bình một người tiêu tốn 20.000 đồng cho thuốc lá mỗi ngày thì 1 tháng sẽ mất 600.000 đồng và 1 năm là 7,2 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí để chăm sóc y tế cho chính bản thân người hút và người hút thuốc lá thụ động trong gia đình là rất lớn; một khi mắc phải các bệnh ung thư thì chi phí điều trị sẽ vô cùng tốn kém, chưa kể sức khỏe suy giảm làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, giảm hoặc mất thu nhập. Chính vì vậy, việc bỏ hút thuốc lá là điều cần làm ngay. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với bản thân mà còn với gia đình, cộng đồng và xã hội.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.