Nhật Bản giúp Việt Nam tăng khả năng cảnh báo sớm mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tích cực hợp tác hỗ trợ Tổng cục Khí tượng Thủy văn nâng cao năng lực công nghệ dự báo thời tiết, cảnh báo sớm mưa lũ.

Hội thảo "Sử dụng thông tin khí tượng thủy văn cho công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam" đã được tổ chức vào ngày 3-10 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan liên quan của cả Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Hasegawa Naoyuki, nguyên Tổng giám đốc Cơ quan khí tượng Nhật Bản, trình bày tại buổi Hội thảo. Ảnh: JICA
Ông Hasegawa Naoyuki, nguyên Tổng giám đốc Cơ quan khí tượng Nhật Bản, trình bày tại buổi Hội thảo. Ảnh: JICA

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Kỹ thuật "Tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện.

Tại hội thảo, ông Hasegawa Naoyuki, nguyên Tổng giám đốc Cơ quan khí tượng Nhật Bản, đã phát biểu về "Vai trò của các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia trong giảm thiểu rủi ro thiên tai". Bài phát biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển kỹ thuật cũng như cải thiện hiệu quả của hoạt động dự báo, cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng thông tin phục vụ phòng, chống thiên tai trong quá trình hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đại diện JICA khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục cùng với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tích cực hợp tác hỗ trợ Tổng cục Khí tượng Thủy văn nâng cao năng lực công nghệ dự báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành khí tượng thủy văn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu rủi ro thiên tai, và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Dự án được triển khai từ năm 2018 tới năm 2023, và đây là Hội thảo cuối cùng được tổ chức trong khuôn khổ Dự án.

Sau 5 năm triển khai, Dự án đã và đang góp phần chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản cho Việt Nam trong: Bảo trì và hiệu chỉnh thiết bị quan trắc khí tượng; phân tích dữ liệu và quản lý chất lượng radar thời tiết; giám sát và dự báo mưa lớn, bão lớn; và nâng cao chất lượng, nội dung và khả năng tiếp cận dự báo thời tiết.

Có thể bạn quan tâm