“Nhà” trên... mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Bạn có chưa một “ngôi nhà” của riêng mình trên mạng, có thể là Facebook, Zalo, Instagram hay TikTok, Twitter, Lotus hoặc cùng một lúc sở hữu nhiều... nhà?

1. Gọi là “nhà” vì nó cũng có chìa khóa, có hệ thống bảo mật, khi cần bạn bật luôn cả chế độ chống trèo tường, nghe lén hay trộm cắp… Bạn thiết lập an ninh tối ưu cho “ngôi nhà” của mình, đảm bảo an toàn cho mọi “tài sản” và sự riêng tư của nó. Bạn cũng là người chăm sóc, bài trí, sắp đặt, tổ chức “căn nhà” ấy. Sơn tường kẻ vẽ, trồng hoa lá, nuôi chim chóc, buôn bán kinh doanh, làm thơ viết nhạc hay chỉ đóng cửa cài then buông rèm lắng nghe sự yên tĩnh của tâm hồn giữa những ồn ào náo động của thế gian, là tùy ở bạn.

Xóm giềng, bè bạn và những người thân quen có thể quan sát động tĩnh từ “căn nhà” của bạn mà biết bạn buồn hay vui, đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai, thậm chí ăn gì uống gì, mấy giờ đi ngủ… Tất tật những gì liên quan đến bạn, kể cả các mối quan hệ thân sơ, họ là ai, ở đâu… đều có thể được nhận diện thông qua những tín hiệu được phát đi từ ngôi nhà của bạn.

Bởi vậy, người ta thường đánh giá chủ nhân qua diện mạo của ngôi nhà ấy. Người thông tuệ trầm tĩnh sâu sắc, kẻ ba hoa nông nổi hời hợt. Người mở cửa kết giao bốn phương, người lại lui về an trú trong bình yên tâm hồn. Người tất bật như doanh nhân chốn thương trường, kẻ an nhiên tự tại giữa thế giới xô bồ muôn lối… Một ngôi nhà ít nhiều nói lên đời sống tinh thần và cả vật chất của chủ nhân, dù không phải là tất cả.

Trong không gian của ngôi nhà ảo, bạn cũng trải nghiệm mọi cảm xúc buồn vui, sướng khổ, hy vọng, thất vọng, kể cả những giây phút chán chường mệt mỏi hay hân hoan hạnh phúc… Và, luôn có người động viên, chia sẻ, đồng cảm với bạn qua những nút like, share hoặc bày tỏ sự vui vẻ, hân hoan, buồn rầu, phẫn nộ cùng bạn qua những dòng bình luận công khai hay đôi dòng tin nhắn. Ngôi nhà vô hình ấy đang trở thành nơi “cư trú” của hàng tỷ người trên trái đất, mỗi ngày.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

2. Không thể phủ nhận những tiện ích mà “ngôi nhà” trên mạng đem lại cho chúng ta ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Ngoài tính chất giải trí thông thường, “nhà” trên mạng cũng là nơi để mỗi cá nhân bộc lộ tài năng, hiểu biết của mình và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp đến cộng đồng. Chẳng phải nhờ mạng xã hội mà chúng ta gặp gỡ, kết nối với người thân, bè bạn tứ phương đó sao? Chưa kể, đây cũng là nơi giúp chúng ta học hành, dạy dỗ, buôn bán, kinh doanh, quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch… với độ phủ sóng rộng khắp và tốc độ lan truyền kết nối tính bằng giây. Thật khó hình dung nổi, nếu bỗng một ngày, những “ngôi nhà” trên mạng xã hội biến mất, liệu chúng ta có trở lại cuộc sống bình thường như thuở trước?

Biết thế, nhưng “nhà” trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm bởi những kết nối mất an toàn. Mạng xã hội là một thế giới thu nhỏ với đủ thành phần, tính chất: chính nghĩa/gian tà, thật thà/gian dối, đẹp/xấu, đúng/sai, phải/trái… với mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Dù chúng ta đã thiết lập an ninh cho “ngôi nhà” của mình, vẫn có không ít trường hợp bị “cướp nhà”-hack nick, mạo danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho chủ nhân trong đời sống thực.

Chưa kể, “bão mạng” có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu ta có những phát ngôn hay hành vi bất cẩn. Làn sóng công kích của mạng xã hội một khi đã đổ bộ vào một cá nhân nào, không hẳn sẽ đánh sập ngôi nhà theo nghĩa đen mà đủ sức làm chủ nhân của nó thân bại danh liệt. Trong thực tế, chúng ta cũng từng chứng kiến không ít “số phận” người nổi tiếng bị tẩy chay, bị tấn công bởi cộng đồng mạng, phải khóa tài khoản hoặc đóng nick vĩnh viễn.

3. Bất chấp tính 2 mặt của vấn đề: tiện lợi và phiền hà, an toàn và rủi ro, lợi ích và tác hại, người dùng mạng xã hội vẫn xây cho mình ngôi nhà theo sở thích, theo nhu cầu của bản thân, để không tụt hậu so với thế giới. Tôi cũng là một trong số đó, dù “ngôi nhà” của tôi khá đơn sơ. Đây là nơi tôi mở cửa nhìn ra thế giới, nắm bắt những thông tin bổ ích, học hỏi những điều hay, chiêm nghiệm và đúc kết những bài học quý giá từ những chia sẻ trải nghiệm của người, của đời. Đây cũng là cuốn nhật ký cá nhân sống động của tôi với những ghi chép, đăng tải hàng ngày mà qua mỗi năm lại một dày hơn, phong phú hơn. Nó cũng nhắc tôi nhớ những kỷ niệm về ngày đã qua, những buồn vui của đời người.

Trong “ngôi nhà” ấy, tôi lưu giữ hành trình lớn khôn của các con, ngày chúng cất tiếng khóc chào đời, bước đi chập chững, những tiếng bập bẹ đầu tiên, các dịp sinh nhật hay ngày chúng tốt nghiệp một bậc học… Cũng trong “ngôi nhà” ấy, có hình ảnh và kỷ niệm thân thương về mẹ tôi. Ở tuổi thất thập, mẹ tôi mới bắt đầu dùng mạng xã hội nhưng đã học rất nhanh cách gõ tin nhắn, gọi video, đăng hình ảnh. Dẫu bây giờ mẹ đã đi xa nhưng những dòng tin, đoạn chat, ảnh của mẹ con, bà cháu vẫn còn đó, tươi ròng như mới hôm qua…

Vậy, “nhà” trên mạng có thay thế được ngôi nhà thực, ngôi nhà thân thuộc của mỗi chúng ta? Câu hỏi ấy thực chất là lời nhắc nhở, cảnh báo về tình trạng gần trong kết nối ảo mà lại xa trong kết nối thực ở nhiều người hiện nay. Hình ảnh cả gia đình hay nhóm bạn bè ngồi bên nhau nhưng mỗi người lại chăm chắm vào chiếc điện thoại trên tay là điều không hiếm gặp trong đời sống xã hội. Bởi sức hấp dẫn của kết nối ảo khiến người ta rất dễ bị “nghiện”.

Tuy nhiên, dù tiện ích và hiện đại đến đâu, ngôi nhà ảo cũng không thể thay thế cho ngôi nhà thật, kết nối ảo không thể thay thế cho kết nối thực. Và, sẽ tệ hại hơn nhiều nếu đánh mất/thay thế kết nối thực bằng kết nối ảo. Những nút thích, thả tim hay bình luận không thể thay thế cho tình cảm và sự quan tâm bằng hành động, lời nói thiết thực ngoài đời.

Thế nên, làm thế nào để có nhà trên mạng không phải là vấn đề, vấn đề là làm sao phát huy được giá trị hữu ích và những tính năng vượt trội của ngôi nhà trên mạng mà không làm đứt gãy, mờ nhạt hoặc mất đi ý nghĩa quý báu của ngôi nhà thực trong đời. Điều đó tùy thuộc vào nhận thức, hành động và cả bản lĩnh của mỗi chúng ta.

Có thể bạn quan tâm

Trao Nhà nhân ái cho hộ nghèo xã Chư A Thai

Trao Nhà nhân ái cho hộ nghèo xã Chư A Thai

(GLO)- Ngày 7-5, ông Nguyễn Hoàng Phong-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã trao số tiền 70 triệu đồng của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho gia đình chị Đinh Nenh (thôn Plei Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) sửa chữa nhà ở.
Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thương thân”, đã đóng góp ủng hộ quỹ Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.