Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong phiên họp vào hôm qua, ngày 23-11 tại Paris (Pháp), hai nhà thơ của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất.

Kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24-11 tại Paris (Pháp), các đại biểu thành viên của tổ chức này đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử, UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất trong niên khóa 2022 - 2023.

Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua.

Đây là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Nghệ An với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) tục gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc TPHCM). Khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, ông đã rời bỏ quê nhà Gia Định để về sống ở quê vợ Cần Giuộc (tỉnh Long An ngày nay), sau đó về Ba Tri (Bến Tre) sống cho tới khi qua đời. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học bất hủ như Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp…


 

 Tranh vẽ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh tư liệu
Tranh vẽ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh tư liệu


Ông là một tấm gương tiêu biểu vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời, thể hiện đúng tinh thần Hiến chương của UNESCO. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Trong cuốn sách Giai nhân di mặc của tác giả Nguyễn Hữu Tiến, viết Hồ Xuân Hương là con của cụ tú tài Hồ Phi Diễn (người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với người vợ thứ; được sinh ra tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây hiện nay).


 

Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua tranh vẽ của họa sĩ Lê Lam
Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua tranh vẽ của họa sĩ Lê Lam


Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền, từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Trước nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như: kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019).


 

Theo VIÊN THI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.