Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản: Công an vào cuộc điều tra mỏ cát vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khai thác khoáng sản không đúng khung giờ quy định, xe vận chuyển cát, sỏi ra khỏi mỏ không qua trạm cân, camera giám sát nhiều thời điểm không hoạt động... đó là hàng loạt vi phạm đang diễn ra tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông ở tỉnh Quảng Nam.

Có dấu hiệu tội phạm

Mới đây, Đoàn liên ngành của H.Đại Lộc (Quảng Nam) kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm về quản lý, khai thác khoáng sản cát, sỏi tại mỏ Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, H.Đại Lộc) của Công ty CP Trường Lợi được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép.

Cụ thể, doanh nghiệp (DN) này khai thác khoáng sản không đúng khung giờ theo quy định; chưa cung cấp đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu kỹ thuật để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; xe vận chuyển cát, sỏi ra khỏi mỏ không qua trạm cân và camera giám sát nhiều thời điểm không hoạt động…

Mỏ cát Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) của Công ty CP Trường Lợi. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Mỏ cát Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) của Công ty CP Trường Lợi. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Ông Võ Ngọc Tốt, Trưởng phòng TN-MT H.Đại Lộc, xác nhận với vi phạm trên, UBND H.Đại Lộc xử phạt hành chính đối với DN này với số tiền 80 triệu đồng về hành vi khai thác ngoài khung giờ quy định và không cập nhật kê khai, thống kê các số liệu khai thác cát. "Mới đây, chúng tôi họp với 12 DN khai thác khoáng sản trên địa bàn, quán triệt rất rõ trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện... Quan điểm là không bao che cho bất cứ một ai; ai sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó", ông Tốt khẳng định.

Một lãnh đạo UBND H.Đại Lộc cho hay liên quan đến những vi phạm tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông, huyện đã giao cho Phòng TN-MT kiểm tra, giám sát kỹ hoạt động khai thác của DN này. "Việc có tạm đình chỉ hoạt động đối với DN này hay không thì phải căn cứ, theo dõi xem họ có tiếp tục vi phạm nữa hay không. Công an tỉnh đang điều tra về các vi phạm tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông. Khi có kết luận từ công an, huyện sẽ dựa vào đó có hướng xử lý tiếp theo", vị này nói.

Xe tải lấy cát từ mỏ Ngọc Kinh Đông đưa đi bán. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Xe tải lấy cát từ mỏ Ngọc Kinh Đông đưa đi bán. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết với việc khai thác khoáng sản cát tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông, đơn vị đã xác minh, điều tra và bước đầu phát hiện có dấu hiệu tội phạm. "Đơn vị đang tập trung xử lý nhiều nội dung liên quan đến vấn đề khai thác cát, kết quả điều tra ban đầu xác định có dấu hiệu tội trốn thuế. Vụ việc đang trong quá trình điều tra. Thời gian tới nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án và xử lý theo quy định", thượng tá Xuyên thông tin.

Thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện công tác quản lý hoạt động hệ thống giám sát camera tại các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh rất bất cập. Hầu hết camera của đơn vị khai thác khoáng sản cung cấp không đồng bộ với đầu ghi nên không tương thích việc lưu trữ dữ liệu tự động về đầu ghi tại Cục Thuế tỉnh.

Ngoài ra, công tác theo dõi, quản lý dữ liệu video từ máy quay theo hình thức thủ công, nhận dạng phương tiện ra vào trạm cân, đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác bằng mắt thường, chưa có phương án nhận dạng, lưu trữ biển số xe tự động. Chưa kể, có trường hợp camera không kết nối với trạm cân, vị trí lắp đặt camera không phù hợp; có trường hợp hư hỏng không kiểm soát được.

Hàng loạt xe tải nối đuôi nhau vào mỏ Ngọc Kinh Đông lấy cát. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Hàng loạt xe tải nối đuôi nhau vào mỏ Ngọc Kinh Đông lấy cát. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Tiếp, trong trường hợp hình ảnh từ mỏ cát được truyền về Cục Thuế tỉnh đi nữa thì cũng không biết xe đó là xe gì, trọng lượng chở bao nhiêu, bởi hình ảnh rất mờ; lúc có, lúc không. Đáng nói, công chức nhà nước được nghỉ thứ bảy và chủ nhật, trong thời gian này sẽ không có người ngồi trên máy để theo dõi, giám sát. Chưa kể nếu DN khai thác vào ban đêm thì không thể quản lý ?!

Hiện tất cả các mỏ cát, bến bãi tập kết cát đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát nhưng thẻ nhớ các camera chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày. Nếu quá thời gian này hình ảnh sẽ lưu đè lên nhau, làm mất dữ liệu trước đó. Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ nên nếu những đối tượng gian dối có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng. "Đối với những vi phạm tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông, vừa rồi, Cục Thuế tỉnh đã mời đại diện DN này lên làm việc. Trong trường hợp DN này bị xử phạt hành chính thì dễ, nhưng hiện vì có dấu hiệu phạm tội nên công an tỉnh đang điều tra nên chưa thể xử lý được", ông Tiếp cho biết thêm.

Khai thác cát lòng sông không phép

UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ra quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Tấn Lợi Minh (địa chỉ trụ sở chính tại TT.Tân Bình, H.Hiệp Đức, Quảng Nam) với số tiền 445 triệu đồng. Lý do, DN này đã khai thác cát, sỏi lòng sông vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác. Ngoài ra, khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện là 200 m³ cát.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Tiếp đề xuất cần theo dõi, lưu trữ video theo cơ chế tự động tập trung về một trung tâm giám sát (ngoài việc quản lý dữ liệu nội bộ riêng của DN) giao cho đơn vị nào đó cấp huyện quản lý, theo dõi. Hệ thống máy chủ chuyên biệt tại trung tâm sẽ được vận dụng công nghệ AI phân tích tự động nhận dạng các phương tiện để đối chiếu sản lượng khai thác thực tế so với tình hình kê khai của DN với cơ quan chức năng. Thông qua đây, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng quản lý được việc DN có khai thác ngoài khu vực cấp phép, thời gian khai thác, xe chở cát có qua trạm cân hay không...

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp với các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, yêu cầu Sở TN-MT và Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Trường hợp tái diễn vi phạm thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi, không giải quyết gia hạn giấy phép.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kê khai, nộp thuế, phí và các khoản thu liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có khai thác cát, sỏi tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên; kiểm tra dữ liệu camera, trạm cân và sổ sách ghi chép, hóa đơn, chứng từ có liên quan, đối chiếu khối lượng khoáng sản đã khai thác và kê khai, nộp thuế. Trường hợp kê khai, nộp thuế không đúng với sản lượng đã khai thác, có dấu hiệu trốn thuế thì phải xử lý nghiêm…


Một doanh nghiệp bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành H.Đại Lộc cũng phát hiện nhiều vi phạm tại mỏ cát Pha Lê (xã Đại Sơn, H.Đại Lộc) của Công ty TNHH đầu tư thương mại Pha Lê. Cụ thể, trong giấy phép, DN này chỉ được sử dụng một sà lan, một tàu hút và một máy xúc cát từ lòng sông. Tuy nhiên, qua kiểm tra thời gian qua, mỏ cát này hoạt động hết công suất với hàng chục máy móc các loại, từ dưới lòng sông đến khu vực trên bến như một đại công trường. Lúc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có đến 46 các loại phương tiện tại mỏ (gồm tàu hút, tàu vận chuyển và xe múc). Ngoài ra, DN này còn khai thác ra ngoài các điểm mốc giới được cấp phép và việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát thực hiện chưa đảm bảo theo quy định. Với những vi phạm trên, UBND H.Đại Lộc đã có quyết định, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với DN này.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.