Người Việt đến Varanasi, tìm về thiên đường xa thẳm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ thủ đô New Delhi, mất hơn một giờ bay của Hãng IndiGo, tôi đến Varanasi, một trong mười điểm hành hương bí ẩn nhất thế giới.

 



1. Người Ấn coi sông Hằng như dòng sông Mẹ chứa đựng bao điều huyền bí. Sông bắt nguồn từ những dãy núi tuyết hùng vĩ ở Himalaya, theo hướng đông nam, chảy qua Bangladesh rồi đổ vào vịnh Bengal. Tương truyền, khi đến Varanasi, sông bất ngờ đổi dòng, chảy ngược lại về phương Bắc như tìm về thiên đường diệu vợi. Nên bằng bất cứ giá nào, một lần trong đời, người Hindu phải đến Varanasi để tắm gội, trầm mình trong dòng nước thánh. Khi chết, tro cốt được rải xuống sông do thần Hủy diệt Shiva cai quản để được lên chốn thiên đường.

Từ thủ đô New Delhi, mất hơn một giờ bay của Hãng IndiGo, tôi đến Varanasi, một trong mười điểm hành hương bí ẩn nhất thế giới. Hơn nữa, cách đó 13 km là Sanarth (Sa nặc), có vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật lần đầu giảng pháp cho anh em Kiều Trần Như, một trong bốn thánh tích hành hương của tín đồ Phật giáo.

Tháng tư, Varanasi nóng như một lò lửa đỏ. Vừa bước ra khỏi sân bay, cơn gió nóng mang theo cát bụi mịt mù thổi thốc vào mặt làm tôi ngộp thở. Vì là chuyến đi ngẫu hứng nên tôi không book tour sẵn, mà nhìn ngó chung quanh tìm kiếm taxi. Rajesh, cậu bé nhỏ thó lái chiếc xe không điều hòa chạy tới hỏi tôi muốn đi đâu, sẽ tận tình chở? Tôi hỏi tới bờ sông Hằng hết bao nhiêu tiền. Cậu mỉm cười ra giá. Trả tới trả lui một hồi, tôi đồng ý. Chưa dứt lời, cậu đã phóng như bay trên những con đường đất gồ ghề, bụi mù đặc quánh.


 

 



2. Tưởng ra khỏi New Delhi thì sẽ thoáng đãng hơn, nào ngờ, càng đi về phía Varanasi, mọi thứ càng trở nên kinh khủng. Xe phải nhích từng chút một, bị bủa vây bởi hàng ngàn người đi bộ lẫn xe kéo, richshaw, xe máy và đặc biệt là dê, ngựa, bò chen chúc như chốn không người. Thành phố ngổn ngang, nghèo nàn, nhà cửa, cỏ cây xơ xác.

Tới trước một rạp hát cũ, Rajesh ngừng lại, bảo tôi chờ và lấy máy ra gọi cho ai đó. Tôi nhìn quanh, giữa khung cảnh nát bươm và dòng người tóc tai bù xù, áo quần cũ nát mà nhủ thầm, mình đang làm cái quái quỷ gì ở đây? Nó đang kêu thêm đồng bọn tới để "làm gỏi" hoặc bán mình vô động làm… nô lệ? Có khi nào mình sẽ bỏ mạng ở nơi này không?

Ơn trời, việc ấy không xảy ra. Rajesh gọi cậu anh họ, là hướng dẫn viên tự do để cùng nhau ra bến. Ba đứa len lỏi qua những con hẻm dơ hầy, đỏ lòm bã trầu, người lờ đờ qua lại, bán buôn rau quả, nhang đèn, bông trái giữa đàn bò vô tư ăn rác, thỉnh thoảng lại tương ra vài bãi to tổ bố.

Vì là thành phố tâm linh, nên mỗi năm, ngoài du khách, Varanasi còn đón hàng chục ngàn người ăn xin từ các vùng khác của Ấn Độ. Họ tắm rửa trên sông. Ngủ chung với rác rến và trâu bò. Rajesh chỉ cho tôi đền thờ của thần Shiva đang thiền định bên mé đường. Trước đền, một người đang ngủ cạnh hai con bò và một đống phân đầy ruồi nhặng.

Sau hơn mười lăm phút len lỏi trong những hẻm ô nhiễm, sông Hằng huyền thoại, tôi mong ước đến bao lâu đã hiện ra trước mặt. Sông rộng mênh mông. Từ bờ bên này không thấy được bờ bên kia, uốn lượn chảy qua những đụn cát vàng thấp thoáng. Hai bên phải trái, 87 Ghat, được xây dựng từ thế kỷ XVII, nhỏ to thấp thoáng bên các đền đài cao thấp. Ghat là những cầu thang dẫn xuống sông, là nơi phục vụ nhu cầu tắm giặt của người dân hoặc được dùng làm lễ hỏa táng.

Tôi bước xuống dưới bậc thang, để chạm tay vào dòng nước thánh. Đang vào mùa khô, nước sông đục ngầu, thum thủm. Nhưng với bao người đang trầm mình tắm gội, sự ô nhiễm trầm trọng kia chả là gì hết. Họ đang muốn gột rửa tất cả bụi bặm trần ai, để lòng tĩnh lặng hướng về đức Shiva quyền lực.

 

 
Tác giả bên sông Hằng tại Varanasi
Tác giả bên sông Hằng tại Varanasi



3. Chúng tôi đi men sông, tới Manikarnika Ghat để xem nghi lễ hỏa táng diễn ra nhộn nhịp. Hàng trăm người như uống phải một thứ cỏ mê hoặc, đang lên đồng, nhảy múa, hát ca, vỗ trống chiêng chung quanh những xác người đặt trên cáng, rầm khấn vái bao lời tôi không hiểu. Dưới bờ, một xác người được bọc trong lớp vải vàng, hoa vạn thọ, nằm trên giàn hỏa thiêu giữa trời. Lửa bốc lên ngùn ngụt, khói tỏa ngút trời.

Giữa dòng, một chiếc bè nhỏ đang trôi bồng bềnh. Rajesh bảo, đó là xác của một đứa bé vừa mới chết. Tương truyền, trẻ em và phụ nữ chưa chồng, khi mất, không thiêu, mà phải đem thủy táng. Còn người lớn, nếu có tiền, thì sẽ được tắm rửa bằng dòng nước tâm linh rồi hỏa táng trên bờ. Tro tàn sẽ được hốt quăng xuống sông Hằng để linh hồn được cứu rỗi. Những ai không tiền, ngược lại, cứ bỏ lên bè. Trôi đâu thì trôi. Nước lớn đẩy ra biển. Không thì tấp vào bờ, đàn chó hoang sẽ đưa họ về thiên đàng xa thẳm.

Tôi ngừng lại bên vệ đường, mua một bịch giống như bánh tiêu và há cảo chiên. Hai người thợ cởi trần trùng trục nhe hàm răng đỏ màu trầu cười tươi, đưa vợt cho tôi, ra dấu bảo kêu vớt bánh và chụp hình làm kỷ niệm. Chúng tôi ghé vào một nhà hàng khá sạch, gọi món dak-bhat-tarkari truyền thống. Mâm thức ăn gồm cơm nóng nằm chính giữa, chung quanh là những chén nhỏ thịt gà hoặc cá, súp đậu, rau dưa chua trộn cà ri. Gã anh họ, sau khi nhận 300 rupees tiền bo đã đi rồi. Rajesh, theo luật lệ phân chia giai cấp của người Hindu, không dám ngồi cùng bàn mặc tôi thiết tha đề nghị.

4. Nhiều người bảo, ngắm mặt trời mọc lên trên sông Hằng ở Varanasi là một cảnh tượng thánh thần, đẹp đến ngỡ ngàng, không đâu có được. Nhưng do không có thời gian nên thay vì ngắm bình minh, chúng tôi thuê thuyền của một ông già gần tám mươi, chạy dọc bờ sông, đi qua gần 50 Ghat để ngắm chiều rơi chầm chậm.

Thuyền rẽ sóng tiến về phía trước. Vài chiếc ghe độc mộc trơ trọi giữa dòng. Người ngư phủ vung tay thả lưới bắt cá. Thuyền ngang qua Darbhanga Ghat, vài giáo sĩ Hindu đang tĩnh lặng ngồi thiền. Mấy thanh niên da ngăm đen, đang ngụp lặn giữa dòng nước dơ hầy, thấy bọn tôi bèn nhe răng cười, ra dấu muốn được chụp hình lưu niệm.

Thuyền lờ lững tới Dashashwamedh, được coi là Ghat đẹp và nhộn nhịp nhất nhờ tín đồ Hindu và người mua bán. Tương truyền đây là nơi thần Sáng tạo Brahma tạo ra để chào mừng thần Shiva đến viếng. Thuyền đi qua Manikarnika Ghat. Thêm một xác được thiêu, khói đen bốc đầy trời. Những người vô gia cư cùng với khách thập phương đang nằm la liệt dưới cội bồ đề, ngay đền thờ thần Shiva, để chờ buổi lễ sắp diễn ra khi màn đêm buông xuống.

Tôi đưa mắt nhìn ra sông Hằng. Mặt trời phía xa hắt lên ánh đỏ, nâu, vàng đẹp tuyệt vời nhưng buồn hiu hắt. Cảm giác trong tôi lúc này thật lẫn lộn. Không biết đến bao giờ mới quay trở lại hay đây là lần cuối ở Varanasi trong cuộc hành trình đi khắp thế giới của mình.

Nguyễn Hữu Tài (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.