Người ở Đồi Mồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những tàu phà chạy tuyến Hà Tiên - Phú Quốc đều đi ngang một hòn đảo nhìn xa giống lưng thoải của con đồi mồi. Nhìn kỹ, sẽ thấy lá cờ Tổ quốc chấm đỏ giữa cây lá.
Đó là Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi thuộc Đồn biên phòng Tiên Hải (TP.Hà Tiên, Kiên Giang), thầm lặng giữ đảo suốt 23 năm qua.
16 năm làm trạm trưởng
Năm 1989, bộ đội Đồn biên phòng Hòn Heo đang đóng quân ở xã Dương Hòa, H.Hà Tiên (nay thuộc TT.Kiên Lương, Kiên Giang) thì nhận lệnh hành quân ra xã đảo Tiên Hải, thành lập mới Đồn biên phòng Hòn Đốc (nay là Đồn biên phòng Tiên Hải).
Thời gian đầu ra đảo, đồn trưởng Năm Lợi bù đầu với việc gây dựng doanh trại, nhưng vẫn canh cánh tìm người phù hợp để đưa ra đóng chốt ở đảo Đồi Mồi, đang ngày càng phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Mấy năm liền không kiếm ra sĩ quan, đến đầu năm 1996, ông đành chọn trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bình, vừa chuyển công tác từ bờ ra đảo.

Đảo Đồi Mồi nhìn từ hướng tây bắc. Ảnh: Mai Thanh Hải
Đảo Đồi Mồi nhìn từ hướng tây bắc. Ảnh: Mai Thanh Hải
Nhớ lại những ngày ấy, ông Trần Văn Bình (55 tuổi, vừa nghỉ hưu tại TP.Hà Tiên với quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp) hồi tưởng: “Đồn trưởng gọi lên giao nhiệm vụ “chỉ huy 4 chiến sĩ nghĩa vụ, mang đủ vũ khí trang thiết bị, quân tư trang cá nhân và lương thực thực phẩm dùng trong 1 tháng, ra đảo Đồi Mồi tìm chỗ đóng quân, bám địa bàn”. Vốn quê lúa Giồng Riềng (Kiên Giang), ông Bình mù tịt, không có khái niệm gì về biển đảo. Nhưng lệnh là lệnh, ông dẫn 4 chiến sĩ đi nhờ tàu cá về TT.Hà Tiên (nay là TP.Hà Tiên), lần mò dò hỏi, tiếp tục đi nhờ chuyến tàu cá lúc 3 giờ sáng ra hòn Đồi Mồi.
“Lúc chúng tôi ra, trên đảo có 10 hộ dân với hơn 30 nhân khẩu. Không có chỗ ở, cứ nhờ hết nhà này đến nhà khác, sau mới cắm ở nhà chú Ba Đực”, ông Bình rành rọt vậy, và cười: “Đầu tháng 3.1998, cấp trên có quyết định thành lập Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi, lúc ấy chúng tôi mới được xây 1 căn nhà cấp 4 ở phía tây nam đảo. Nhà chỉ có 2 phòng ở, anh em lại phải chặt cây, lợp lá dừa làm bếp, nhà vệ sinh phía sau”.
Những năm 90 của thế kỷ 20, tình hình trên vùng biển Tây Nam rất phức tạp, nhất là khu vực đảo Phú Quốc và quần đảo Hải Tặc, thế nên Đồi Mồi nằm ở giữa trở thành điểm nóng. Không chỉ các tàu thuyền qua lại dừng nghỉ, neo đậu giữa chuyến đánh bắt… mà các tàu Thái Lan, Campuchia cũng trà trộn để khai thác trái phép, buôn bán hàng cấm và thậm chí chở người vượt biên, gián điệp.
Nằm ở nơi hẻo lánh, phương tiện liên lạc không có, các thông tin, báo cáo, thậm chí xin chi viện tăng cường đều phải viết thư nhờ gửi theo tàu dân, cả tuần sau mới có trả lời, nên dần dà, ông Bình phải tự giải quyết mọi tình huống. “Có lúc vài chục tàu neo quanh đảo, cả trăm ngư dân ùa lên, trong khi chúng tôi chỉ có 4 người với 4 khẩu súng AK, ban đầu cũng sợ bị cướp súng, bắt cóc. Nhưng đây là vùng biển của mình, tàu bè tấp nập, có việc gì là bà con sẽ hỗ trợ ngay. Chúng tôi được dân giúp đủ thứ, không có từng can nước ngọt, túi gạo, can dầu dân cho, thì khó có thể bám trụ quá 1 tháng”, ông Bình kể.
Cuối năm 2011, ông Bình được rút về bờ. Khi ông ra, đảo có 10 hộ dân sinh sống. Khi ông về, chỉ 1 hộ với 4 nhân khẩu còn trụ lại. Bà con ở quần đảo Hải Tặc bảo: “Ông Bình là chúa đảo Đồi Mồi, vì sống 16 năm liên tục trên đó”.

Chiến sĩ Huỳnh Ngọc Được
Chiến sĩ Huỳnh Ngọc Được
Trường Sa ở biển tây nam
Đầu tháng 12.2021, chúng tôi từ TP.HCM xuống TP.Hà Tiên, kịp lên chuyến tàu duy nhất trong ngày, khởi hành lúc đầu giờ chiều ra xã đảo Tiên Hải. Ngủ lại Đồn biên phòng Tiên Hải 1 đêm, sáng hôm sau thuê tàu dân chạy 2 tiếng, ra Đồi Mồi.
Thả neo cách đảo khoảng 200 m, đợi chiếc vỏ lãi composite thì thụp chạy ra đón, thêm một lần lội nước qua bãi sỏi, mới chính thức đặt chân lên Đồi Mồi. Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi là căn nhà cấp 4 xây dựng lần 2 trên điểm cao, gồm 3 phòng, bên trong toàn giường, tủ, bàn ghế cũ, từ hồi mới thành lập. Thứ mới nhất là cái tủ súng.
Trung úy Danh Ngân (25 tuổi, quê xã Vĩnh Hòa Phú, H.Châu Thành, Kiên Giang) mới nhận nhiệm vụ trạm trưởng từ tháng 1.2021, chỉ gần chục téc nước đủ loại nằm la liệt quanh nhà: “Trên đảo không có nguồn nước ngọt. Nếu không hứng mưa dự trữ, đến mùa khô phải mua từ Hòn Đốc chở ra. Lúc cao điểm, mỗi người được chia 10 lít nước/ngày để sinh hoạt, tắm giặt, ăn uống”.
Bộ đội ví Đồi Mồi là “Trường Sa ở biển Tây Nam”. Trạm được cấp hệ thống năng lượng mặt trời từ chục năm trước, giờ chỉ còn 1/6 tấm pin hoạt động, ngày nắng mới cấp được chút điện vào bình ắc quy (người dân cho mượn) đủ sạc điện thoại lần mò soi sáng khi đêm xuống. Sóng điện thoại Viettel, phải đứng phía Tây Nam hứng phía Phú Quốc, mỏi tay may ra mới có.
Hôm chúng tôi ra Đồi Mồi, trung tá Danh Phương (Chính trị viên Đồn biên phòng Tiên Hải) xách theo một túi đủ rau củ, thịt cá để trưa ấy nấu cơm cùng ăn. Ngoài này, mọi thứ lương thực, thực phẩm đều phải nhờ tàu đánh cá của ngư dân mua giùm. 1 - 2 tuần mới có tàu. Hôm nào tàu ra, bộ đội được ăn miếng thịt, ngọn rau tươi. Còn lại, bữa nào cũng chỉ 2 món cá kho và canh rau tự trồng. Biển êm, mới chạy được vỏ lãi ra ngoài mép nước, ngồi câu cá. Sóng to gió lớn, anh em đi bắt cua ốc ở những tảng đá quanh đảo hoặc rang đậu phộng, ăn qua bữa.

Bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi kiểm tra vũ khí trang bị
Bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi kiểm tra vũ khí trang bị
Ước mơ ánh sáng
Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi có 1 chiếc vỏ lãi composite dùng để chạy trong sông hồ. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hồng Chí Dũng (37 tuổi, quê TP.Hà Tiên) cười: “Vỏ lãi cũ, bà con tặng. Đồn và trạm góp tiền sửa chữa, dùng làm phương tiện kiểm soát xung quanh đảo khi trời êm. Những lúc làm nhiệm vụ, phải đi nhờ tàu đánh cá của bà con”, và thành thực: “Trạm chỉ cách đường trung tuyến vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia từ 2 - 3 km, mình mà không thường xuyên tuần tra kiểm soát, là tàu nước ngoài tràn sang xâm phạm chủ quyền ngay”.
Ở Đồi Mồi, chiến sĩ Huỳnh Ngọc Được là trẻ tuổi nhất, năm nay 19 tuổi, quê ở xã Nam Thái (H.An Biên, Kiên Giang) là con độc nhất trong gia đình. Đang học lớp 10 thì nhà có chuyện, Được phải nghỉ học, làm công việc bỏ mối nước đá phụ giúp gia đình. Mấy năm liền chạy ghe chở nước đá, Được thành thạo mọi việc điều khiển, kỹ thuật và khi vào bộ đội, ra đảo Đồi Mồi, cậu bé lập tức trở thành “tài công kiêm thợ máy chính”, cùng với các nhiệm vụ của trạm.
“Hồi mới ra, con nản lắm. Trong khi tụi bạn ở nhà sáng cà phê, chiều bida, tối cày game, đêm nhậu nhẹt, thì mình sống nơi thiếu mọi thứ tối thiểu nhất. Sau, thấy các anh, các chú cũng chịu đựng như mình, nên thầm bảo: Bao người sống được thì mình sống được. Có trải qua gian khổ mới thực là đàn ông”, Được nói vậy và cười tít mắt: “Năm nay đón tết ngoài đảo. Giá mà có điện thắp sáng, coi được ti vi, xem cải lương là tụi bạn con ở quê lác mắt cho coi”.
Ước mơ của tuổi 19 và những người lính canh giữ đảo nhỏ tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc rất đỗi bình thường và giản dị, mà thương…
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.