Người lưu giữ làn điệu hát cổ độc đáo - dân ca Xa Mạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những làn điệu dân ca này từng có thời gian trầm lắng nhưng nhờ công sức, tâm huyết của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, nghệ thuật truyền thống của làng quê đã được vực dậy, phát triển như ngày nay.

 

 Ông Nguyễn Ngọc Lược trong lễ vinh danh Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân năm 2019. (Ảnh: TTXVN phát)
Ông Nguyễn Ngọc Lược trong lễ vinh danh Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân năm 2019. (Ảnh: TTXVN phát)





Thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc vốn là làng quê thuần nông của huyện Mê Linh (Hà Nội) nhưng lại được nhiều người biết đến với loại hình nghệ thuật độc đáo - dân ca Xa Mạc (người ta thường gọi hát Xa Mạc).

Những làn điệu dân ca này từng có thời gian trầm lắng nhưng nhờ công sức, tâm huyết của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, nghệ thuật truyền thống của làng quê đã được vực dậy, phát triển như ngày nay.

Hát Xa Mạc có lịch sử lâu đời. Theo ký ức của người cao niên trong làng, khi sinh ra, họ đã thấy các cụ hát trong những dịp hội làng, các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt thường ngày và họ cứ thế tiếp nối.

Hát Xa Mạc được vận dụng để hát đối đáp, hát giao duyên, hát trên thuyền, hát lúc cày cấy, hát lúc quay tơ dệt lụa, hát ở sân đình, cửa đình… với nhiều thể loại phong phú.

Theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, mỗi một bối cảnh là những làn điệu riêng nhưng đều chứa đựng đặc trưng của lối hát của Xa Mạc, có giọng ngâm truyền cảm, vừa mượt mà, sâu lắng, vừa chứa đựng tình yêu quê hương, con người, sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.

Lối hát này thường hát hai câu một điệu, cho dù bài rất dài vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đó. Cũng như hát Trống quân, hát Cò lả, người Xa Mạc tự hào lối hát quê hương không giống bất cứ một làn điệu dân ca nơi nào và duy nhất chỉ có ở Xa Mạc.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hát Xa Mạc, các làn điệu dân ca này đã ngấm vào tâm hồn ông từ nhỏ. Thủa còn đi học, ông đã được ông bà, bố mẹ dạy cho những bài hát cổ, ngân nga trong những lúc rảnh rỗi.

Ông kể rằng, thủa đó, người dân Xa Mạc còn nghèo nhưng các điệu dân ca đã khiến người ta quên những ưu phiền, vượt qua được hoàn cảnh khốn khó.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, cùng hành trang là ba lô, cây súng, ông Lược mang theo những điệu dân ca quê hương vào chiến trường. Sau những buổi hành quân, chiến đấu, ông lại hát cho đồng đội nghe trong những phút giây giải lao.

Khi rời quân ngũ về làng, ông Nguyễn Ngọc Lược nhận thấy làn điệu dân ca Xa Mạc không được phổ biến như trước, khi người dân bận rộn theo guồng quay của cuộc sống.

Tiếc nuối với những điệu hát cổ, ông Lược đã cất công sưu tầm, để tìm cách vực dậy. Trong khi mọi người mải lo làm ăn, việc ông bỏ công sức tìm lại các bài hát dân ca cổ của làng được cho là lẩn thẩn.

Ông chia sẻ, việc sưu tầm lúc đó rất khó khăn bởi trước đó chưa có ai ghi chép lại, là chủ yếu chỉ qua truyền khẩu. Ông đến gặp các cụ cao tuổi trong làng, nhờ các cụ đọc lại lời bài hát để ghi chép vào các cuốn sổ.

Dù là sáng hay tối, bất kể lúc nào, ông cũng có thể đến gặp các cụ, nếu họ nhận lời truyền lại lời bài hát cho ông. Thấy được tâm huyết của ông, mọi người đã nhiệt tình giúp đỡ, không chỉ đọc lại lời bài hát mà các cụ còn chỉ bảo cách hát, cách thể hiện sao cho hoàn chỉnh.

Công sức của ông Nguyễn Ngọc Lược đã được đền đáp. Từ chỗ đàm tiếu về ông, dần dần, người dân làng Xa Mạc đã cảm mến tấm lòng, sự nhiệt huyết của ông.

Ông vận động mọi người cùng tham gia hát Xa Mạc, dần vực lại làn điệu dân ca quê hương. Khi có số lượng người tham gia hát nhất định, ông Lược lại nghĩ đến việc thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Xa Mạc.

Câu lạc bộ ra đời, ban đầu chỉ hơn 20 thành viên và gặp nhiều khó khăn khi nhiều người chưa biết hát dân ca mà chỉ tham gia vì yêu văn nghệ và ủng hộ ông.

Ông Lược vừa là chủ nhiệm, vừa dạy hát, kiêm luôn cả dàn dựng, biên đạo các bài múa. Hát Xa Mạc có rất nhiều thể cách. Việc dạy mọi người biết cách ngân nga, luyến láy theo đúng đặc trưng của dân ca Xa Mạc cũng không dễ dàng.

Sau một thời gian kiên trì, cộng với sự nhiệt tình của các thành viên, mọi người đều có thể hát thành thạo. Để câu bộ hoạt động tốt như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Lược mất rất nhiều thời gian, công sức, ngoài công việc trong gia đình, bất cứ thời gian rảnh ông lại dành hết cho câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Lược hồ hởi cho biết, bên cạnh sưu tập các bài dân ca cổ, ông còn sáng tác nhiều bài hát, dựng hàng chục trường đoạn và ca cảnh phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Đặc biệt, ông dựng ca cảnh “Anh chủ nhiệm” và đã mang về giải Nhất cho Câu lạc bộ tại Hội diễn nghệ thuật truyền thống thành phố Hà Nội năm 2014 và ca cảnh “Làng văn hóa” cũng đoạt giải Nhất tại Hội diễn năm 2016.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ hát dân ca Xa Mạc còn được đi biểu diễn nhiều nơi ở Hà Nội và các tỉnh để giới thiệu loại hình dân ca độc đáo của quê hương đến mọi người.

Hơn 20 năm gắn bó với Câu lạc bộ, ông Nguyễn Ngọc Lược không chỉ bỏ thời gian, công sức mà nhiều lần còn tự bỏ kinh phí để trang trải cho Câu lạc bộ bởi ông nghĩ, tiền cũng quan trọng nhưng bao tâm huyết của mình bỏ ra gây dựng nên Câu lạc bộ, khôi phục được làn điệu dân ca quê hương.

Nếu không duy trì hoạt động, Câu lạc bộ không thể tồn tại và nghệ thuật hát Xa Mạc lại bị mai một. Điều đó rất có ý nghĩa khi Câu lạc bộ hoạt động tự nguyện, không có nguồn tài trợ để hoạt động, có chăng chỉ khi đi biểu diễn tại các hội diễn hay liên hoan nghệ thuật, địa phương hỗ trợ một phần ít ỏi. Đáng mừng, việc làm của ông đều được sự ủng hộ từ gia đình, bởi bà xã và con trai ông đều là thành viên Câu lạc bộ.

Trong những năm qua, ông Nguyễn Ngọc Lược còn đào tạo nhiều người trẻ hát dân ca Xa Mạc, có người còn trở thành diễn viên các đoàn chèo chuyên nghiệp của Trung ương.

Với những đóng góp trong việc khôi phục, phát triển nghệ thuật quê hương, năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.