Người già thường quên uống thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người già mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, nếu không được kiểm soát chặt chẽ bằng thuốc men và chế độ ăn uống, sẽ dễ dẫn đến đột quỵ mà hậu quả là tàn phế, thậm chí tử vong.

Điều dưỡng Phượng hướng dẫn người nhà cách chăm sóc cho cụ bà bị đột quỵ
Điều dưỡng Phượng hướng dẫn người nhà cách chăm sóc cho cụ bà bị đột quỵ


Thế nhưng, do trí nhớ sụt giảm, người già rất khó thực hiện việc tự uống thuốc đúng giờ, đúng liều.

Tai biến vì quên uống thuốc

Anh P.Đ.H. ngụ tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh phải cài luôn chức năng báo nhắc trên điện thoại. Cứ vào mỗi thứ Sáu hàng tuần, chuông báo sẽ reo lên và hiện dòng chữ: “Hôm nay chia thuốc cho mẹ”.

Mẹ của anh H. là cụ N.T.Đ., 81 tuổi, cách đây 5 năm, được chẩn đoán có huyết khối trong tim. Từ đó cụ được bác sĩ (BS) chỉ định phải uống thuốc chống đông máu mỗi ngày. Thấy mẹ còn khỏe, vẫn tự chăm sóc được bản thân, thậm chí còn trồng cây, tưới rau nên mỗi tháng, khi đưa bà đi tái khám xong, anh H. đưa bịch thuốc kèm theo toa BS, dặn mẹ nhớ uống.

Bẵng đi vài tháng, nghe cụ Đ. nói: “Chưa cần mua thuốc đâu, thuốc mẹ vẫn còn”, cả nhà mới ngã ngửa. Anh H. mua hộp về tự tay chia thuốc rồi đưa cho mẹ mỗi ngày. Tuy nhiên, bà cụ vẫn lúc nhớ lúc quên.

Gom hộp lên chia thuốc anh mới biết mẹ làm mất luôn cả thuốc lẫn hộp. Thế rồi, một ngày nọ, cụ Đ. ít nói hẳn, mắt đờ đẫn, không thể tự đứng lên, nửa người bên trái yếu liệt. Cả nhà cuống quýt đưa cụ vào bệnh viện (BV) mới biết cụ bị tai biến.

Tái phát tai biến do tự ý ngưng thuốc

Tại khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 (TP.HCM), tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến tái phát do không tuân thủ liệu trình điều trị chiếm tới 30%. Theo chân BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - đi thăm bệnh tại phòng cấp cứu của khoa, chúng tôi không khỏi xót xa. Khi đến giường của một cụ ông tên N.V.T. 80 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp, lật xem hồ sơ bệnh án, BS Thắng mặt biến sắc, quay ra hỏi người nhà bệnh nhân: “Ở nhà, anh có cho ông cụ uống thuốc đầy đủ mỗi ngày không, sao lại để cụ thế này, tai biến tái phát lần thứ năm rồi, anh biết không? Tôi đã dặn gia đình rất kỹ là cụ phải uống thuốc suốt đời cơ mà!”. Người đàn ông nghe BS chất vấn, miệng lí nhí: “Tại ba em nhúc nhắc đi lại được rồi nên mới không uống thuốc nữa”.

Cụ T. nằm bất động trên giường bệnh, mắt mở to, nhìn vô định. Theo chẩn đoán của BS, 5 lần tai biến làm hỏng hết não của bệnh nhân, từ giờ cụ chỉ có thể sống thực vật, không thể tự chủ ngay cả việc tiêu tiểu, xoay trở người.

Tại khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất (TP.HCM), ngày nào cũng có khoảng 25 cụ nằm điều trị tai biến. Bệnh nhân trẻ nhất ở đây cũng tầm 70 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng suýt soát 100. BS Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh của BV này - ước tính, tỷ lệ người cao tuổi bị tái phát đột quỵ do không tuân thủ liệu trình điều trị chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân.

Theo BS Nga, nguyên nhân chính khiến người cao tuổi không uống thuốc có thể do yếu tố về tâm lý tâm thần (sa sút trí tuệ nên phản đối uống thuốc, kích động, thiếu hợp tác). Một nguyên nhân phổ biến là người lớn tuổi hay quên, hạn chế về năng lực vận động nên không tự uống thuốc, trong khi người thân lại theo dõi việc uống thuốc của họ không chặt chẽ. Một sai lầm của người thân và bệnh nhân là qua điều trị sau tai biến, thấy bệnh nhân hồi phục tốt thì tự ý ngưng thuốc.

Nhỏ nhẹ, kiên nhẫn khi cho người già uống thuốc

Nữ điều dưỡng Trần Kim Phượng ở khoa Nội thần kinh BV Thống Nhất chia sẻ: “Tôi làm việc ở khoa này 14 năm rồi. Người già hay giận hờn, nhõng nhẽo và làm nũng do cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Muốn bệnh nhân hợp tác uống thuốc, chúng tôi phải thuyết phục. Lúc họ nóng giận, tôi sẽ lui ra, chờ họ qua cơn thì quay lại dỗ uống”.

Còn theo BS Nga, một bệnh nhân tai biến thường phải uống mỗi lần tới 5-6 loại thuốc. Do đó, các bệnh nhân lớn tuổi không thể nào nhớ và uống thuốc đầy đủ nếu không được hỗ trợ. Ở các nước tiên tiến, họ có hẳn dịch vụ cung cấp người chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi theo giờ.

Những người này được đào tạo chuyên nghiệp, họ sẽ đến để cho bệnh nhân ăn uống, tiêu tiểu, vệ sinh thân thể và uống thuốc vào những giờ quy định. Tại Việt Nam, bệnh nhân cao tuổi chủ yếu được người thân chăm sóc. Do phải đi làm nên người thân không thể theo sát bệnh nhân, còn nếu thuê hẳn một người túc trực, chăm sóc bệnh nhân tại nhà thì chi phí lại rất cao.

Theo phunuonline

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.