Thỉnh thoảng lại có một thanh niên ở phương xa khăn gói tìm về làng Tây Sơn, tỉnh Bình Định để học võ.
|
Dù cao tuổi, nhưng hằng ngày võ sư Mười Hoàng vẫn đàm đạo võ thuật. Ảnh: L.V.C |
Thời còn sống, võ sư Phan Thọ thường nhìn rất kỹ tướng mạo của chàng thanh niên có chí hành hiệp tìm thầy, sau đó hỏi: “Con muốn học bên môn gì? Nếu mà học đối kháng thì ở đây ít bữa rồi qua nhà Mười Hoàng”.
Trước khi qua đời vào năm 2014 (thọ 89 tuổi), võ sư Phan Thọ liên tục căn dặn Mười Hoàng và chia sẻ những bí kíp võ thuật cận chiến.
Tay đấm sắt
Cách đây 20 năm, trong một quán cơm kéo rào (quán cơm tù) trên quốc lộ 1A, hành khách trên một chiếc xe hôi hám, nóng nực, xộc xệch và đầy bụi đường vừa qua cửa thì nghe tiếng ken két kéo cửa sắt sau lưng của đám người phục vụ. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra và giữa âm thanh hỗn độn đó, giọng một người Bình Định cất lên với vẻ ôn tồn. Người đàn ông này bước ra can ngăn, đó là Mười Hoàng. Những kẻ gây gổ chạm vào người ông thì đều bật ra vì những cú đỡ gạt. Ông không ra đòn, chỉ can ngăn. Đệ tử của Mười Hoàng đi chuyến đó vào Bình Định rước thầy ra mở võ đường càng khâm phục đức tính nhẫn nhịn của sư phụ.
|
Võ sư Mười Hoàng cùng đệ tử dạy võ cho các em học sinh |
Xóm Bắc, thôn 1, xã Bình Nghi (H.Tây Sơn) trong màn đêm vang lên tiếng hô đánh quyền. Mười Hoàng năm nay đã 77 tuổi, ông không còn dành thời gian ra bắc để giúp các đệ tử mở võ đường mà cùng học trò là Lê Công Mười tổ chức lớp võ tại sân nhà. Học trò đến học võ đông nhất là vào dịp nghỉ hè. 20 võ sinh đang tập luyện thì chiếm một nửa là nữ. Đòn thế mà các võ sinh tập là sử dụng vai, chỏ, cộng với cú lắc người, đảo tấn để áp sát đối phương, tấn công đòn liên hoàn. Đây là những đòn thế đặc trưng của võ Tây Sơn mà cố võ sư Phan Thọ thường biểu diễn.
Gia cảnh của võ sư Mười Hoàng cũng giống các võ sư khác ở H.Tây Sơn, đó là nghèo, sống đắp đổi qua ngày. Thời trẻ, nhiều thanh niên ở xa tìm đến nhà để học võ, những võ sinh thành đạt trở về quê nhà mở võ đường thì Mười Hoàng đều đến hỗ trợ, dạy thêm binh khí. Đường đao của ông như rồng bay phượng múa, quyền cước vun vút với bước tấn mềm mại. Các đệ tử thường ồ lên khi thấy ông biểu diễn đòn lướt, áp sát các võ sĩ sử dụng đòn chân, đảo vai để cả thân pháp cuốn tròn theo lực, sau đó hạ thấp người, ném võ sĩ này văng ra cả mét.
Mười Hoàng có tính cách của một người nông dân, khá mộc mạc. Trên tấm bìa ghi tóm lược võ đức treo trước bàn thờ, ông viết: “Trông: nghĩ sao cho tỏ; Nghe: nghe sao cho suốt…”. Mười Hoàng có khả năng xem tướng mạo để chọn học trò. Ông chỉ lướt qua khuôn mặt, nghe giọng nói, dáng đi thì có thể phỏng đoán ra được phần lớn tính cách của người đó. Mười Hoàng cho rằng: “Nếu học trò có tướng mạo đức độ thì mình truyền dạy kỹ; còn học trò có tính hơn thua, thiếu kiên nhẫn thì mình cũng vẫn dạy nhưng mà dạy theo cách khác”.
Sống đời võ
Một võ sư có giữ riêng cho mình một bí quyết hay không? Trước khi võ sư Phan Thọ qua đời có truyền lại cho ông những bí quyết gì? Tôi tò mò hỏi võ sư Mười Hoàng. Ông cười và cho biết, Phan Thọ luôn xưng hô là anh Bốn, điều gì cũng tâm sự. Hai gia đình ở cùng xã Bình Nghi, quan hệ sui gia, nên thường xuyên qua lại. Phan Thọ thường nói rằng: “Anh Bốn khuyên em, tìm thằng đệ tử nào đó để nối hậu, em có “số vàng” nào thì truyền dạy, khuyên nó, làm sao cho nó phải làm theo gương của ông thầy dạy mình, đừng để thất truyền võ Bình Định”.
Phan Thọ (1926 - 2014) được giới võ thuật mệnh danh là võ sư huyền thoại tinh thông Thập bát ban binh khí, và là người giữ lửa cho tinh hoa võ thuật làng võ An Vinh trên 200 năm tuổi. Còn võ sư Lê Công Hoàng (Mười Hoàng) đã đào tạo hàng ngàn võ sĩ, trong đó có 15 võ sĩ thi đấu cấp quốc gia, nhiều võ sĩ nổi tiếng như Lê Anh Tuấn, đơn vị quân đội, Trần Văn Đông, Trương Văn Phúc ở tỉnh Nghệ An |
Phan Thọ học võ từ năm 18 tuổi, là võ sư tinh thông thập bát ban binh khí, từng sử dụng đòn Độc xà trạm nguyệt để hạ võ sĩ taekwondo của Đại Hàn. Ông từng đến học nhiều thầy và thông làu các môn kiếm, roi, đao, thương, lăn, khiên... Mười Hoàng không thể học hết được tất cả võ thuật của Phan Thọ, nhưng cũng được võ sư Phan Thọ truyền thụ lại khá nhiều bí quyết võ thuật, kinh nghiệm trong môn võ đối kháng.
Nhiều năm trước, những thanh niên tới làng Tây Sơn học võ, một số được võ sư Phan Thọ dạy vài khóa rồi chỉ lên nhà Mười Hoàng học tiếp. Phần lớn những thanh niên này đến học võ chỉ mang theo một ít tiền lận lưng, chi tiêu một thời gian rồi hết. Học trò hỏi “thầy tính con bao nhiêu một tháng?”, Mười Hoàng nhìn bộ dạng là biết liền, nên chỉ ra chiếc võng đung đưa trên hè và chiếc giường nhà dưới rồi nói, thầy cho ở miễn phí, còn thầy cũng nghèo nên con ráng góp tiền ăn.
Gần nhà võ sư Mười Hoàng có nhiều lò gạch thủ công. Học trò Mười Hoàng xin vào làm công cho lò gạch, hằng ngày nắn, vác đất, chiều về bắt đầu học võ. Hoàn cảnh càng khổ thì quyết tâm học võ càng cao. Khoảng sân rộng dưới gốc cây xoài trước nhà Mười Hoàng là nơi biết bao nhiêu võ sinh ở các tỉnh đã đến lưu lại và tập võ. Quả ngọt mà võ sư Mười Hoàng thu được không phải là tiền bạc, mà là sự thành danh của học trò. Nhiều người trong số đó hiện nay đã trở thành võ sư, tiếp tục mở chi nhánh võ Tây Sơn, truyền dạy cho học trò tại nhiều tỉnh thành như: Hải Dương, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Anh Bốn gởi em
Nhà Mười Hoàng được bài trí theo cách của một con người sống hết mình cho võ thuật. Chính giữa nhà treo tấm ảnh vua Quang Trung, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Góc nhà là một chiếc kệ bày binh khí, gồm 15 loại, đủ cả đao, thương, côn, kiếm, roi trường, kiếm ngắn. Tấm ảnh đại võ sư Phan Thọ được ông lồng vào khung kính và đặt cạnh bàn thờ. Hằng ngày ngồi uống nước trà bên cạnh giá binh khí, chiêm nghiệm về cuộc đời dạy và học võ từ năm 19 tuổi, ngày nào ông cũng nhắc đến Phan Thọ.
Bà Nguyễn Thị Diêu, vợ Mười Hoàng, được học trò xưng là sư mẫu. Bà Diêu kể lại, lúc võ sư Phan Thọ cảm thấy người yếu đi, ông thường gọi Mười Hoàng lên và anh em cứ choàng tay nhau nói chuyện. Phan Thọ dặn đi dặn lại là: “Anh Bốn không biết ngày nào sẽ ra đi, em ở lại làm tròn nghĩa vụ, giữ cho môn phái võ còn danh dự cho ngày sau”. Hỏi chuyện võ sư Phan Thọ có trao truyền lại bí kíp võ thuật nào cho Mười Hoàng hay không, vợ ông cho biết, chỉ nghe Phan Thọ kéo sát Mười Hoàng vào dặn chừng: “Anh Bốn dặn là em giữ mấy đường đó, tới khi cuối đời thì tìm học trò truyền lại, đệ tử nào tin tưởng thì mới nói”.
Bí kíp mà Phan Thọ truyền lại cho Mười Hoàng chỉ thông qua lời nói. Võ sư Mười Hoàng cho biết, đối với người học võ lâu năm thì chỉ cần nói miệng. Võ sư Mười Hoàng cho biết: “Hồi xưa võ lấn văn, nhà giàu mới có tiền cho con học võ. Còn bây giờ thì văn lấn võ. Vợ chồng tôi sinh ra được 4 người con trai, 1 người con gái, nhưng không đứa nào chịu học võ, vì nói nghề võ nghèo, không kiếm nổi tiền bạc”.
Sát nhà ông là võ sư Lê Công Mười, đệ tử ruột, phụ trách Câu lạc bộ Lê Công Mười ở thôn Trường An 3, xã Song An (TX.An Khê, tỉnh Gia Lai), từng là tay đấm không có đối thủ hạng cân 45 - 48 kg. Còn đệ tử của ông ở các tỉnh phía bắc thì rất nhiều. Mười Hoàng sẽ truyền lại bí kíp cho học trò theo lời dặn của cố võ sư Phan Thọ, nhưng chưa biết sẽ chọn ai.
Theo Lê Văn Chương (Thanh Niên)